|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

VDSC: Năm 2021, kinh tế Việt Nam đi trên con đường phục hồi bền vững, tăng trưởng GDP dự báo đạt 7%

17:34 | 30/12/2020
Chia sẻ
Báo cáo chiến lược đầu tư năm 2021 của VDSC cho rằng năm tới sẽ là năm kinh tế Việt Nam đi trên con đường phục hồi bền vững. Tuy nhiên, quá trình này vẫn tiềm ẩn một số rủi ro nhất định, ảnh hưởng đến tăng trưởng kinh tế.

Công ty Chứng khoán Rồng Việt (VDSC) vừa công bố báo cáo chiến lược đầu tư năm 2021. Trong đó, VDSC giữ quan điểm tích cực về triển vọng kinh tế của Việt Nam với mức tăng trưởng GDP là 7% và lạm phát là 3,5% vào năm 2021.

Dự báo tăng trưởng GDP Việt Nam 2021 đạt mức 7%

Với tình hình đại dịch diễn biến khó lường trên khắp thế giới, vẫn có nhiều quan ngại về tốc độ phục hồi của kinh tế toàn cầu. Tuy nhiên, VDSC đánh giá tích cực về triển vọng kinh tế của Việt Nam với mức tăng trưởng GDP 7% vào năm 2021 với các động lực chính là tiêu dùng trong nước và hoạt động sản xuất công nghiệp chế biến chế tạo.

Tăng trưởng trong nửa đầu năm tới sẽ tăng nhanh do mức nền thấp của năm 2020 trong khi phục hồi kinh tế toàn cầu có thể giúp đà tăng trưởng tiếp diễn trong nửa cuối năm với giả định vắc xin có tiến triển khả quan.

Trong năm 2021, VDSC kỳ vọng lạm phát sẽ vẫn ở mức thấp. Giá thịt lợn dự kiến sẽ tiếp tục giảm trong năm tới nhưng sẽ đưa lạm phát ở mức vừa phải do so sánh với mức nền đã giảm của 2020. Trong khi đó, nhu cầu trong nước cải thiện sẽ khiến lạm phát lõi sớm chạm đáy. Ngoài ra, giá năng lượng có thể dần phục hồi khi các hoạt động kinh tế toàn cầu dần cải thiện. Điều này có thể dẫn đến chỉ số giá tiêu dùng phi thực phẩm cao hơn. 

Do đó, VDSC kỳ vọng lạm phát trung bình ở mức là 3,5% vào năm 2021, cao hơn dự báo của Bloomberg là 3,3% nhưng phù hợp với mục tiêu của Chính phủ là dưới 4%.

Về mặt chính sách tiền tệ, VDSC cho rằng lập trường nới lỏng chính sách tiền tệ sẽ tiếp tục trong năm 2021 nhằm hỗ trợ các doanh nghiệp và hộ gia đình gặp khó khăn kéo dài do đại dịch. Tăng trưởng tín dụng sẽ tăng lên 12 - 13% cùng với sự cải thiện của niềm tin kinh doanh và các hoạt động kinh tế. Trong kịch bản cơ sở, VDSC nhận thấy khả năng tiếp tục cắt giảm lãi suất chính sách là thấp.

Bên cạnh đó, VDSC kỳ vọng tiền đồng sẽ tiếp tục ổn định so với USD vào năm 2021 do kỳ vọng đồng USD tiếp tục yếu đi.

Về mặt chính sách tài khóa, VDSC cho rằng Chính phủ khó có thể công bố gói hỗ trợ tài khóa bổ sung vào năm 2021. VDSC dự báo thâm hụt tài khóa sẽ giảm xuống 3,8% GDP vào năm 2021 từ 4,3% GDP vào năm 2020; nợ công sẽ tăng lên 46% GDP vào cuối năm 2021 (tính toán dựa vào GDP điều chỉnh).

Mặc dù tính bền vững tài khóa ngắn hạn sẽ gặp rủi ro do gánh nặng trả nợ cao, VDSC cho rằng tính bền vững tài khóa sẽ không phải là vấn đề trong dài hạn, do cơ cấu nợ công chủ yếu dựa trên tiền đồng, phần lớn do các nhà đầu tư trong nước nắm giữ và môi trường lãi suất đang khá thấp.

Hai rủi ro đối với tăng trưởng kinh tế Việt Nam 2021 - Ảnh 1.

(Nguồn: Báo cáo của VDSC).

FDI sẽ phục hồi nhẹ vào năm tới

VDSC lạc quan trong thận trọng về triển vọng dòng vốn đầu tư nước ngoài trong năm 2021 do các lý do sau. Thứ nhất, dịch COVID-19 làm gián đoạn khả năng di chuyển giữa các quốc gia và cần thời gian để dỡ bỏ các biện pháp ngăn ngừa lây nhiễm. Điều này sẽ gây ra lực cản đối với dòng vốn đầu tư toàn cầu.

Thứ hai, do nhu cầu toàn cầu phục hồi chậm, chi phí để đa dạng hóa chuỗi cung ứng sẽ hạn chế các cơ sở sản xuất chuyển dịch khỏi Trung Quốc. 

Bất chấp những thách thức này, VDSC kỳ vọng FDI sẽ phục hồi nhẹ vào năm 2021 do Việt Nam sở hữu nền tảng vững chắc bao gồm môi trường chính trị ổn định, thành công trong việc kiểm soát đại dịch và giao thương cởi mở cùng với việc hội nhập sâu hơn vào chuỗi cung ứng toàn cầu thông qua các hiệp định thương mại tự do.

Hai rủi ro với tăng trưởng kinh tế

Trong báo cáo, VDSC cũng đề cập đến rủi ro đối với tăng trưởng kinh tế có thể đến từ bùng phát dịch bệnh với quy mô lớn trong nước nằm ngoài tầm kiểm soát của Chính phủ và nhu cầu toàn cầu phục hồi chậm hơn dự kiến. 

Ngược lại, VDSC nhận định thành công sớm hơn dự kiến của quá trình phát triển vắc xin có thể mang lại kịch bản tăng trưởng tích cực hơn so với dự báo của công ty.

Tình hình dịch COVID-19 hiện vẫn đang diễn biến phức tạp trên thế giới. Tính đến nay, toàn cầu ghi nhận hơn 82 triệu ca COVID-19, trong đó gần 1,8 triệu người chết. Chủng virus mới ở Anh hiện đã xuất hiện ở nhiều quốc gia như Mỹ, Canada, Nhật Bản, Ấn Độ. 

Đông Nam Á - khu vực từng chống dịch tốt hiện cũng ghi nhận làn sóng mới khó kiểm soát. Indonesia, Singapore và Thái Lan là ba nước đang có tình hình dịch diễn biến nghiêm trọng hơn cả.


Anh Đào