Điểm nhấn của các tỉnh thành tăng trưởng kinh tế cao nhất Việt Nam năm 2020
Theo số liệu từ Tổng cục Thống kê, Bộ Kế hoạch & Đầu tư, GDP năm 2020 của nước ta tăng 2,91% (quý I tăng 3,68%; quý II tăng 0,39%; quý III tăng 2,69%; quý IV tăng 4,48%). Đây là mức tăng thấp nhất của các năm trong giai đoạn 2011-2020.
Tuy nhiên, trong bối cảnh dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, ảnh hưởng tiêu cực tới mọi lĩnh vực kinh tế - xã hội thì đó là thành công lớn của Việt Nam với mức tăng trưởng thuộc nhóm cao nhất thế giới.
Về GRDP, có ba tỉnh đạt mức tăng trưởng trên 10%, đó là Bắc Giang (13,02%), Hải Phòng (11,2%), Quảng Ninh (10,05%). Ngoài ra, Ninh Thuận đạt mức tăng trưởng rất ấn tượng, 9,58%. Đây cũng là top 4 tỉnh có GRDP tăng trưởng cao nhất cả nước.
Các tỉnh, thành phố còn lại đều ở mức dưới 8%, trong đó 5 tỉnh có mức tăng trưởng âm (Khánh Hòa -10,52%, Đà Nẵng - 9,77%, Quảng Nam -9,96%, Bà Rịa - Vũng Tàu - 4,91%, Quảng Ngãi -1,02%).
Dưới đây là một số vấn đề nổi bật của các tỉnh có mức tăng trưởng GRDP cao nhất cả nước trong năm qua.
Bắc Giang: "Đại thắng" vải thiều
Tốc độ tăng tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) Bắc Giang ước đạt 13,02%. Đây là tỉnh có kết quả tăng trưởng GRDP cao nhất cả nước năm 2020.
GRDP của Bắc Giang tăng chủ yếu ở khu vực khu vực công nghiệp và xây dựng, 18,62%. Lý do chủ yếu là do trong năm 2020 trên địa bàn tỉnh này có thêm hơn 82 doanh nghiệp sản xuất công nghiệp mới đi vào hoạt động (Công ty TNHH JA Solar, Công ty TNHH Lim Electronics VN, Công ty TNHH J&Y Electronics VN, Công ty Fuhong, đặc biệt là công ty TNHH Luxshare...) đã làm cho giá trị gia tăng tăng. Một số doanh nghiệp tiếp tục mở rộng và sản xuất đúng công suất đã làm tăng sản lượng cũng như giá trị sản xuất.
Năm 2020, mặc dù chịu ảnh hưởng từ dịch Covid-19, song tổng vốn thu hút đầu tư của Bắc Giang vẫn đạt được những kết quả đáng khích lệ.
Tỉnh này thu hút được 116 dự án đầu tư, trong đó 87 dự án đầu tư trong nước với số vốn đăng ký đạt 8.374 tỷ đồng và 29 dự án đầu tư nước ngoài với số vốn đăng ký đạt 334,2 triệu USD. Một số dự án đáng chú ý như: Dự án Sân golf Việt Yên của Công ty Cổ phần Đầu tư Golf Trường An; Dự án nhà máy Shunsin Việt Nam sản xuất linh kiện điện tử; Dự án nhà máy sản xuất hợp kim Powerway Việt Nam...
Trong năm, Bắc Giang cũng thực hiện điều chỉnh tăng vốn đầu tư cho 17 dự án trong nước với tổng vốn tăng thêm là 415 tỷ đồng.
Tính đến nay một số dự án, công trình lớn đã hoàn thành đưa vào sử dụng, một số dự án khác có tiến độ thực hiện khá như: Khối nhà trung tâm, khối nhà chuyên khoa đặc thù, khoa truyền nhiễm và các hạng mục phụ trợ của Bệnh viện Đa khoa tỉnh Bắc Giang; các dự án đầu tư trung tâm y tế tuyến huyện; các dự án giao thông khởi công mới nâng cấp, mở rộng đường gom bên phải tuyến cao tốc Bắc Giang - Hà Nội, đoạn từ cầu vượt QL17 đến cầu vượt QL37; cải tạo, nâng cấp ĐT295B đoạn từ Nhà máy gạch Tân Xuyên đến đường Vành đai Đông Bắc thành phố Bắc Giang...
Khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản của Bắc Giang năm qua tăng 6,65%. Cục Thống kê Bắc Giang đánh giá đây vẫn là mức tăng trưởng khá ấn tượng, khẳng định vững chắc vai trò là trụ đỡ của nền kinh tế.
Trong khu vực này, nổi bật là hoạt động tiêu thụ quả vải. Năm 2020, cây vải ở Bắc Giang có 28.100 ha, chiếm khoảng 54% tổng diện tích cây lâu năm trên địa bàn tỉnh. Sản lượng đạt 165.000 tấn, tăng 9,7% so với cùng kỳ năm ngoái.
Năm nay, do ảnh hưởng của dịch COVID-19, đã có những lo lắng nhất định cho đầu ra của quả vải. Tuy nhiên, tỉnh này đã có những hướng đi phù hợp để đẩy tiêu thụ cả thị trường trong nước và quốc tế.
Bắc Giang lần đầu tiên chủ động phối hợp với Bộ Công Thương, Bộ NN&PTNT tổ chức hội nghị trực tuyến xúc tiến tiêu thụ vải thiều với 63 điểm cầu trên cả nước và 4 điểm ở Trung Quốc.
Cuối tháng 5, đầu tháng 6, trong điều kiện cần thắt chặt biên giới để phòng tránh dịch COVID-19, Thủ tướng cũng cho phép hàng trăm thương nhân Trung Quốc tới Bắc Giang mua vải.
Đầu tháng 6, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã trực tiếp tới làm việc tại Bắc Giang, dự và cắt băng tại lễ xuất hành đoàn xe vải thiều đi tiêu thụ tại thị trường trong và ngoài nước.
Với những sự quan tâm đó, Bắc Giang đã có một năm "đại thắng" với quả vải. Ước tính, tỉnh này đã tiêu thụ được 165.000 tấn vải. Tổng giá trị thu được từ vải và các dịch vụ phụ trợ đạt khoảng 6.900 tỷ đồng, tăng 600 tỷ đồng so với vụ vải năm 2019.
Đáng chú ý, năm nay, lần đầu tiên vải thiều Bắc Giang đặt chân được vào thị trường khó tính Nhật Bản (khoảng 200 tấn). Quả vải Việt Nam thậm chí còn "cháy hàng" trong các siêu thị của Nhật Bản.
Quảng Ninh: Giải ngân vốn đầu tư công cao nhất, cấp phép dự án trong 22 giờ
Năm 2020, Quảng Ninh được biết đến là địa phương có các chuyến bay đưa đón công dân xuất - nhập cảnh trong tình hình đại dịch COVID-19 diễn biến phức tạp trên thế giới.
Tính đến ngày 20/11, tỉnh đã thực hiện xuất nhập cảnh cho 15.397 công dân Quảng Ninh và 4.635 công dân Việt Nam về nước; đón 142 chuyến bay đưa 29.507 công dân Việt Nam và các chuyên gia, lao động tay nghề cao người nước ngoài (có 474 người nước ngoài) về Việt Nam.
Là một trong những địa phương có nguy cơ lây nhiễm dịch cao, nhưng Quảng Ninh đã phối hợp với các cơ quan trung ương kiếm soát tốt tình hình, làm điểm tựa cho sự phát triển kinh tế. Tốc độ tăng trưởng kinh tế (GRDP) năm 2020 của Quảnh Ninh ước đạt 10,5%, đứng thứ ba cả nước.
Điểm nổi bật về kinh tế của Quang Ninh năm qua đó là hoạt động đầu tư công. Tính đến này 31/10, tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư của tỉnh này đạt 90,2%, cao nhất cả nước. Đầu tháng 11, tỉnh này tiếp tục phân bổ 1.697,5 tỷ đồng cho dự án Đường Cao tốc Vân Đồn - Tiên Yên. Tính cả con số này, đến ngày 15/11, tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công của Quảng Ninh đạt 76,6% kế hoạch (11.664 tỷ đồng trên tổng kế hoạch 15.213 tỷ đồng).
Tính đến hết tháng 11, ước tính tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công so với số Thủ tướng Chính phủ giao kế hoạch đầu năm của Quảng Ninh đạt tới 146,8%.
Tỉnh này không chỉ triển khai quyết liệt các dự án đầu tư công mà còn tạo điều kiện thuận lợi để thực hiện các dự án có nguồn vốn ngoài ngân sách. Nhờ vậy, giá trị tăng thêm của ngành xây dựng tăng tới 30,1% so với cùng kỳ, chiếm tỷ trọng 6,8% GRDP của tỉnh, tăng 1,1 điểm % so với năm 2019.
Ngay từ đầu năm, Quảng Ninh đã chỉ đạo hoàn thành kế hoạch đấu thầu đối với các công trình khởi công mới trước 31/3. Tỉnh kiên quyết thu hồi và điều chuyển nguồn vốn đầu tư công đối với các dự án đến ngày 15/6 có tỷ lệ giải ngân trên 10% nhưng hiệu quả thấp; đối với các dự án đến ngày 30/6 có tỷ lệ giải ngân đạt đưới 50% kế hoạch vốn để dành nguồn lực bố trí cho các dự án đầu tư hạ tầng giao thông trọng điểm trong năm 2020.
Về phát triển kết cấu hạ tầng, tỉnh đã khởi công mới và đẩy nhanh tiến độ đầu tư 9 dự án, công trình động lực, với tổng vốn đầu tư 32.338 tỷ đồng. Hoàn thành 10 dự án, công trình, với tổng mức đầu tư trên 5.649 tỷ đồng, hoàn thành tuyến đường bao biển Trần Quốc Nghiễn và tuyến đường đấu nối từ Quốc lộ 18A vào Khu nghỉ dưỡng suối khoáng cao cấp Quang Hanh, với tổng mức đầu tư 1.062 tỷ đồng.
Nhiều khu đô thị mới ở một số địa phương (Hạ Long, Uông Bí, Vân Đồn...) đã được đầu tư, hoàn thành.
Về công tác giải phóng mặt bằng các dự án, công trình trọng điểm, các địa phương, chủ đầu tư tập trung chỉ đạo, đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng và giải quyết vướng mắc về bồi thường, giải phóng mặt bằng, nhất là các dự án giao thông, dự án trọng điểm để đấu giá quyền sử dụng đất, dự án trọng điểm trong khu kinh tế, khu công nghiệp trên địa bàn các địa phương (Vân Đồn, Quảng Yên, Hải Hà, Móng Cái, cẩm Phả, Hạ Long...).
Đáng chú ý, tỉnh này còn triển khai và hoàn thành chiến dịch "30 ngày đêm" về công tác giải phóng mặt bằng toàn bộ dự án Đường cao tốc Vân Đồn - Móng Cái.
Chia sẻ tại Hội nghị Chính phủ với các địa phương diễn ra từ 28 đến 29/12, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh Nguyễn Tường Văn cho biết, năm 2020, tỉnh đã quyết tâm thúc đẩy đầu tư công với phương châm "lấy đầu tư công để dẫn dắt môi trường đầu tư".
Cùng với đó, tỉnh tập trung gỡ mọi khó khăn cho doanh nghiệp, có những dự án đầu tư thời gian cấp phép chỉ 22 giờ sau khi nhà đầu tư nộp đầy đủ hồ sơ.
Bí thư các cấp trực tiếp là trưởng ban giải phóng mặt bằng để gỡ vướng tại địa phường kịp thời, như dự án đường cao tốc Vân Đồn – Móng Cái, chỉ sau 15 ngày vận động, người dân đã bàn giao mặt bằng, hoàn toàn không hề có cưỡng chế hay khiếu nại.
Hải Phòng: Vốn đầu tư nước ngoài tăng vọt
Chia sẻ tại Hội nghị Chính phủ với các địa phương vừa qua, Chủ tịch UBND TP Hải Phòng Nguyễn Văn Tùng cho biết, năm 2020, Hải Phòng đã thực hiện thành công nhiệm vụ kép, vừa phòng chống dịch, vừa tập trung phục hồi và phát triển kinh tế xã hội.
Thành phố đã kiểm soát, khống chế được dịch bệnh, không có ca mắc COVID-19 ngoài cộng đồng. Tăng trưởng kinh tế thành phố vẫn duy trì ở mức cao. Các chỉ tiêu kinh tế chủ yếu như chỉ số sản xuất công nghiệp, thu nội địa, kim ngạch xuất khẩu, sản lượng hàng qua cảng, tổng vốn đầu tư phát triển tiếp tục có sự tăng trưởng so với cùng kỳ.
GRDP của Hải Phòng năm nay tăng 11,22%. Đây là địa phương có tốc độ tăng trưởng GRDP cao thứ hai cả nước, chỉ đứng sau Bắc Giang.
Trong đó, khu vực công nghiệp - xây dựng có mức tăng 16,59%, đóng góp 8,22 điểm phần trăm vào mức tăng trưởng chung. Riêng giá trị tăng thêm ngành công nghiệp tăng 16,22%, đóng góp 7,04 điểm phần trăm vào mức tăng chung.
Theo Cục Thống kê Hải Phòng, ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tuy bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh nhưng vẫn là ngành chủ lực chính trong phát triển kinh tế thành phố, với giá trị tăng thêm tăng 18,51%, đóng góp 7,25 điểm phần trăm, chủ yếu là đóng góp của các ngành sản xuất thiết bị tự động, sản xuất điện thoại và linh kiện, sản xuất xe máy điện, sản xuất ô tô, sản xuất sản phẩm điện tử dân dụng...
Đáng chú ý, tình hình thu hút vốn đầu tư nước ngoài của Hải Phòng năm qua rất khả quan. Tính đến 15/12 Hải Phòng có 759 dự án còn hiệu lực với tổng vốn đầu tư 19,2 tỷ USD. Từ đầu năm đến 15/12, toàn thành phố có 75 dự án cấp mới đến từ 15 quốc gia và vùng lãnh thổ với số vốn đầu tư đạt khoảng 1,1 tỷ USD, tăng 70,6% so với cùng kỳ năm trước. Điều chỉnh tăng vốn đầu tư có 26 dự án, với số vốn tăng là 376,07 triệu USD. Các dự án mới và tăng vốn chủ yếu ở ngành công nghiệp chế biến, chế tạo.
Năm 2020, Hải Phòng cũng phát huy thế mạnh trong lĩnh vực cảng biển. Năm 2020, sản lượng hàng hóa thông qua cảng trên địa bàn thành phố đạt 142,9 tỷ TTQ, tăng 10,58% so với cùng kỳ năm trước. Doanh thu cảng biển cả năm 2020 ước đạt 5.484,5 tỷ đồng, tăng 1,01% so với cùng kỳ.
Ninh Thuận: Năng lượng tái tạo tiếp tục bứt phá
Dù ảnh hưởng bởi dịch COVID-19, GRDP Ninh Thuận năm 2020 vẫn đạt mức tăng 9,58% so với cùng kỳ, đây là mức tăng cao thứ tư của tỉnh này trong giai đoạn 2011-2020.
Ninh Thuận đang trong quá trình phát triển để trở thành trung tâm năng lượng tái tạo của cả nước. Năm qua, đây vẫn là thế mạnh, là ngành mũi nhọn, tạo động lực chính thúc đẩy tăng trưởng kinh tế trên địa bàn tỉnh.
Cụ thể, ngành công nghiệp sản xuất, phân phối điện, tăng 129,93%. Sản phẩm công nghiệp điện tăng cao tập trung vào điện mặt trời, tăng 147,8%; điện gió tăng 58,5%.
Theo số liệu của Cục Thống kê Ninh Thuận vào tháng 10 vừa qua, sản lượng điện sản xuất trên địa bàn tỉnh này ước đạt 456,1 triệu kwh. Trong đó, điện năng lượng tái tạo đóng góp 319,3 triệu kwh (điện gió 8,7 triệu kwh; điện mặt trời 310,6 triệu kwh).
Tính chung 10 tháng đầu năm, sản lượng điện ước đạt 3,6 tỷ kwh, tăng 63% so cùng kỳ. Trong đó, điện năng lượng tái tạo sản xuất ước đạt 2,6 tỷ kwh, là sản phẩm chủ yếu làm tăng chỉ số sản xuất công nghiệp toàn ngành.
Ước tính trong năm 2020, Ninh Thuận có 37 dự án năng lượng tái tạo đi vào hoạt động với tổng công suất 2.473,6 MW.
Theo Cục Thống kê Ninh Thuận, năm 2020, có 647 doanh nghiệp được thành lập trên địa bàn tỉnh Ninh Thuận, với số vốn đăng ký đạt 6.550 tỷ đồng, tăng 25,1% số doanh nghiệp và tăng 58,1% so với số vốn đăng ký cùng kỳ, tập trung vào lĩnh vực sản xuất, phân phối điện, khai khoáng.