Hơn 30 triệu người xin trợ cấp thất nghiệp, chứng khoán Mỹ sụt giảm
Cụ thể, chỉ số trung bình công nghiệp Dow Jones đóng cửa giảm 288 điểm, tương đương 1,2%, xuống còn 24.346 điểm. Chỉ số S&P 500 và Nasdaq Composite giảm lần lượt 0,9% và 0,3%.
Theo số liệu được Bộ Lao động công bố hôm 30/4, nước Mỹ ghi nhận thêm 3,84 triệu đơn xin trợ cấp thất nghiệp trong tuần kết thúc ngày 25/4, nâng tổng số người xin trợ cấp trong 6 tuần qua lên mức 30,3 triệu. Doanh số tiêu dùng của người dân trong tháng 3 giảm tới 7,5% so với cùng kì năm trước.
Việc số người xin trợ cấp mất việc làm tăng vọt và chi tiêu tiêu dùng giảm sâu là hệ quả của các biện pháp đóng cửa nền kinh tế để ngăn đại dịch COVID-19 lây lan.
Thị trường chứng khoán ngày 30/4 cũng chịu áp lực đi xuống khi Ngân hàng Trung ương Châu Âu không mở rộng chương trình mua lại tài sản khẩn cấp để bơm tiền ra nền kinh tế như kì vọng của nhà đầu tư.
Cổ phiếu ngân hàng là nhóm giảm mạnh nhất trên Phố Wall, trong đó Bank of America sụt gần 3%, Citigroup mất 3,4%, JPMorgan Chase giảm 2,2%.
Tuy giảm sâu trong phiên vừa qua, thị trường chứng khoán Mỹ vẫn ghi nhận tháng tăng điểm mạnh mẽ nhất trong nhiều thập kỉ.
Cụ thể, chỉ số S&P 500 tăng 12,7% trong tháng 4 – mức tăng hàng tháng lớn thứ 3 kể từ sau Thế chiến II. Dow Jones cũng tăng 11,1%, đánh dấu tháng tích cực nhất kể từ năm 1987. Nasdaq Composite bứt phá 15,5%, ghi nhận tháng tăng nhiều nhất kể từ tháng 6/2000.
CNBC dẫn lời ông Tom Hainlin – Giám đốc chiến lược đầu tư tại Ascent Private Capital Management nhận xét: "Giữa tình trạng nền kinh tế thực và diễn biến thị trường đang có một khoảng chênh lệch. Câu hỏi mà mọi người đang đặt ra hiện nay là phải chăng thị trường đã đi quá xa so với các yếu tố cơ bản hỗ trợ?".
Tăng trưởng ấn tượng trong tháng 4 là hình ảnh tương phản hoàn toàn so với sự lao dốc trong tháng 3 khi S&P 500 mất 12,5%, Dow Jones sụt 13%.
"Các nhà đầu tư hàng ngày đón nhận nhiều tin tức tiêu cực và dấu hiệu kinh tế sa sút, vậy nhưng thị trường gần đây vẫn nhìn vượt xa những lo ngại đó và tăng điểm mạnh mẽ", ông Scott Knapp – Giám đốc chiến lược thị trường tại công ty bảo hiểm – đầu tư CUNA Mutual Group nhận định.
"Thị trường hiện đang đánh giá các số liệu thực tế phản ánh tình hình đại dịch và dùng số liệu đó để dự phóng cho tương lai. Trước đây, nhà đầu tư chỉ có thể dự báo dựa vào từng câu chuyện riêng lẻ trên những dòng tít báo", ông Knapp nói.
Những nhân tố chính thúc đẩy thị trường đi lên trong tháng 4 là kì vọng nền kinh tế Mỹ có thể sớm mở cửa trở lại và khả năng có thuốc điều trị COVID-19.
Hôm 29/4, công ty dược phẩm Gilead Sciences cho biết Viện Dị ứng và Bệnh truyền nhiễm quốc gia Mỹ đang nghiên cứu thuốc Remdesivir của hãng này trong vai trò điều trị COVID-19. Kết quả sơ bộ cho thấy các bệnh nhân có tiến triển khả quan.
Tiến sĩ Anthony Fauci – Giám đốc Viện Dị ứng và Bệnh truyền nhiễm quốc gia cho biết Remdesivir có tác động tích cực "hết sức rõ ràng" khi điều trị bệnh nhân nhiễm COVID-19.