|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Doanh nghiệp

BVSC: Tham gia vào chuỗi cung ứng vắc xin COVID-19 tạo động lực tăng trưởng mới cho SCS

09:42 | 01/03/2021
Chia sẻ
BVSC nhận định so với đối thủ của SCS tại sân bay Tân Sơn Nhất thì SCS đang có lợi thế rất lớn trong việc gia nhập vào chuỗi cung ứng vắc xin COVID-19 do yếu tố công nghệ và công suất.

CTCP Chứng khoán Bảo Việt (BVSC) vừa có báo cáo nhận định triển vọng tăng trưởng của CTCP Dịch vụ Hàng hóa Sài Gòn (Mã: SCS).

Công suất được gia tăng đáp ứng nhu cầu tăng trưởng

Tại sân bay Tân Sơn Nhất, chỉ có Công ty TNHH Dịch vụ hàng hóa Tân Sơn Nhất (TCS) là đối thủ cạnh tranh duy nhất với SCS, tuy nhiên hiện tại TCS đang hoạt động vượt công suất thiết kế, nên khả năng tăng trưởng trong các năm tới không còn nhiều. 

Trong khi đó, BVSC cho rằng SCS còn rất nhiều dư địa tăng trưởng do có thể nâng công suất thiết kế lên 350.000 tấn/năm (tăng 75% công suất thiết kế hiện tại). 

Với nhu cầu hàng hóa tăng trưởng nhanh sau đại dịch, được hỗ trợ bởi các hiệp định thương mại tự do, SCS đang đứng trước cơ hội lớn để gia tăng thị phần trong tương lai.

BVSC cho hay, theo chia sẻ từ doanh nghiệp, công ty sẽ đầu tư theo từng giai đoạn để phù hợp với tốc độ tăng trưởng về nhu cầu hàng hóa, với chi phí đầu tư dự kiến 700.000 – 1 triệu USD/năm với mỗi 6% công suất tăng thêm, dự kiến tổng mức đầu tư từ 7-10 triệu USD. 

Việc đầu tư chỉ bao gồm trang thiết bị, máy móc nên ngay khi thị trường có nhu cầu, SCS sẽ tiến hành đặt hàng từ các đối tác và vận chuyển về Việt Nam để phục vụ hoạt động kinh doanh. 

Với nhu cầu tiêu thụ hàng hóa lớn, BVSC dự phóng sản lượng hàng hóa quốc tế qua cảng 2021 sẽ bằng với năm 2019, tương đương với 166.290 tấn, tăng 7,64%. Tính chung cả năm 2021, tổng lượng hàng hóa phục vụ ước đạt 225.528 tấn, tăng 7,34%.

Tham gia vào chuỗi cung ứng vắc xin tạo động lực tăng trưởng mới cho SCS

Theo kết quả gần nhất, Việt Nam đã đạt được thỏa thuận mua 30 triệu liều vắc xin COVID-19 từ AstraZeneca theo lộ trình trong cả 4 quý năm 2021. 

Do yêu cầu về bảo quản nên vắc xin sẽ được vận chuyển bằng đường hàng không, giúp gia tăng sản lượng hàng hóa tại các cảng trong 2-3 năm tới. 

Tại sân bay Tân Sơn Nhất, SCS và TCS sẽ là hai đơn vị nhà ga hàng không tham gia và chuỗi cung ứng, nhưng BVSC đánh giá triển vọng đối với SCS sẽ lớn hơn do yếu tố về công nghệ và công suất.

Tháng 12/2020, SCS đã bắt đầu xây dựng mở rộng kho lạnh trên khu đất với diện tích 380 m2 (tổng mức đầu tư là 310.000 USD), dự kiến hoàn thành trong tháng 3/2021 để nắm bắt nhu cầu gia tăng về lưu trữ và phân phối vắc xin, trong khi các kho hàng của TCS đã hoạt động vượt công suất từ lâu.

BVSC: Tham gia vào chuỗi cung ứng vắc xin COVID-19 tạo động lực tăng trưởng mới cho SCS - Ảnh 1.

Nguồn: BVSC

BVSC cho rằng với giá dịch vụ kho lạnh cao gấp 3-4 lần so với hàng thường (vắc xin sẽ đắt hơn), cùng với sự hồi phục của sản lượng hàng hóa quốc tế, sẽ khiến giá dịch vụ trung bình (ASP) tăng 2% lên 3.130 đồng/kg.

Trong năm 2022, các lô vắc xin tiếp tục được nhập về với số lượng lớn, đồng thời dự báo các chuyến bay quốc tế được khai thác trở lại khiến sản lượng hàng hóa quốc tế tăng trưởng mạnh, giúp giá dịch vụ trung bình tăng lên 4% so với năm 2021.

Nguồn doanh thu mới từ khu văn phòng số 2

Báo cáo của BVSC cho biết khu tòa văn phòng do SCS khai thác hiện tại đã được cho thuê hết công suất từ năm 2018, với doanh thu đạt khoảng 42 tỷ đồng/năm. 

Trong thời gian tới, công ty có kế hoạch xây tiếp khu văn phòng số 2 trên khu đất với diện tích là 14.000 m2 (gấp đôi diện tích của khu văn phòng hiện tại là 7.200 m2) trong nửa cuối năm 2021 và đầu 2022. 

Giá thuê hiện tại là 16-17 USD/m2/tháng và có xu hướng gia tăng do sự khan hiếm mặt bằng cho thuê văn phòng tại khu vực sân bay Tân Sơn Nhất. 

Với kỳ vọng tỷ lệ lấp đầy là 25% trong vòng một năm sau khi hoàn thành, BVSC dự kiến tòa văn phòng mới sẽ đóng góp thêm khoảng hơn 20 tỷ đồng (tương ứng 3% tổng doanh thu năm 2020 của SCS).

Hoàng Kiều