|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Tài chính

Triển vọng ngân hàng năm 2021: Quy mô mở rộng, tăng trưởng tín dụng toàn ngành ước đạt 14%

14:29 | 28/02/2021
Chia sẻ
BSC cho rằng ngành ngân hàng hiện đang ở vị thế tốt trong việc chống đỡ rủi ro và có thể tận dụng sự phục hồi nền kinh tế trong năm 2021 để làm bàn đạp tăng trưởng doanh thu và lợi nhuận. Tăng trưởng tín dụng trong năm dự kiến ở mức 14%.

Tăng trưởng tín dụng toàn ngành ước đạt 14% trong năm 2021

Theo báo cáo triển vọng ngành ngân hàng ban hành mới đây, Công ty Chứng khoán BIDV (BSC) dự báo ngành ngân hàng sẽ có một năm tăng trưởng mạnh nhờ mở rộng quy mô nhờ nền kinh tế phục hồi đồng thời kiểm soát tốt chất lượng tài sản, quản trị hiệu quả chi phí. 

BSC dự báo tăng trưởng tín dụng của toàn ngành ngân hàng đạt mức 14% trong năm 2021. Con số được đưa ra dựa trên cơ sở dự báo nền kinh tế phục hồi, các doanh nghiệp quay trở lại sản xuất kinh doanh, mặt bằng lãi suất thấp hỗ trợ tăng trưởng kinh tế và đẩy mạnh đầu tư công kích thích giải ngân cho vay vào các dự án về xây dựng cầu đường.

Theo báo cáo chiến lược vĩ mô trước đó, BSC dự báo tăng trưởng GDP năm 2021 đạt mức 6,3%; lạm phát quanh mức 3%, tỷ giá USD/VND tăng nhẹ từ 1% và lãi suất tiền gửi kỳ hạn 12 tháng đi ngang ở mức 5,5%. 

Cùng với đó, các chính sách tài khóa sẽ được thúc đẩy thông qua đẩy mạnh đầu tư công cùng với các biện pháp miễn, giảm, giãn thuế đã thực hiện trong năm 2020. Về chính sách tiền tệ, NHNN duy trì chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt, thận trọng, phối hợp chặt chẽ với chính sách tài khóa nhằm kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, tiền tệ và hỗ trợ tăng trưởng.

Triển vọng ngân hàng năm 2021: Quy mô mở rộng, tăng trưởng tín dụng toàn ngành ước đạt 14% - Ảnh 1.

Tín dụng quí IV/2020 tăng trưởng mạnh. (Nguồn: SBV, BSC).

Trong năm 2020, tăng trưởng tín dụng ở mức thấp nhất trong nhiều năm gần đây (12,13%) do ảnh hưởng bởi dịch COVID-19 khiến nhu cầu tín dụng suy giảm. Tuy nhiên, vào quý IV, tín dụng đã có sự phục hồi mạnh nhờ những thông tin tích cực hỗ trợ thị trường đến từ vắc xin.

Các chuyên gia phân tích của BSC cho rằng với tình hình vĩ mô được dự báo sẽ hồi phục mạnh và mặt bằng lãi suất được giữ ở mức thấp sẽ làm tăng nhu cầu tín dụng cho hoạt động sản xuất kinh doanh, hỗ trợ thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Trong đó, cho vay SME và cá nhân sẽ tiếp tục được đẩy mạnh cả về phía cầu và cung, từ đó hỗ trợ tăng trưởng tín dụng năm 2021. 

Nhiều ngân hàng đặt kế hoạch tăng trưởng tín dụng 14 - 20%

Trước những tín hiệu phục hồi tích cực từ tăng trưởng tín dụng quý IV/2020, đặc biệt là cho vay cá nhân và SME, nhiều ngân hàng đã đưa ra kịch bản tích cực trong năm 2021 với tăng trưởng tín dụng từ 14% - 20% trong năm 2021.

Triển vọng ngân hàng năm 2021: Quy mô mở rộng, tăng trưởng tín dụng toàn ngành ước đạt 14% - Ảnh 2.

Tăng trưởng tín dụng của một số ngân hàng. (Nguồn: BSC).

Trong 9 tháng đầu năm 2020, các ngân hàng đã chủ động cắt giảm cho vay SME và cá nhân, tập trung cho vay vào đối tượng khách hàng lớn nhằm giảm thiểu rủi ro. Nhờ sự phục hồi của kinh tế, chúng tôi cho rằng cho vay SME và cá nhân sẽ tiếp tục được đẩy mạnh cả về phía cầu và cung, từ đó hỗ trợ tăng trưởng tín dụng năm 2021.

Nhận định về các con số kế hoạch tăng trưởng của các ngân hàng, BSC cho rằng đây là những con số khả thi 

Huy động vốn chuyển dịch dần sang cơ cấu nguồn vốn giá rẻ 

Báo cáo của BSC cho biết hiện nay, nhiều ngân hàng tập trung gia tăng CASA, nguồn vốn giá rẻ bằng nhiều chiến lược tập trung giảm phí giao dịch và chuyển khoản và nâng cấp cơ sở hạ tầng và hệ thống. 

Trong giai đoạn từ 2016 – 2020, tỷ trọng CASA các đang dần dần được cải thiện lên mức 18% trong năm 2020 và được kỳ vọng tiếp tục tăng tỷ trọng trong thời gian tới. 

Triển vọng ngân hàng năm 2021: Quy mô mở rộng, tăng trưởng tín dụng toàn ngành ước đạt 14% - Ảnh 3.

Nguồn: BSC.

Việc cạnh tranh về CASA giữa các ngân hàng đang trở nên gay gắt hơn. Nhiều ngân hàng chấp nhận hi sinh một phần phí giao dịch (chuyển khoản liên ngân hàng, phí quản lý tài khoản, ...) nhằm thu hút thêm lượng tiền gửi không kỳ hạn.

Trong năm 2021, BSC cho rằng việc cạnh tranh này sẽ khốc liệt hơn khi nhiều ngân hàng lớn bắt đầu gia tăng cạnh tranh khiến các ngân hàng với chiến lược hiện hữu khó có thể gia tăng vị thế trong tương lai. 

Một số chính sách thu hút CASA tại các ngân hàng

Triển vọng ngân hàng năm 2021: Quy mô mở rộng, tăng trưởng tín dụng toàn ngành ước đạt 14% - Ảnh 4.

Nợ xấu được kỳ vọng dưới 1,8%

BSC kỳ vọng nhờ sự phục hồi của nền kinh tế, các DN và cá nhân bắt đầu quay lại hoạt động sản xuất kinh doanh và tạo ra đủ dòng tiền để trả nợ cho ngân hàng, từ đó giảm bớt rủi ro về nợ xấu trong thời gian tới. 

Cùng với đó, nhiều ngân hàng đã tăng mức trích lập dự phòng phòng ngừa rủi ro trong năm 2020, đẩy mức bao phủ nợ xấu lên mức cao giúp chống đỡ trước rủi ro tăng cao về nợ xấu. Nhiều khoản nợ VAMC đã được xử lý, giảm bớt áp lực trích dự phòng cho các khoản nợ này. 

Các khoản nợ được tái cơ cấu theo Thông tư 01 (giữ nguyên nhóm nợ) có chiều hướng giảm trong quý IV/2020 nhờ sự phục hồi kinh tế. Một số khoản nợ không còn nằm trong diện tái cơ cấu, một số khoản bắt đầu quay trở lại hoạt động SXKD.

Tổng các khoản lãi dự thu của toàn ngành ước tính ở mức 1,6% tổng cho vay, giảm mạnh so với năm 2016 (ở mức 2,5%). 

Mặt bằng lãi suất tiếp tục giữ ở mức thấp

Các chuyên gia của BSC kỳ vọng mặt bằng lãi suất thấp sẽ tiếp tục duy trì trong năm 2021 giúp kích thích tăng trưởng nền kinh tế. Về chính sách tài khóa và tiền tệ, BSC cho rằng Việt Nam sẽ tiếp tục đi theo hướng kích thích, giữ mặt bằng lãi suất ở mức thấp như hiện nay. 

Việc giữ vững mặt bằng lãi suất hiện tại sẽ giúp hỗ trợ các DN bị ảnh hưởng có thêm nguồn vốn để phục hồi và thúc đẩy tăng trưởng nền kinh tế trong năm 2021. 

Triển vọng ngân hàng năm 2021: Quy mô mở rộng, tăng trưởng tín dụng toàn ngành ước đạt 14% - Ảnh 5.

Triển vọng ngân hàng năm 2021: Quy mô mở rộng, tăng trưởng tín dụng toàn ngành ước đạt 14% - Ảnh 6.

BSC dự báo NIM toàn ngành sẽ tăng nhẹ lên mức trung vị 3,7%  trong năm 2021 nhờ mặt bằng lãi suất ổn định, các khoản vay hỗ trợ ảnh hưởng bởi dịch bệnh COVID-19 trong năm 2020 sẽ hết hiệu lực, từ đó giúp các NH có thêm phần vốn hỗ trợ tập trung gia tăng CASA giúp tiết giảm chi phí vốn. 

Diệp Bình