|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

Thành tựu kinh tế bị COVID-19 quét sạch, Tổng thống Trump chuyển sang đổ lỗi cho Trung Quốc để giữ ghế

06:34 | 05/05/2020
Chia sẻ
Tổng thống Trump luôn tự tin rằng thành tựu kinh tế sẽ giúp ông tái đắc cử vào tháng 11 tới. Tuy nhiên, khi đại dịch COVID-19 quét sạch "vốn liếng" mà ông Trump gom góp bây lâu nay, nhóm tranh cử của ông đã tận dụng tâm lí bài xích Trung Quốc của người dân Mỹ, nhanh chóng triển khai chiến lược đổ lỗi cho Trung Quốc từ vài tuần trước.

Cuộc đua chính trị của ông Trump và đối thủ sôi động hơn khi nhắc đến Trung Quốc

Ông Trump đã quyết định đổ dồn cơn giận dữ về đại dịch lên Trung Quốc - đối thủ kinh tế hàng đầu của Mỹ.

Theo hãng tin Politico, quyết định mới này là một phần trong chiến lược xoay vòng của nhóm tranh cử của ông Trump khi mà họ đang phải chật vật để thay đổi thông điệp tranh cử vốn trước đây tập trung vào thành tựu kinh tế của nước Mỹ.

Giờ đây, khi nền kinh tế Mỹ rơi vào tê liệt vì các lệnh phong tỏa và hạn chế di chuyển, nhóm tranh cử của ông Trump đang dốc sức biến cuộc đua vào Nhà Trắng năm nay trở thành cuộc trưng cầu dân ý nhằm chọn ra người có quan điểm cứng rắn với Trung Quốc hơn giữa hai ứng viên tiềm năng: ông Trump và ông Joe Biden.

Trong vài ngày trở lại đây, nhóm tranh cử của ông Trump đã mô tả ông Biden - người nhiều khả năng sẽ trở thành ứng viên đại diện Đảng Dân chủ ra tranh cử, là "Beijing Biden", tức người ngả theo Trung Quốc.

Nhà tư vấn chính trị và thăm dò ý kiến Frank Luntz dự đoán Trung Quốc sẽ là vấn đề thu hút thứ hai trong chiến dịch tranh cử tổng thống Mỹ năm nay, chỉ đứng sau đại dịch COVID-19. Tuy nhiên ông Luntz lại không chắc liệu tập trung vào Trung Quốc có thể mang lại lợi ích cho ông Trump hay không.

"Câu hỏi mà người tham gia thăm dò ý kiến không thể trả lời ngay bây giờ là liệu Trung Quốc có giúp ích gì cho ông Trump hay ông Biden hay không", ông Luntz nói. "Chính xác hơn là, hai ứng viên đều sẽ bị chỉ trích vì những bình luận trong quá khứ cũng như ở thời điểm hiện tại của họ. Không rõ ứng viên nào sẽ bị tổn hại bởi Trung Quốc nhiều hơn".

Thành tựu kinh tế bị COVID-19 quét sạch, Tổng thống Trump chuyển sang đổ lỗi cho Trung Quốc để giữ ghế - Ảnh 1.

Hai ứng viên tiềm năng cho cuộc chạy đua vào Nhà Trắng năm nay đều nhận thấy lợi ích nhất định từ việc chỉ trích Trung Quốc dù mục đích ban đầu khác nhau. (Ảnh minh họa: Axios)

Theo Politico, nhóm tranh cử của hai ứng viên trên dường như đều đồng tình rằng họ nắm chắc phần thắng nhờ Trung Quốc.

Các cuộc thăm dò được thực hiện cho chiến dịch tranh cử của ông Trump và một số thượng nghị sĩ Đảng Cộng hòa cho thấy Trung Quốc là một đề tài mang lại hiệu quả đối với Đảng Cộng hòa vào tháng 11 tới, Politico dẫn ba nguồn tin thân cận cho biết.

"Không giống 'lão Biden Ngủ gật' và 'Đảng Dân chủ Dối trá', Tổng thống Trump luôn giữ lời hứa. Đó là lí do tại sao chúng tôi không để Trung Quốc nhởn nhơ và dùng Mỹ làm vật tế thần", một quảng cáo cho chiến dịch tranh cử của ông Trump viết trên Facebook.

Tuy nhiên, ông Biden và Đảng Dân chủ cũng cho rằng tập trung vào Trung Quốc sẽ gia tăng cơ hội chiến thắng của họ vào tháng 11. Cho nên, Đảng Dân chủ đang dốc sức chỉ trích ông Trump vì ban đầu ca ngợi phản ứng chống dịch của Trung Quốc và cáo buộc ông chủ Nhà Trắng chỉ biết quan tâm đến thỏa thuận thương mại với Bắc Kinh thay vì sinh mạng của người dân Mỹ.

Dù vậy, cả ông Trump lẫn ông Biden đều bị bất lợi khi đề cập đến Trung Quốc.

Năm ngoái, cựu Phó Tổng thống Joe Biden đã xem nhẹ Trung Quốc với tư cách là một đối thủ địa chính trị của Mỹ.

Bên cạnh đó, ông Biden còn phải phản bác các cáo buộc liên quan đến đối tác kinh doanh của con trai Hunter Biden tại Trung Quốc. Tổng thống Trump từng tuyên bố rằng bạn làm ăn của con trai ông Biden tại Trung Quốc đã đạt được một thỏa thuận trị giá 1,5 tỉ USD ngay sau khi ông Biden đến Trung Quốc công cán trong vai trò Phó Tổng thống Mỹ năm 2013. 

Tuy nhiên, không có bằng chứng trực tiếp cho thấy hành vi thiếu minh bạch của cha con ông Biden.

Về phần mình, ông Trump đã nhiều lần thay đổi thái độ về khả năng Trung Quốc gây ra đại dịch COVID-19. Ban đầu, ông Trump còn ca ngợi đất nước tỉ dân và nhà lãnh đạo Tập Cận Bình cả chục lần khi dịch mới bùng phát, ông cũng không quên nhấn mạnh thỏa thuận giai đoạn một mà hai nước kí vào ngày 15/1.

Ông Trump đổ lỗi cho Trung Quốc để đánh lạc hướng dư luận?

Sau những khen ngợi ban đầu, ông Trump chuyển sang chỉ trích cách Trung Quốc xử lí dịch bệnh. Thay đổi này xuất hiện sau khi ông Trump phải hứng chịu làn sóng chỉ trích vì ban đầu xem nhẹ đại dịch, không nhanh chóng sản xuất và phân bổ xét nghiệm cũng như vật tư y tế đến các tiểu bang.

Đến nay, số ca nhiễm COVID-19 tại Mỹ đã vượt ngưỡng 1 triệu, trong khi số ca tử vong là hơn 68.000.

"Ông Trump hiểu nhiệm kì tổng thống của mình dập dềnh theo diễn biến của đại dịch mà ông từng quả quyết là không có gì đáng ngại. Giờ đây ông Trump đang cố gắng trong tuyệt vọng để thay đổi nhận định rằng ông không phù hợp với vị trí tổng thống Mỹ", Hạ Nghị sĩ Đảng Dân chủ Gerry Connolly cho hay.

Thay vì chĩa mũi dùi vào chính quyền của mình, Tổng thống Trump đã đổ lỗi cho Trung Quốc. Thông điệp này lợi dụng tâm lí thù địch hiện tại của người dân Mỹ đối với đất nước tỉ dân.

Khoảng 2/3 người dân Mỹ đang không có cái nhìn thiện cảm với Trung Quốc - tỉ lệ cao nhất trong 15 năm qua, theo một khảo sát của Trung tâm Nghiên cứu Pew. Con số đó cũng tăng gần 20 điểm % kể từ khi ông Trump lên nắm quyền.

"Mong muốn buộc Trung Quốc chịu trách nhiệm về sự lây lan của COVID-19 không còn dừng lại ở những người ủng hộ ông Trump", ông Brian Swenson - chiến lược gia của Đảng Cộng hòa, cho hay.

"Thành viên Đảng Dân chủ và Đảng Cộng hòa ở cấp địa phương ngày càng kêu gọi Trung Quốc chịu trách nhiệm cho thái độ thiếu minh bạch, che đậy thông tin và thất bại trong quá trình kiểm soát đại dịch của nước này trước cộng đồng quốc tế", ông Swenson nói thêm.

Trong vài tuần gần đây, ông Trump đã cố gắng tận dụng tâm lí thù địch ngày càng lớn mạnh của người dân Mỹ, cáo buộc Trung Quốc dối trá về số ca nhiễm COVID-19 trong nước và gọi virus SARS-CoV-2 là "virus Trung Quốc" dù sau đó ông đã ngừng sử dụng cách gọi này.

Ngoài ra, ông Trump còn khoe khoang rằng ông đã ngăn chặn được nguy cơ lây nhiễm từ Trung Quốc vào tháng 1 khi cấm du khách Trung Quốc nhập cảnh, bất chấp nhiều chuyên gia y tế cộng đồng nói rằng lệnh cấm đó có thể cho Mỹ thêm thời gian chuẩn bị ứng phó với dịch bệnh nhưng cuối cùng ông Trump không biết cách tận dụng cho đúng.

Tuần trước, ông Trump cho biết chính phủ Mỹ đang điều tra xem liệu Trung Quốc có che đậy thông tin về dịch bệnh hay không. Các trợ lí thân cận của ông Trump thì đang thảo luận các biện pháp trừng phạt Trung Quốc.

Trong cuộc phỏng vấn tại Đài tưởng niệm Lincoln ngày 3/5, ông Trump nói: "Cá nhân tôi nghĩ Trung Quốc đã phạm phải một sai lầm khủng khiếp. Họ cố gắng che đậy tình hình dịch bệnh. Dường như chính phủ Trung Quốc đã cố gắng dập lửa nhưng cuối cùng bất thành", ông Trump chia sẻ với các phóng viên.

"Trung Quốc đã đối xử thực sự tệ bạc với thế giới, họ cấm du khách nước ngoài nhập cảnh nhưng lại không ngăn người dân đến Mỹ và nhiều nơi khác trên toàn thế giới", ông Trump nói.

Cũng vào ngày 3/5, theo tài liệu của tình báo Mỹ, các quan chức trong chính quyền Tổng thống Trump tin rằng Trung Quốc đã che đậy tình hình cũng như mức độ lây nhiễm của đại dịch COVID-19 ở nước này nhằm thu gom và dự trữ nguồn cung vật tư y tế cần thiết để đối phó với dịch.

Yên Khê