|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

Nga về phe Trung Quốc, đòi Mỹ đưa ra bằng chứng cho cáo buộc về nguồn gốc virus SARS-CoV-2

17:11 | 06/05/2020
Chia sẻ
Phát ngôn viên của Tổng thống Nga Vladimir Putin hôm 5/5 cho biết Mỹ đã sai lầm khi cáo buộc chính phủ Trung Quốc che đậy thông tin và để đại dịch lan rộng ra toàn thế giới mà không có bằng chứng cụ thể, cho thấy Moscow đang xoay trục từ Washington về phía Bắc Kinh.
Nga ủng hộ Trung Quốc, khẳng định Mỹ phải 'đưa ra bằng chứng' cho các cáo buộc về nguồn gốc virus SARS-CoV-2 - Ảnh 1.

Nga ủng hộ Trung Quốc, khẳng định Mỹ phải "đưa ra bằng chứng" cho các cáo buộc về nguồn gốc virus SARS-CoV-2. (Ảnh: The Washington Post)

Khi cuộc tranh luận về nguồn gốc của virus SARS-CoV-2 tiếp diễn, ông Dmitry Peskov - phát ngôn viên điện Kremlin, chia sẻ với CNBC rằng Nga "không thể đồng tình" với các cáo buộc mà phía Mỹ dành cho Trung Quốc. Ông Peskov cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của mối quan hệ song phương Moscow - Bắc Kinh.

"Chúng tôi nhận thấy đây không phải thời điểm thích hợp để cố gắng đổ lỗi cho Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) rồi qua ngày hôm sau lại chuyển hướng sang Trung Quốc, vì chúng ta đang đứng giữa một cuộc khủng hoảng nghiêm trọng và chưa từng có", ông Peskov phát biểu hôm 5/5.

Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo hôm 3/5 khẳng định có "lượng bằng chứng đáng kể" cho thấy virus SARS-CoV-2 xuất hiện từ một phòng thí nghiệm của chính phủ Trung Quốc ở thành phố Vũ Hán. Phòng thí nghiệm được nhắc đến đã tiến hành nghiên cứu về chủng virus corona trên dơi.

Cuối ngày 3/5, Tổng thống Donald Trump lại cho biết ông tin Trung Quốc đã gây ra một "sai lầm khủng khiếp" và cố gắng bưng bít sự việc, tuy nhiên cả ông Trump lẫn ông Pompeo đều không cung cấp bằng chứng cho các cáo buộc của mình.

Bình luận của ông Trump và Ngoại trưởng Mỹ được đưa ra sau khi cơ quan tình báo hàng đầu của chính phủ liên bang cho biết hôm 30/4 rằng virus SARS-CoV-2 không phải do con người tạo ra, tuy nhiên các điều tra viên vẫn đang tiếp tục tìm hiểu liệu có phải "virus lọt ra ngoài sau một tai nạn ở một phòng thí nghiệm tại Vũ Hán" hay không.

Trung Quốc đã kịch liệt bác bỏ thông tin cho rằng virus SARS-CoV-2 thoát ra từ Viện Virus Vũ Hán và thậm chí còn chuyển sang cáo buộc Mỹ mới là nguồn gốc của virus. Hầu hết các chuyên gia đều tin virus SARS-CoV-2 gây ra đại dịch COVID-19 nhiều khả năng bắt nguồn từ một chợ truyền thống ẩm ướt ở Vũ Hán và sau đó lây nhiễm sang người qua loài dơi hoặc tê tê.

Hôm 5/5, Tổng thống Trump đã chia sẻ với các phóng viên tại Nhà Trắng rằng ông đang lên kế hoạch công bố chi tiết báo cáo của cơ quan tình báo nhằm củng cố giả thuyết virus SARS-CoV-2 đến từ một phòng thí nghiệm ở Vũ Hán.

CNBC dẫn lời ông Dmitry Peskov - một quan chức cấp cao, đồng thời là phát ngôn viên của Tổng thống Putin cho hay các cáo buộc của Mỹ "rất nghiêm trọng", nên nếu ai đó đưa ra những khẳng định như vậy, "họ cần phải đưa ra bằng chứng".

"Nếu không có bằng chứng, chúng tôi nhận thấy thật sai lầm khi tấn công nước khác theo cách phi ngoại giao như vậy", ông Peskov nhấn mạnh.

Đây không phải lần đầu tiên Tổng thống Trump chỉ tay đổ lỗi cho Trung Quốc. Trước đó, ông Trump từng gọi virus SARS-CoV-2 là "virus Trung Quốc" dù hiện tại đã ngừng sử dụng cách gọi này. Ngoài ra, nhà lãnh đạo chính phủ Mỹ còn cáo buộc Bắc Kinh không nhanh chóng công bố thông tin về đại dịch với thế giới.

Ông Trump cảnh báo Trung Quốc sẽ gánh lấy "hậu quả", và tuần trước, ông chia sẻ với Reuters rằng phản ứng chống dịch của Trung Quốc là bằng chứng cho thấy Bắc Kinh "sẽ cố gắng làm mọi thứ họ có thể" để khiến ông thất bại trong cuộc bầu cử tổng thống vào tháng 11 tới.

Ông Trump cũng nhiều lần đổ lỗi cho WHO, cáo buộc cơ quan của Liên Hợp quốc này xử lí đại dịch sai cách và quyết định tạm ngưng tài trợ trong 60 - 90 ngày. Nhiều nhà lãnh đạo thế giới đã lên tiếng chỉ trích động thái này của ông Trump.

Mối quan hệ Mỹ - Trung đã căng thẳng từ trước đại dịch COVID-19, sau gần hai năm thương chiến và hàng trăm tỉ USD hàng hóa bị đánh thuế. Trong khi đó, mối quan hệ giữa Nga và Trung Quốc lại thêm khăng khít. Hai nước láng giềng này đã nuôi dưỡng quan hệ ngoại giao và thúc đẩy thương mại cũng như đầu tư trong vài năm trở lại đây.

Ông Peskov cho biết Nga "có mối quan hệ riêng với Trung Quốc và chúng tôi đánh giá cao mối quan hệ đó".

"Giữa chúng tôi là mối quan hệ hiểu biết và hợp tác chung. Chúng tôi đang cố gắng tận dụng quan hệ hợp tác giữa hai bên trong cuộc khủng hoảng y tế lần này. Nga và Trung Quốc thường trao đổi thông tin, phác đồ điều trị và nhiều nội dung khác", phát ngôn viên điện Kremlin nói.

Khả Nhân

Vì sao Mỹ chật vật với lạm phát hơn châu Âu?
Lạm phát có thể đã giảm mạnh từ các mức cao nhất hàng chục năm qua ở cả hai bờ Đại Tây Dương, nhưng tiến triển ở Mỹ đã chững lại, khiến Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) hiện được dự đoán sẽ bắt đầu cắt giảm lãi suất chậm hơn nhiều so với Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB).