Đề nghị giao các hãng hàng không Việt Nam vận chuyển chính vắc xin COVID-19
Cục trưởng Cục Hàng không Việt Nam Đinh Việt Thắng vừa gửi văn bản kiến nghị với Bộ Giao thông vận tải về các biện pháp giúp nâng cao hiệu quả phòng chống dịch dịch COVID-19.
Cụ thể, Cục Hàng không đề nghị ưu tiên tiêm vắc xin đợt 1 cho các nhân viên làm thủ tục hành khách, nhân viên phục vụ vận chuyển hàng hóa, tiếp viên, phi công, kiểm soát viên không lưu vì đây là nhóm nhân sự tiếp xúc trực tiếp với hành khách, hành lý, hàng hóa có nguy cơ cao lây nhiễm virus SARS-CoV-2.
Ngoài ra, để đảm bảo kế hoạch và sớm vận chuyển vắc xin phòng COVID-19 về Việt Nam, Cục Hàng không cũng đề nghị giao cho các hãng bay trong nước đảm nhiệm chính trong các đợt vận chuyển vắc xin của Chính phủ.
Trước đó vào ngày 1/2/2021, Bộ Y tế đã ban hành Quyết định số 983 phê duyệt có điều kiện vắc xin AstraZeneca cho nhu cầu cấp bách trong phòng chống đại dịch. Đây là vắc xin COVID-19 đầu tiên được Bộ Y tế cấp phép lưu hành tại Việt Nam.
Ngày 15/2 vừa qua, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cũng đã cấp phép sử dụng vắc xin của AstraZeneca trong điều kiện khẩn cấp. Trước đó mới chỉ có một loại vắc xin COVID-19 khác được WHO cấp phép là loại của Pfizer-BioNTech.
Lãnh đạo Bộ Y tế cho biết phía AstraZeneca sẵn sàng cung cấp cho Việt Nam 30 triệu liều vắc xin trong 6 tháng đầu năm 2021, đủ dùng cho 15 triệu dân, mỗi người hai liều.
Theo báo Sức khoẻ và Đời sống, 204.000 liều vắc xin AstraZeneca đầu tiên đã được cấp phép nhập khẩu, dự kiến sẽ về Việt Nam vào ngày 28/2 tới. Bên cạnh đó, khoảng 4,88 triệu liều vắc xin thông qua cơ chế COVAX dự kiến sẽ về tới Việt Nam cùng khoảng thời gian trên.
Như vậy vào cuối tháng 2, Việt Nam sẽ có khoảng hơn 5 triệu liều vắc xin để tiêm mũi thứ nhất.
Nếu được giao vận chuyển vắc xin COVID-19 về Việt Nam, các hãng hàng không nước ta sẽ có thêm nguồn thu trong bối cảnh nhu cầu đi lại của hành khách còn thấp.
Trong báo cáo phân tích mới đây, CTCP Chứng khoán BIDV (BSC) dự báo sản lượng vận tải hàng hóa bằng đường hàng không của Việt Nam năm 2021 đạt 1,45 triệu tấn, tăng 11,5% so với mức 1,3 triệu tấn của năm 2020 và tương đương 94% so với mức năm 2019 khi chưa có đại dịch.
Dự báo này được BSC đưa ra dựa trên ba kỳ vọng. Thứ nhất, xu hướng dịch chuyển dây chuyền sản xuất sang Việt Nam sẽ thúc đẩy hoạt động xuất khẩu linh kiện điện tử qua đường hàng không. Thứ hai, kinh tế toàn cầu phục hồi, sẽ kéo theo nhu cầu vận tải hàng hóa quay trở lại. Thứ ba, nhu cầu vận chuyển vắc xin trong quý I và II.
Việc tiêm chủng rộng rãi cũng giúp tạo ra miễn dịch cộng đồng, đưa nhu cầu vận tải hành khách sớm trở lại mức trước đại dịch.
Theo báo cáo tài chính hợp nhất năm 2020, Tổng Công ty Hàng không Việt Nam (Vietnam Airlines - Mã: HVN) lỗ sau thuế 11.098 tỷ đồng trong khi năm trước lãi hơn 2.500 tỷ đồng, CTCP Hàng không Vietjet (Mã: VJC) lãi ròng 70 tỷ đồng trong khi năm trước lãi hơn 3.800 tỷ đồng.
CTCP Hàng không Tre Việt (Bamboo Airways) không công bố báo cáo tài chính nhưng thông báo lãi trước thuế 400 tỷ đồng, tăng gần 34% so với con số 303 tỷ đồng của năm 2019.
Vắc xin COVID-19 do AstraZeneca bào chế có ưu điểm là có thể được lưu trữ, vận chuyển và xử lý ở nhiệt độ lạnh bình thường (từ 2 đến 8 độ C) trong ít nhất 6 tháng và có thể được tiêm trong điều kiện tại các cơ sở y tế thông thường. Tỷ lệ phòng bệnh hiệu quả khoảng 70%.
Trong khi đó, vắc xin của Pfizer-BioNTech đòi hỏi nhiệt độ bảo quản thấp tới âm 70 độ C, gây ra rất nhiều khó khăn cho quá trình vận chuyển và bảo quản. Những hàng hàng không và cơ sở y tế không có kho lạnh sâu chuyên dụng sẽ không thể xử lý loại vắc xin này. Tỷ lệ phòng bệnh hiệu quả khoảng 95%.