|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

Thế giới năm 2020 qua 20 biểu đồ

14:52 | 01/01/2021
Chia sẻ
Trong năm "COVID thứ nhất", gần hai triệu sinh mạng đã ra đi, nền kinh tế biến động khó lường, cổ phiếu công nghệ lên ngôi, giá dầu về âm, biểu tình nổ ra trên khắp đường phố và nhiều sự kiện khác cũng xuất hiện. Visual Capitalist đã tìm cách thể hiện một thế giới năm 2020 qua 20 biểu đồ.

1. Cháy rừng ở Austsralia (tháng 1)

Đối với người dân ở Australia, năm 2020 bắt đầu bằng bão lửa. Lửa cháy liên tục gần 80 ngày, thiêu rụi tới 18,6 triệu ha rừng, làm gần 3 tỷ động vật chết hoặc phải chạy đi nơi khác.

Năm 2020 thể hiện qua 20 biểu đồ - Ảnh 1.

Chỉ riêng tại bang New South Wales, hàng triệu hécta rừng đã bị thiêu rụi.

Cháy rừng thường xuyên xảy ra ở đất nước châu Đại Dương này, song điều kiện khô hạn trong năm 2020 khiến thiệt hại nghiêm trọng hơn.

2. Căng thẳng Mỹ - Iran (tháng 1)

Đầu tháng 1, quân đội Mỹ không kích giết chết Tướng Qassem Soleimani, một trong các chiến lược gia quân sự quyền lực nhất tại Iran. Để trả đũa, Iran bắn hàng chục quả rocket vào các căn cứ quân sự của Mỹ ở Iraq nhưng không có ai thiệt mạng.

Căng thẳng leo thang, Hạ viện Mỹ thông qua một dự luật để hạn chế Tổng thống Trump sử dụng sức mạnh quân sự chống lại Iran mà không được Quốc hội chấp thuận.

Sau đó, Lực lượng Vệ binh Cách mạng Iran thừa nhận vô tình bắn nhầm một máy bay chở khách của Ukraine, khiến 176 người thiệt mạng.

Năm 2020 thể hiện qua 20 biểu đồ - Ảnh 2.

3. Đại dịch COVID-19 lây lan (tháng 3)

Trước tháng 2, hầu hết các trường hợp nhiễm virus lạ đều tập trung tại Trung Quốc, khi đó thế giới thận trọng theo dõi nỗ lực kiểm soát dịch bệnh của Bắc Kinh. Dần dần, virus này lây lan ra khỏi biên giới của đất nước tỷ dân sang các nước láng giềng và sau đó là toàn thế giới.

Tại Hàn Quốc, đại dịch COVID-19 bùng phát mạnh kể từ khi xuất hiện Bệnh nhân 31.

Năm 2020 thể hiện qua 20 biểu đồ - Ảnh 3.

31 ca bệnh COVID-19 đầu tiên được ghi nhận ở Hàn Quốc.

Diễn biến dịch bệnh liên quan tới "Bệnh nhân 31" là lời cảnh báo về tốc độ lây lan khủng khiếp của virus SARS-CoV-2. Phần đồ họa của Reuters trên đây cho thấy chỉ một ngày hoạt động tôn giáo bình thường cũng có thể gây ra hệ lụy nghiêm trọng như thế nào.

4. Thị trường chứng khoán Mỹ sụp đổ (tháng 3)

S&P 500 lao dốc 34% trong chưa đầy một tháng, tốc độ nhanh chưa từng thấy xưa nay.

Năm 2020 thể hiện qua 20 biểu đồ - Ảnh 4.

Do ảnh hưởng của đại dịch, ngành du lịch toàn cầu bị thiệt hại nặng nề, vô số tàu du lịch nằm im lìm trên bến cảng và số chuyến bay chở khách giảm đến 50%. Cổ phiếu ngành BEACH (giải trí, hàng không, khách sạn, ...) giảm mạnh nhất. Dù đến nay một số đã phục hồi, nhưng ảnh hưởng lâu dài đến nhóm ngành đặc thù này vẫn còn rõ nét.

5, 6. Cuộc sống thời phong tỏa (tháng 3)

Từ tích trữ giấy vệ sinh đến hạn chế tụ tập, tác động tức thời của đại dịch đối với môi trường xung quanh chúng ta trở nên rõ nét ngay từ đầu tháng 3. Khi nhịp sống chững lại, hoạt động đi lại ở các thành phố lớn giảm mạnh.

Một hệ quả tích cực (ngoài ý muốn) của các lệnh phong tỏa là ô nhiễm không khí cũng giảm theo.

Thế giới năm 2020 qua 20 biểu đồ - Ảnh 5.

"San phẳng đường cong đại dịch" có lẽ là thuật ngữ phổ biến nhất trong thời COVID-19. Theo khái niệm này, nếu chúng ta có thể ngăn chặn và kiềm chế sự lây lan của virus thì sẽ không có nhiều người nhiễm bệnh cùng lúc.

Năm 2020 thể hiện qua 20 biểu đồ - Ảnh 6.

7. Hơn 22 triệu việc làm tại Mỹ biến mất (tháng 4)

Sau khi WHO tuyên bố COVID-19 là đại dịch toàn cầu vào ngày 11/3, số liệu thất nghiệp tại Mỹ cũng nhanh chóng đạt mức kỷ lục. Trong vòng một tháng, 22 triệu người Mỹ nộp đơn xin trợ cấp mất việc làm.

Trong những tuần đỉnh điểm của năm 2020, số người xin trợ cấp thất nghiệp cao gấp 10 lần tuần cao nhất trong cuộc khủng hoàng tài chính 2008-2009.

Hoặc nhìn theo cách khác, số việc làm biến mất tại Mỹ trong đại dịch tương đương dân số của các nền kinh tế như Chile hoặc Đài Loan.

Năm 2020 thể hiện qua 20 biểu đồ - Ảnh 7.

8. Mỹ tung 2.000 tỷ kích thích tài khoá (tháng 4)

Ngày 27/3, chính phủ Mỹ thông qua Đạo luật CARES trị giá 2.000 tỷ USD. Gói cứu trợ khẩn cấp này bao gồm một khoản viện trợ tiền mặt 1.200 USD/người, hơn 350 tỷ USD hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và hơn 100 tỷ USD cho hệ thống y tế.

Năm 2020 thể hiện qua 20 biểu đồ - Ảnh 8.

9. Giá dầu âm (tháng 4)

Giá dầu thô lần đầu giảm xuống mức âm là một sự kiện lịch sử khác của năm 2020. Các hợp đồng tương lai dầu WTI giao tháng 5 giảm mạnh xuống -37,63 USD/thùng vào ngày 20/4, chỉ một ngày trước khi đáo hạn.

Năm 2020 thể hiện qua 20 biểu đồ - Ảnh 9.

Hiện tại, giá dầu đã phục hồi sau cú sốc song thị trường vẫn còn có thể đối mặt với nhiều khó khăn phía trước.

10. Biểu tình Black Lives Matter (tháng 5)

Lời kêu cứu "Tôi không thở được" của người đàn ông da màu George Floyd là ngọn nguồn khơi dậy một trong các phong trào quan trọng nhất mùa hè năm 2020: Black Lives Matter (BLM).

Năm 2020 thể hiện qua 20 biểu đồ - Ảnh 10.

Sau khi George Floyd bị cảnh sát da trắng ghì chân lên cổ cho đến chết tại bang Minnesota, tổ chức Armed Conflict Location & Event Data Project ghi nhận hơn 7.750 cuộc biểu tình liên quan đến BLM tại Mỹ trong vòng ba tháng. Đa phần biểu tình diễn ra ôn hòa, song cũng có trường hợp dẫn đến bạo động và cướp bóc.

11, 12. Bùng nổ xu hướng làm việc từ xa (5/2020)

Cuộc đại thử nghiệm "làm việc từ xa" khiến nhiều người phụ thuộc hơn vào công nghệ. Cũng từ đó, ứng dụng họp trực tuyến Zoom nhận được một cú hích lớn.

Theo Visual Capitalist, vào tháng 5, vốn hóa của Zoom tăng vọt và vượt qua tổng vốn hóa của 7 hãng hàng không lớn nhất nước Mỹ theo doanh thu.

Năm 2020 thể hiện qua 20 biểu đồ - Ảnh 11.

Khi làm việc từ xa trở thành một thực tế bình thường mới cho đông đảo người lao động, những lợi ích độc đáo của hình thức mới xuất hiện, song cũng kéo theo nhiều thách thức.

Nếu người lao động tiếp tục làm việc từ xa trong tương lai, thị trường văn phòng thương mại và lợi nhuận của các công ty phần mềm dịch vụ sẽ bị chịu tác động lớn.

Năm 2020 thể hiện qua 20 biểu đồ - Ảnh 12.

13. Tesla thành hãng chế tạo ô tô giá trị nhất thế giới (tháng 6)

2020 là một năm đáng nhớ của Tesla. Tháng 6, Tesla trở thành nhà sản xuất ô tô giá trị nhất thế giới, vượt qua các ông lớn cùng ngành như Toyota, Volkswagen và Honda.

Từ tháng 6/2019 đến tháng 6/2020, vốn hóa Tesla tăng 375%. Trong năm 2020, giá cổ phiếu xe điện này tăng tới 730%. Vốn hóa liên tục tăng và doanh số bán xe Model 3 kỷ lục đã góp phần tạo nên thành công của Tesla.

Năm 2020 thể hiện qua 20 biểu đồ - Ảnh 13.

Tuy nhiên, câu chuyện của Tesla chưa dừng lại. Ở thời điểm hiện tại, vốn hóa của Tesla đã lớn hơn của 9 công ty chế tạo ô tô lớn nhất thế giới cộng lại. Cổ phiếu của Tesla vừa chính thức gia nhập chỉ số S&P 500 hồi tháng 12, trở thành cổ phiếu có giá trị lớn thứ 8 trong chỉ số này.

14. Cổ phiếu công nghệ thống lĩnh thị trường (tháng 7)

Đại dịch COVID-19 dường như làm cho các khác biệt về thị phần, doanh thu và tài sản giữa các công ty trở nên rõ nét hơn.

Thị phần vốn hóa của cổ phiếu Big Tech trong chỉ số S&P 500 đã tăng vọt. Trong 7 năm tính đến tháng 7/2020, vốn hóa thị trường của 6 cổ phiếu Facebook, Apple, Amazon, Netflix, Alphabet (công ty mẹ của Google) và Microsoft - tức nhóm FAANGM, đã tăng hơn 500%. Ngược lại, S&P 500 chỉ tăng 110%.

Năm 2020 thể hiện qua 20 biểu đồ - Ảnh 14.

15. Vụ nổ ở Beirut (tháng 8)

Sai sót của con người đã dẫn đến một vụ nổ 2.750 tấn amoni nitrat - nguyên liệu làm phân bón nhưng cũng là thành phần của mìn khai khoáng. Số hóa chất này được lưu tại cảng Beirut trong 6 năm mà không có biện pháp đảm bảo an toàn nên dẫn đến cháy nổ.

Năm 2020 thể hiện qua 20 biểu đồ - Ảnh 15.

Sử dụng dữ liệu vệ tinh, NASA và New York Times đã lập bản đồ thiệt hại. Hai cơ quan này khẳng định vụ nổ đã cướp đi sinh mạng của 135 người và ảnh hưởng đến 305.000 người khác. Thiệt hại kinh tế của vụ nổ ước tính là hơn 15 tỷ USD.

16.Thị trường gấu ngắn nhất trong lịch sử (tháng 8)

Thị trường con gấu của năm 2020 đã kết thúc vào ngày 18/8 khi chỉ số S&P 500 vượt qua mức đỉnh hồi tháng 2. Nhờ hàng nghìn tỷ USD kích thích tài khóa được bơm vào nền kinh tế toàn cầu, các thị trường đã phục hồi trong thời gian kỷ lục.

Năm 2020 thể hiện qua 20 biểu đồ - Ảnh 16.

17. Mùa cháy rừng ở Mỹ (tháng 8)

Bầu trời đỏ rực là một cảnh tượng phổ biến trên khắp khu vực Bờ Tây của nước Mỹ vào mùa thu năm nay, khi chất lượng không khí rơi vào vùng "nguy hiểm" trong một thời gian dài vì cháy rừng.

Hai bang California và Oregon chịu ảnh hưởng đặc biệt nghiêm trọng. Trong khi một số vụ cháy rừng xảy ra do sự cố tự nhiên như sét đánh, phần lớn (85-90%) liên quan đến con người, như đốt lửa trại hay tàn thuốc lá vứt bừa bãi.

Thế giới năm 2020 qua 20 biểu đồ - Ảnh 17.

18. Bầu cử tổng thống Mỹ (tháng 11)

Kết quả bỏ phiếu phổ thông và đại cử tri đã khá rõ ràng, song cuộc đua tổng thống năm nay chưa thực sự ngã ngũ. Tổng thống đắc cử Joe Biden dự kiến sẽ tuyên thệ nhậm chức vào ngày 20/1/2021, nhưng đương kim Tổng thống Donald Trump chưa chấp nhận thua cuộc.

Năm 2020 thể hiện qua 20 biểu đồ - Ảnh 18.

Tổng chi tiêu cho cuộc bầu cử năm 2020 đạt hơn 13 tỷ USD, cao hơn hai lần so với toàn bộ chi phí của cuộc bầu cử năm 2016. Trong đó, chi tiêu của các ứng viên tranh cử nghị sĩ Quốc hội vượt mức 7 tỷ USD, Đảng Dân chủ chi cho các cuộc đua vào Thượng viện và Hạ viện nhiều hơn Đảng Cộng hòa 64%.

19. Làn sóng lây nhiễm thứ ba của COVID-19 (tháng 12)

Đại dịch COVID-19 lây lan theo từng đợt. Đợt lây nhiễm thứ ba tại Mỹ mạnh lên vào tháng 11, khi các ca bệnh bắt đầu tăng.

Trong 7 ngày gần đây, Mỹ ghi nhận trung bình 188.000 ca dương tính mới và 2.250 ca tử vong vì COVID-19 mỗi ngày. Cuối tháng 11, số ca bệnh toàn cầu chạm ngưỡng 60 triệu. Kể từ đó, các ca nhiễm mới có xu hướng tăng mạnh và vượt mốc 82 triệu ca vào cuối tháng 12. Chính quyền các nước phải ban bố lệnh phong tỏa hoặc hạn chế di chuyển trong mùa nghỉ lễ cuối năm.

Năm 2020 thể hiện qua 20 biểu đồ - Ảnh 19.

Số ca xác nhận nhiễm COVID-19 mới tại Mỹ từ tháng 2 đến nay. (Nguồn: Reddit).

20. Chiến dịch tiêm chủng toàn cầu (tháng 12)

Vắc xin ngừa COVID-19 của Pfizer-BioNTech và Moderna đã được phê duyệt dùng khẩn cấp. Mỹ, Anh và Canada là một số nước đã bắt đầu triển khai tiêm chủng.

Theo số liệu của Bloomberg, tính đến ngày 30/12, toàn thế giới đã thực hiện khoảng 5,1 triệu mũi tiêm ngừa, đứng đầu là Mỹ với hơn 2,2 triệu mũi tiêm.

Thế giới năm 2020 qua 20 biểu đồ - Ảnh 20.

Song, thách thức trong quá trình phân phối và tiêm chủng vắc xin COVID-19 là rất nhiều. Đặc biệt, điều kiện kinh tế cũng như bảo quản dược phẩm yếu kém ở các nước nghèo có thể làm chậm tiến độ triển khai vắc xin.

Yên Khê