Australia trong biển lửa: Than lại tạo ra than
Thảm họa này không phải chỉ do thiên nhiên giáng xuống mà có quan hệ không thể tách rời với chính sách thương mại và năng lượng của Australia.
Tháng 12/2019, tổ chức phi chính phủ Climate Change Performance Index (CCPI) công bố báo cáo đánh giá hành động của các quốc gia trên thế giới trong việc chống lại biến đổi khí hậu toàn cầu.
Tính theo thang điểm 100, Australia giành trọn vẹn 0 điểm, đứng thứ 57/57 quốc gia được CCPI xếp hạng. Xét theo cả tiêu chí thực hiện chính sách chống biến đổi khí hậu của quốc gia và của quốc tế, Australia đều xếp cuối bảng.
Có một Australia rất khác: Than, dầu mỏ và khí đốt
Australia trước nay vẫn tự giới thiệu về mình bằng hình ảnh bầu trời quang đãng, nước biển trong xanh và những loài vật đáng yêu. Điều ít người biết hơn về Australia là trách nhiệm của quốc gia này đối với tình trạng nóng lên toàn cầu.
Tháng 9 năm ngoái, Thủ tướng Scott Morrison đứng trước Đại hội đồng Liên Hợp quốc mạnh dạn tuyên bố: “Australia chỉ chịu trách nhiệm gây ra 1,3% tổng lượng phát thải toàn cầu. Australia đang làm đúng bổn phận của mình trong cuộc chiến chống biến đổi khí hậu và chúng tôi kiên quyết phản đối mọi lập luận xuyên tạc”.
Tuyên bố này của ông Morrison dựa theo định nghĩa méo mó của từ “chịu trách nhiệm”. Lượng khí CO2 phát thải trong nước của Australia thì đúng như lời ông Morrison nói, nhưng phát thải từ nhiên liệu mà nước này xuất khẩu đi lại là một câu chuyện khác.
Xứ sở kangaroo này là nước xuất khẩu than và khí tự nhiên hóa lỏng (LNG) lớn nhất toàn cầu. Australia đóng vai trò nguồn cung lớn trên thị trường năng lượng quốc tế, trên 3/4 năng lượng của nước này được xuất khẩu thay vì tiêu dùng nội địa.
Than và dầu xuất khẩu của Australia trong 6 tháng đầu năm 2019 tạo ra khoảng 1,2 tỉ tấn khí carbon, cao gấp gần ba lần tổng phát thải trong nước. Tính cả phát thải từ nhiên liệu xuất khẩu, Australia tạo ra khoảng 5% khí carbon toàn cầu chứ không phải 1,3% như Thủ tướng Morrison nói. Trong khi đó, dân số Australia chỉ chiếm 0,3% tổng dân số thế giới.
Theo nghiên cứu của Quĩ Bảo tồn Australia, nếu tính cả phát thải từ những dự án đang được thực hiện như mỏ khai thác than khổng lồ Carmichael ở bang New South Wales, đến năm 2030 Australia có thể sẽ góp tới 17% vào lượng phát thải toàn cầu.
Khi một quốc gia chối bỏ trách nhiệm của mình, quốc gia đó đương nhiên sẽ thấy không cần phải hành động và việc đứng thứ 57/57 trong bảng xếp hạng về chính sách chống biến đổi khí hậu là hoàn toàn dễ hiểu.
Bán than xong chưa phải là xong
Trong thập kỉ 2007-2017, đa phần các quốc gia phát triển đều cắt giảm phát thải trong nước, ngay cả Trung Quốc cũng hạn chế tỉ lệ tăng không vượt quá 2,5%. Trong khi đó, lượng phát thải từ nhiên liệu xuất khẩu của Australia vẫn tăng trưởng với tốc độ 4,5% mỗi năm nhờ tích cực khai thác than và khí tự nhiên hóa lỏng.
Nikkei Asian Review cho biết năm 2018, xuất khẩu than đem về cho Australia 67 tỉ USD - con số cao chưa từng thấy trong lịch sử. Các thị trường tiêu thụ chính là các nước châu Á như Trung Quốc, Nhật Bản và đặc biệt là Ấn Độ. Than đóng góp 1/3 kim ngạch xuất khẩu của Australia sang Nhật Bản và 3/4 xuất khẩu sang Ấn Độ.
Trong khi quê nhà đang chìm trong biển lửa, Thủ tướng Scott Morrison đang đi nghỉ mát ở Haiwaii để nạp năng lượng trước chuyến công tác dự kiến diễn ra vào tháng sau tới Nhật Bản và Ấn Độ. Các nội dung làm việc trong chuyến đi này bao gồm “mở rộng thảo luận về thương mại”, nhiều khả năng sẽ tập trung vào hoạt động mua bán than.
Trong suốt một thế hệ qua, Australia đã kiếm lợi ích kinh tế từ việc hủy hoại mục tiêu chống biến đổi khí hậu toàn cầu. Và giờ đây nhiều người dân với nhà cửa bị thiêu rụi và gia súc chết cháy đã cay đắng nhận ra rằng tác động của biến đổi khí hậu mang tính toàn cầu, không phân biệt khí thải được tạo ra ở Australia hay nước khác.
Những chuyến than mà Australia xuất bán ra nước ngoài đang gián tiếp khiến những khu rừng của nước này cháy thành than.
Con người có thể vô tình hay cố ý tạo ra một vài đám cháy. Nhưng khi có tới hàng trăm đám cháy trên khắp cả nước, không ngừng lan rộng ngoài tầm kiểm soát bất chấp mọi nỗ lực dập lửa, biến đổi khí hậu chắc chắn là một nguyên nhân quan trọng.
Thực tế Australia đang trải qua một đợt hạn hán và nắng nóng kỉ lục. Một báo cáo mới đây của Viện Australia (Australia Institute) cho biết: “Biến đổi khí hậu làm tăng tần suất, thời lượng và cường độ của các đợt nóng cực đoan. Mùa hè 2019 tại Australia là mùa nóng khủng khiếp nhất từng được ghi nhận trong lịch sử”.
Kịch bản xấu nhất vẫn còn ở phía trước
Nếu thảm họa cháy rừng hiện nay có thể khiến các quan chức Canberra thay đổi chính sách kinh tế, Australia sẽ cần ngồi lại với các khách hàng lớn của mình (Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc, Ấn Độ, …) để lập một kế hoạch cắt giảm tiêu thụ nhiên liệu hóa thạch.
Quá trình thực hiện kế hoạch này chắc chắn sẽ vô cùng phức tạp và gây ra nhiều đau đớn về kinh tế. Nhưng sự mất mát của hàng triệu héc-ta rừng và hàng tỉ động vật trong biển lửa hiện nay lẽ nào lại không đau đớn, ám ảnh?
Và đó mới chỉ là “món khai vị” so với những thảm họa có thể xảy ra. Rạn san hô lớn nhất thế giới mang tên Great Barrier Reef ở ngoài khơi Australia đang chuyển từ màu sắc xanh đỏ tím vàng sang một màu trắng tang thương như bị dính thuốc tẩy.
Màu sắc sặc sỡ của san hô là do các loại tảo bám vào mà có. Khi nước biển nóng lên, hoạt động quang hợp và trao đổi chất của tảo diễn ra mạnh hơn bình thường, tạo nên những hợp chất gây hại cho san hô. Vì vậy mà san hô đuổi tảo đi, chỉ còn trơ lại khung xương trắng. Thiếu vắng tảo càng lâu, khả năng hồi phục của rạn san hô càng thấp.
Nhiệt độ Trái đất đang có xu hướng tăng thêm khoảng 2 độ C và do vậy những cánh đồng ngũ cốc của Australia có khả năng biến thành sa mạc, Rạn san hô Great Barrier đứng trước nguy cơ trở thành một bãi xương trắng dưới biển và việc từng mảng rừng bị lửa thiêu rụi sẽ trở thành chuyện bình thường ở huyện.
Diễn đàn Đầu tư Việt Nam 2025 (Vietnam Investment Forum 2025) với chủ đề “Khai thông & Bứt phá” do trang TTĐT tổng hợp VietnamBiz, Việt Nam Mới tổ chức sẽ diễn ra vào ngày 8/11/2024 tại GEM CENTER, TP HCM.
Sự kiện quy tụ giới chuyên gia cao cấp trong lĩnh vực đầu tư, tài chính là các nhà làm chính sách, CEO, CFO, CIO các ngân hàng, công ty chứng khoán, quỹ đầu tư, công ty bất động sản, các hãng xếp hạng, công ty cung cấp dữ liệu và hàng trăm nhà đầu tư có kinh nghiệm lâu năm trên thị trường chứng khoán và bất động sản.
Diễn đàn hứa hẹn mang lại không gian để các chuyên gia bàn luận về các xu hướng đầu tư mới, các góc nhìn chiến lược, mở ra nhiều ý tưởng đầu tư phù hợp cho giai đoạn mới. Đồng thời tạo cơ hội gặp gỡ, kết nối giữa nhà đầu tư và các đối tác tiềm năng trên thị trường.
Thông tin chi tiết chương trình: https://event.vietnambiz.vn/