|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Chứng khoán

Nhiều nhà đầu tư trẻ vội rót tiền vào quĩ dầu mỏ đang ngắc ngoải mà không hiểu mình đang làm gì

09:14 | 26/04/2020
Chia sẻ
Giá dầu lao dốc kỉ lục đã thúc đẩy nhiều nhà đầu tư trẻ tuổi đua nhau mua vào chứng chỉ quĩ ETF dầu mỏ lớn nhất nước Mỹ để bắt đáy giá dầu mà không có sự tìm hiểu kĩ. Tính từ đầu năm, giá chứng chỉ quĩ này đã bốc hơi 80% và hiện không có tương quan chặt chẽ với giá dầu.
Nhiều nhà đầu tư trẻ mất tiền vì vội vã đầu tư vào quĩ ETF dầu mỏ đang 'ngắc ngoải' - Ảnh 1.

Một trạm xăng ở Princeton, Illinois, Mỹ. Ảnh: Getty Images

Theo CNBC, một số nhà đầu tư trẻ tuổi đã hết sức sai lầm khi rót tiền vào một quĩ ETF dầu mỏ đang phải chật vật để sống sót.

Trong tuần qua, nhà đầu tư trên nền tảng giao dịch Robinhood và SoFi Invest đã tranh nhau mua chứng chỉ quĩ United States Oil (quĩ USO) - quĩ ETF dầu lớn nhất nước Mỹ - khi thấy giá dầu thô giảm xuống dưới 3 USD/thùng. Nhưng thậm chí nhiều người trong số họ còn không hiểu là mình đang đầu tư cho cái gì.

Nhiều người hiểu nhầm rằng quĩ USO đại diện cho nhà đầu tư để giao dịch trên thị trường giao ngay, và đã vội vã mua vào chứng chỉ quĩ này khi thấy giá dầu lao dốc.

Tuy nhiên, thực chất quĩ USO mua bán các hợp đồng tương lai dầu thô có thời gian đáo hạn gần nhất. Và thậm chí, sau khi đã nhiều lần thay đổi cấu trúc trong tuần trước, giờ đây quĩ USO còn không thể thực hiện mục đích này một cách chính xác.

Dù vậy, chứng chỉ quĩ USO vẫn là chứng khoán được mua vào nhiều nhất trên Robinhood – một nền tảng giao dịch có khoảng 10 triệu người dùng, đa số là những nhà đầu tư trẻ, từ 20 đến 35 tuổi. Đến ngày 22/4, chứng chỉ quĩ USO nằm trong top 30 chứng khoán được nắm giữ nhiều nhất trên Robinhood.

Tính chung trong cả tuần, giá chứng chỉ quĩ USO đã giảm 32%, dù đã hồi phục nhẹ trong hôm 23/4.

Trên SoFi Invest – một nền tảng giao dịch khác chủ yếu được sử dụng bởi các nhà đầu tư dưới 40 tuổi – chứng chỉ quĩ USO là chứng khoán có khối lượng giao dịch lớn nhất liên tiếp trong hai ngày 21 và 22/4.

Theo SoFi Invest, số tài khoản đầu tư sở hữu chứng chỉ quĩ USO đã tăng 20 – 30% mỗi ngày kể từ 20/4 – ngày mà giá dầu WTI giao tháng 5 rơi xuống âm 37 USD/thùng.

So với tháng trước, số người sở hữu chứng chỉ quĩ USO tăng vọt 300%. Trong khi đó, giá chứng chỉ quĩ USO lao dốc tới 45% trong tháng này. Tính từ đầu năm, giá chứng chỉ quĩ USO đã bốc hơi 80%.

Ông John Davi, người sáng lập công ty tư vấn Astoria Portfolio Advisors, cho biết nhiều khả năng nhà đầu tư nhỏ lẻ thông thường đã bị thu hút bởi mức giá thấp mà không nhận ra rằng quĩ USO đầu tư vào thị trường hợp đồng tương lai dầu thô, chứ không phải là thị trường giao ngay.

Ông Davi nói với CNBC: "Chứng khoán có giá thấp luôn là cái bẫy đối với nhà đầu tư nhỏ lẻ. Nhà đầu tư rót tiền vào USO cần phải cẩn thận, và chỉ nên nắm giữ chứng chỉ quĩ này trong một thời gian ngắn – chúng không phải là khoản đầu tư dài hạn".

Nhiều nhà đầu tư trẻ mất tiền vì vội vã đầu tư vào quĩ ETF dầu mỏ đang 'ngắc ngoải' - Ảnh 2.

Quĩ USO bắt đầu rơi vào thế khó khi giá HĐTL dầu tháng 5 giảm mạnh từ cuối tuần trước, rồi rơi xuống mức âm vào hôm 20/4.

Dù nhiều khả năng quĩ USO đã bán ra hết các hợp đồng tương lai tháng 5 và mua vào hợp đồng tháng 6 trước khi sự kiện này xảy ra, cú lao dốc lịch sử này đã khiến cho toàn bộ thị trường dầu run sợ.

Sau đó, giá HĐTL tháng 6 cũng bắt đầu sụt giảm do nhà đầu tư lo ngại chúng cũng sẽ rơi xuống mức giá âm khi gần đến ngày đáo hạn.

Tình hình này đã khiến quĩ USO thực hiện hàng loạt thay đổi bắt đầu từ ngày 17/4. Thông thường, quĩ USO hoạt động theo phương thức chỉ nắm giữ vị thế đối với HĐTL của tháng gần nhất và bán ra khi sắp tới ngày đáo hạn, rồi tiếp tục mua vào hợp đồng của tháng tiếp theo.

Gần đây, USO thông báo rằng quĩ này sẽ đồng thời nắm giữ vị thế các hợp đồng tương lai có kì hạn dài hơn.

USO cũng thông báo quĩ này đã phát hành hết số chứng chỉ quĩ được đăng kí trước, và phải đợi Ủy ban Chứng khoán và Sàn giao dịch Mỹ phê duyệt để phát hành thêm.

Nhà đầu tư muốn mua chứng chỉ quĩ USO, nhưng quĩ này không còn chứng chỉ quĩ để bán, khiến cho quan hệ cung – cầu bị méo mó, đồng nghĩa với việc giá chứng chỉ quĩ USO sẽ không còn biến động tương quan với giá dầu nữa. 

Thay vào đó, thành quả đầu tư của USO phụ thuộc vào chênh lệch giá HĐTL giao tháng này và tháng sau. Nhiều khả năng, những nhà đầu tư nhỏ lẻ đang rót tiền cho quĩ USO không nhận ra đặc điểm này.

Chẳng hạn hôm 22/4, giá chứng chỉ quĩ USO giảm 11% trong khi giá dầu giao sau tháng 6 tăng 20%. Hoặc hôm 23/4, giá dầu giao sau tháng 6 nhảy vọt 30%, còn giá chứng chỉ quĩ USO chỉ tăng 12%.

Khi được hỏi vì sao quĩ USO liên tục thay đổi cấu trúc đầu tư, Giám đốc Marketing USO trả lời: "Do những biến động bất thường trong thị trường dầu mỏ, bao gồm hiện tượng bù hoãn mua (super contango), USO đã đầu tư vào các khoản đầu tư được phép khác, như được mô tả trong bản cáo bạch".

Bù hoãn mua là hiện tượng xảy ra khi giá giao ngay của một tài sản cơ sở thấp hơn giá đang được giao dịch tại thị trường tương lai, và giá của tài sản cơ sở được kì vọng là sẽ tăng dần theo thời gian. Nói đơn giản, khi thị trường xảy ra hiện tượng bù hoãn mua thì hợp đồng tương lai dầu kì hạn dài sẽ có giá cao hơn hợp đồng kì hạn ngắn.

Và vì chiến lược đầu tư cũ của quĩ USO hoạt động theo phương thức bán ra các hợp đồng tương lai sắp đến ngày đáo hạn và mua vào hợp đồng của tháng tiếp theo, quĩ này thường xuyên bị mất tiền do rơi vào tình trạng mua cao – bán thấp.

Về bản chất, việc USO bán đi HĐTL dầu sắp đáo hạn (có giá thấp) và mua các HĐTL dầu đáo hạn tháng sau (có giá cao) để không phải nhận bàn giao dầu vật chất chính là việc USO trả tiền để người khác lưu kho dầu thô giúp mình trong vòng 1 tháng.

Giang