Ba sai lầm lớn của Trung Quốc năm 2020
Dù là nước đầu tiên phải đối phó với COVID-19, Trung Quốc vẫn đạt được thành tích đáng nể. Chưa đầy một năm sau khi đại dịch bùng phát, cuộc sống tại Trung Quốc đã quay trở lại bình thường trong khi những nước phương Tây hùng mạnh như Mỹ vẫn phải chật vật ứng phó với hàng trăm nghìn ca nhiễm mới mỗi ngày. Bloomberg cho biết Trung Quốc hiện là nền kinh tế lớn duy nhất có khả năng tăng trưởng dương trong năm nay.
Nhưng dĩ nhiên không một nền kinh tế nào là hoàn hảo. Dù Trung Quốc có nhiều quyết định đúng trong 2020, nước này vẫn mắc phải ba sai lầm lớn.
Coi thường cuộc phục hồi hình chữ K
Mô hình phục hồi kinh tế chữ K có nghĩa là trong khi một số cộng đồng phục hồi từ suy thoái thì cuộc sống của nhiều người khác ngày càng trở nên tồi tệ hơn.
Chỉ hai tháng sau khi đại dịch bùng phát, thế giới nhanh chóng nhận ra vô số cách COVID-19 làm trầm trọng thêm bất bình đẳng thu nhập. Các ông lớn công nghệ và nhân viên rủng rỉnh tiền trong khi cửa hàng nhỏ liên tục phải đóng cửa.
Đến tháng 4, khi Trung Quốc lần đầu gỡ bỏ lệnh phong tỏa, nhà hàng nhỏ bắt đầu phàn nàn về mức phí cắt cổ mà các nền tảng giao đồ ăn đòi hỏi, cũng như việc bị ép chỉ được chọn một ứng dụng. Những ứng dụng này đe dọa sự phục hồi của ngành khách sạn và ăn uống, cũng như sinh kế của hàng chục triệu lao động.
Sau 7 tháng, Bắc Kinh mới bắt đầu giải quyết tình trạng mất cân bằng kinh tế. Giữa tháng 11, Bắc Kinh công bố văn bản vỏn vẹn 22 trang đầy những câu chữ mơ hồ về các quy định chống độc quyền nhằm kiềm chế các gã khổng lồ công nghệ.
Đêm trước Giáng Sinh, Cục Quản lý Thị trường Nhà nước Trung Quốc thông báo cụt lủn rằng Alibaba đang bị điều tra vì yêu cầu đối tác ký thỏa thuận độc quyền cấm cung cấp sản phẩm trên các nền tảng đối thủ. Giá cổ phiếu Alibaba hiện thấp hơn 28% so với đỉnh hồi tháng 10.
Các số liệu thống kê vĩ mô đã đưa ra rất nhiều dấu hiệu cho thấy cuộc phục hồi kinh tế không diễn ra đồng đều. Ngành sản xuất bật dậy nhanh chóng trong khi doanh số bán lẻ - thước đo sự tự tin của người tiêu dùng – bị tụt lại trong nhiều tháng. Xa xỉ phẩm bán chạy, xe hơi cao cấp đắt hàng, đồ Chanel và Louis Vuitton thì tăng giá.
Hơn 170 triệu người Trung Quốc di cư đến các thành phố lớn để làm việc. Trong đại dịch, số lao động này không chỉ mất việc làm mà còn không được nhận trợ cấp của chính phủ.
Đối với Bắc Kinh, những người này không thất nghiệp vì họ có thể quay về quê làm ruộng. Trung Quốc chọn làm theo lý thuyết lợi ích kinh tế nhỏ giọt: làm lợi cho doanh nghiệp và người giàu có rồi chờ đợi tác động tích cực nhỏ giọt xuống cho người nghèo.
Quyết định hỗ trợ chủ doanh nghiệp thay vì người lao động có thể xuất phát từ ý muốn kiểm soát của Bắc Kinh. Trung Quốc tin có thể yêu cầu nhà máy chạy hết công suất nhưng hộ gia đình chưa chắc sẽ chịu tiêu tiền nếu nhận được trợ cấp.
Công thức tài khóa này có khôn ngoan không? Tuy Trung Quốc muốn chuyển đổi sang một xã hội tiêu dùng nhưng việc thiếu mất mạng lưới an sinh xã hội có thể làm mất niềm tin của hộ gia đình vĩnh viễn. Phương thức kích thích kinh tế kiểu cũ có thể cản trở mục tiêu kinh tế của nước này.
Ngăn chặn chỉ trích của tỷ phú
Ngay cả khi hàng trăm triệu người Mỹ đổ ra điểm bỏ phiếu để chọn tổng thống mới, Trung Quốc vẫn giành được sự chú ý của thế giới. Ngày 3/11, Trung Quốc hoãn cuộc IPO trị giá 35 tỷ USD của Ant Group, chỉ hai ngày trước màn chào sàn của gã khổng lồ fintech này.
Sự bế tắc của Washington phần nào đã khuyến khích dòng tiền đổ sang Trung Quốc. Nhưng đòn giáng đột ngột vào công ty của Jack Ma có thể làm chùn bước ngay cả những nhà đầu tư khôn khéo nhất.
Bắc Kinh cũng có lý của riêng mình. Trong đại dịch COVID-19, tín dụng tiêu dùng đã mở rộng quá nhanh. Các mặt trái như lãi suất cắt cổ đã trở thành vấn nạn xã hội. Ngày 27/12, ngân hàng trung ương Trung Quốc yêu cầu Ant quay trở lại mảng kinh doanh cốt lõi, ít sinh lời hơn là thanh toán điện tử. Đối với tín dụng, các quan chức Trung Quốc đã tranh luận về cách điều chỉnh hoạt động kinh doanh cho vay của Ant trong ít nhất hai năm.
Nhưng thời điểm Bắc Kinh can thiệp lại khá đáng ngờ. Cộng đồng đầu tư quốc tế nghi rằng Trung Quốc hoãn vụ IPO khổng lồ là vì bài phát biểu thẳng thừng của Jack Ma hai tuần trước đó. Ông chủ Ant Group dám chỉ trích hệ thống tài chính của Trung Quốc, ví ngân hàng như "tiệm cầm đồ". Nguồn tin của Wall Street Journal cho biết Chủ tịch Tập Cận Bình đã nổi trận lôi đình.
Bi kịch của Ant là bài học dành cho các doanh nhân tỷ phú: Đừng quá thẳng thắn và đừng lớn tiếng chỉ trích Bắc Kinh, hãy kiếm tiền một cách lặng lẽ.
Sau 4 năm liên tục bị ông Trump chê bai, Trung Quốc có thể không còn quan tâm Mỹ nghĩ gì về mình. Nhưng nước này vẫn muốn có dòng tiền nước ngoài để tài trợ thâm hụt tài khóa. Vụ lộn xộn không đúng lúc của Ant có thể khiến công sức mời gọi nhà đầu tư nước ngày của Trung Quốc đổ bể.
Xử lý sai các vụ vỡ nợ
Có một nhận thức dai dẳng rằng quy tắc ở Trung Quốc được tách thành hai ngả. Giới doanh nhân trong khu vực tư có thể bị quan chức chính phủ triệu tập và quở trách bất cứ lúc nào vượt quá giới hạn, giống như điều đã xảy ra với Jack Ma. Các công ty trực thuộc nhà nước có thể ngồi thoải mái, tùy quyền huy động nhiều nguồn lực địa phương.
Làn sóng vỡ nợ xấu xí của doanh nghiệp nhà nước bắt đầu từ tháng 9 là bằng chứng mới nhất cho xu hướng này.
Doanh nghiệp nhà nước Trung Quốc bắt đầu vỡ nợ từ đầu năm 2015. Tuy nhiên, làn sóng mới nhất là lần đầu tiên quy tắc thị trường bị thử thách. Một số công ty không trả được nợ là các doanh nghiệp nhà nước lớn nhất trong khu vực, Bloomberg cho biết.
Vỡ nợ là rủi ro trái chủ phải sẵn sàng đón chịu. Nhưng hiện nay nhà đầu tư có mối nghi ngờ sâu sắc rằng các doanh nghiệp này sẽ tẩu tán tài sản trước khi bị chủ nợ lôi ra tòa. Trong chưa đầy một tháng, ba doanh nghiệp nhà nước lớn của Trung Quốc đã chuyển hàng trăm triệu USD cổ phiếu họ nắm giữ sang tổ chức thứ ba trước khi tuyên bố không trả được nợ.
Liệu nhà đầu tư có thu hồi được tài sản của doanh nghiệp nhà nước khi chúng sụp đổ? Triển vọng nhà đầu tư đòi được tiền có vẻ không mấy sáng sủa. Giới quản lý Trung Quốc chỉ nói vòng vo, trừng phạt các công ty bảo lãnh trái phiếu và hối thúc chính quyền địa phương đưa ra những lời hứa suông.
Một mặt, doanh nghiệp nhà nướcTrung Quốc ít có khả năng vỡ nợ. Mặt khác, các doanh nghiệp này khá giỏi trong việc bảo vệ tài sản đáng giá khỏi chủ nợ sau khi trễ hạn thanh toán.
Đây là một sai lầm khác của Trung Quốc, vì nếu loại trừ vấn đề tẩu tán tài sản này thì nhà đầu tư quốc tế sẽ vui vẻ mua trái phiếu bằng đồng nhân dân tệ do doanh nghiệp nhà nước phát hành. Loại trái phiếu này trả lợi suất cao hơn các công cụ tài chính phát hành bằng đồng USD ở nước ngoài.
Năm nay, dòng vốn nước ngoài lớn đến mức nhà đầu tư quốc tế hứa hẹn sẽ trở thành lực lượng mua trái phiếu chính phủ lớn thứ hai của Trung Quốc. Nhưng thị trường trái phiếu doanh nghiệp, vốn được biết đến là sân chơi của các thực thể nhà nước lại bị hắt hủi. Làn sóng vỡ nợ mới nhất càng cho nhà đầu tư nước ngoài thêm lý do để đứng ngoài cuộc.
Diễn đàn Đầu tư Việt Nam 2025 (Vietnam Investment Forum 2025) với chủ đề “Khai thông & Bứt phá” do trang TTĐT tổng hợp VietnamBiz, Việt Nam Mới tổ chức sẽ diễn ra vào ngày 8/11/2024 tại GEM CENTER, TP HCM.
Sự kiện quy tụ giới chuyên gia cao cấp trong lĩnh vực đầu tư, tài chính là các nhà làm chính sách, CEO, CFO, CIO các ngân hàng, công ty chứng khoán, quỹ đầu tư, công ty bất động sản, các hãng xếp hạng, công ty cung cấp dữ liệu và hàng trăm nhà đầu tư có kinh nghiệm lâu năm trên thị trường chứng khoán và bất động sản.
Diễn đàn hứa hẹn mang lại không gian để các chuyên gia bàn luận về các xu hướng đầu tư mới, các góc nhìn chiến lược, mở ra nhiều ý tưởng đầu tư phù hợp cho giai đoạn mới. Đồng thời tạo cơ hội gặp gỡ, kết nối giữa nhà đầu tư và các đối tác tiềm năng trên thị trường.
Thông tin chi tiết chương trình: https://event.vietnambiz.vn/