|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Doanh nghiệp

Cổ phiếu hàng không trông cậy vào vắc xin

16:38 | 17/02/2021
Chia sẻ
Hoạt động của ngành hàng không Việt Nam có thể phải mất ba năm nữa mới có thể quay lại mức trước đại dịch COVID-19 và triển vọng phục hồi sẽ phụ thuộc nhiều vào tiến độ triển khai vắc xin trên quy mô đại trà.
Doanh nghiệp hàng không trông cậy vào vắc xin - Ảnh 1.

Hàng không Việt Nam chật vật trong năm 2020. (Ảnh minh họa: Song Ngọc).

Thế khó của ngành hàng không và hỗ trợ của Nhà nước

Cục Hàng không Việt Nam cho biết trong năm 2020 vừa qua, sản lượng điều hành bay của nước ta đạt 340.000 chuyến, giảm 32% so với năm 2019. Sản lượng thông qua các cảng hàng không Việt Nam đạt 66 triệu khách và 1,3 triệu tấn hàng hóa, giảm lần lượt 43,5% và 14,7%.

Các hãng hàng không trong nước bao gồm Vietnam AirlinesVietjet Air, Pacific Airlines, Vasco và Bamboo Airways khai thác tổng cộng 216.597 chuyến bay, sụt gần 34% so với năm 2019. 

Trong tháng đầu năm 2021, các hãng thực hiện 19.295 chuyến bay, giảm hơn 44% so với cùng kỳ 2020. Tháng 1 vừa qua, ngành hàng không Việt Nam cũng đón chào một tay chơi mới gia nhập là Vietravel Airlines. Hiện nay đội bay của Vietravel gồm ba chiếc A320, đã khai thác 68 chuyến bay trong tháng đầu vận hành.

Cổ phiếu hàng không trông cậy vào vắc xin - Ảnh 2.

Nhà nước đã tung ra nhiều biện pháp hỗ trợ, chẳng hạn như giảm 50% giá dịch vụ cất cánh, hạ cánh tàu bay và giá dịch vụ điều hành bay đi, đến đối với các chuyến bay nội địa từ 1/3 đến 30/9/2020.

Ngày 27/7/2020, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho phép giảm 30% mức thuế bảo vệ môi trường đối với nhiên liệu bay từ 3.000 còn 2.100 đồng/lít, áp dụng từ 1/8 đến hết 31/12/2020. Đầu năm nay, thời hạn áp dụng mức thuế ưu đãi nói trên được kéo dài tới hết 31/12/2021.

Riêng Vietnam Airlines còn được Nhà nước cho phép vay ưu đãi 4.000 tỷ đồng và phát hành thêm cổ phần để huy động 8.000 tỷ đồng.

Ông Phạm Văn Hảo – Phó Cục trưởng Cục Hàng không Việt Nam cho biết: "Các doanh nghiệp hàng không trong nước vẫn thường xuyên trao đổi với các cơ quan quản lý Nhà nước để chúng tôi có thể tìm các giải pháp ngay tức thời với hoạt động hàng ngày, ví dụ như tổ chức lại việc điều phối slot. Hàng ngày hoặc hàng tuần chúng tôi đều họp để xem xét điều chỉnh lịch bay cho các hãng, sao cho tận dụng được hết quỹ slot để kết nối các vùng miền hiệu quả nhất".

"Dự kiến, thị trường hàng không sẽ mất tới ba năm mới phục hồi về mức như năm 2019," ông Hảo nhận định.

Doanh nghiệp hàng không trông cậy vào vắc xin - Ảnh 3.

Ông Phạm Văn Hảo - Phó Cục trưởng Cục Hàng không Việt Nam. (Ảnh: Song Ngọc).

Trong báo cáo phân tích gần đây, Chứng khoán Bản Việt (VCSC) nhận định ngành hàng không sẽ dần phục hồi trong năm 2021. Tuy nhiên, quá trình hồi phục sẽ phụ thuộc cao vào sự thành công của việc triển khai vắc xin COVID-19. 

Số lượng hành khách và sản lượng vận chuyển hành khách hàng không sẽ chỉ quay về mức trước dịch lần lượt vào năm 2023 và 2024, VCSC dự báo.

Trong năm 2020, mỗi lần làn sóng dịch COVID-19 được khống chế và các biện pháp hạn chế được nới lỏng, vận chuyển hàng không trong nước lại phục hồi mạnh theo hình chữ V. Vì vậy có thể khẳng định việc kiểm soát dịch bệnh có tác động quyết định tới hoạt động của các hãng bay.

Doanh nghiệp hàng không trông cậy vào vắc xin - Ảnh 4.

Theo Hiệp hội Vận tải Hàng không Quốc tế (IATA), tổng sản lượng khách luân chuyển toàn cầu tính theo RPK (revenue passenger kilometers) trong năm 2020 sụt giảm tới 65,9% so với năm 2019 khi chưa có đại dịch. Trong đó, ngành hàng không quốc tế sụt 75,6%, hàng không nội địa giảm 48,8%. 

Năm 2021 nhiều thách thức, ngành hàng không phải chờ vắc xin

IATA dự báo 2021 sẽ tiếp tục là một năm thất bát với ngành hàng không thế giới. Theo dự báo lạc quan nhất của IATA, sản lượng khách luân chuyển năm 2021 sẽ chỉ bằng khoảng 50% so với năm 2019. 

Nếu các biến thể virus SARS-CoV-2 tiếp tục lây lan và dịch bệnh diễn biến phức tạp, hoạt động hàng không năm 2021 sẽ chỉ tăng 13% so với năm 2020 và tương đương 38,5% so với năm 2019.

Doanh nghiệp hàng không trông cậy vào vắc xin - Ảnh 5.

Chứng khoán SSI cũng cho rằng triển vọng của ngành hàng không Việt Nam sẽ cải thiện khi vắc xin được triển khai trên quy mô lớn - điều này có thể chỉ xảy ra từ nửa cuối năm 2021. Thị trường nội địa nhiều khả năng sẽ vẫn là sân chơi trọng tâm của các hãng hàng không trong năm 2021.

Thị trường quốc tế sẽ phục hồi thực sự từ năm 2022. Theo SSI, trong năm 2021, chiến lược của các hãng hàng không có thể sẽ tập trung tối đa hóa thị trường nội địa bằng cách mở thêm đường bay, cung cấp nhiều dịch vụ giá trị trên chuyến bay và tạo ra nhiều sự lựa chọn về giá hơn cho hành khách.

Lợi nhuận có khả năng phục hồi, nhưng có thể ở mức âm đối với tất cả các hãng hàng không vì các yếu tố tải và sản lượng dự kiến sẽ vẫn ở mức thấp trong năm 2021. 

Theo kịch bản cơ sở của SSI, ngành hàng không sẽ ghi nhận mức lỗ bằng khoảng một nửa của năm 2020 tại công ty mẹ và sản lượng hành khách trong nước phục hồi lên mức năm 2019, tương đương 75 triệu lượt khách. Lượng hành khách quốc tế dự kiến sẽ ở mức thấp 12 triệu lượt (đạt khoảng 34% mức trước COVID).

Chứng khoán BSC cũng dự báo sản lượng hành khách nội địa sẽ đạt 74 triệu lượt, bằng với mức năm 2019 nhờ ba lý do. Thứ nhất, Việt Nam sẽ tiếp tục kiểm soát tốt dịch bệnh. Thứ hai, các hãng hàng không duy trì chính sách giảm giá, ưu đãi, do đó giá vé bình quân sẽ ở mức thấp. Và thứ ba, các gói kích cầu của Chính phủ, cộng thêm xu hướng "du lịch bù" khi các đường bay quốc tế chưa mở lại, sẽ thúc đẩy người dân du lịch nội địa.

BSC cho rằng sớm nhất phải đến nửa sau năm 2021 thì các đường bay quốc tế mới được mở lại nhờ việc các quốc gia Đông Nam Á và Đông Bắc Á đang tích cực sản xuất, thu mua vắc xin, qua đó giúp kiểm soát dịch tốt hơn.

Tuy nhiên việc bay nước ngoài cũng đối mặt với nhiều trở ngại như một số quốc gia tái bùng phát dịch bệnh và chi phí sàng lọc, xét nghiệm hành khách là rất lớn. "Do đó tiến độ phân phối vắc xin vẫn là kỳ vọng then chốt để mở lại đường bay", BSC nhận định.

Sản lượng hàng hóa năm 2021 được dự báo đạt 1,45 triệu tấn, tăng 11,5% so với mức 1,3 triệu tấn của năm 2020 và tương đương 94% so với mức năm 2019. Dự báo này được BSC đưa ra dựa trên kỳ vọng: (1) Xu hướng dịch chuyển dây chuyền sản xuất sang Việt Nam sẽ thúc đẩy hoạt động xuất khẩu linh kiện điện tử qua đường hàng không, (2) Kinh tế toàn cầu phục hồi, sẽ kéo theo nhu cầu vận tải hàng hóa quay trở lại; và (3) Nhu cầu vận chuyển vắc xin trong quý I và II.

Tuy nhiên, BSC cho rằng đà phục hồi sản lượng hàng hóa sẽ bị kìm hãm trong nửa đầu năm 2021 do công suất vận tải bị giới hạn khi các chuyến bay thương mại quốc tế chưa hồi phục.

Doanh nghiệp hàng không trông cậy vào vắc xin - Ảnh 7.

Chứng khoán Rồng Việt (VDSC) thì ví sự ra đời của vắc xin COVID-19 như là "ánh sáng phía cuối con đường" của ngành hàng không.

Tốc độ phục hồi của ngành trong thời gian tới sẽ phụ thuộc vào thời gian hoàn thành chiến dịch tiêm chủng đại trà của các quốc gia và chính sách của Chính phủ Việt Nam. 

Trung Quốc được cho là sẽ sớm tiến hành tiêm chủng các loại vắc xin mà nước này tự sản xuất và đã được phê duyệt trong tháng 12/2020, nhiều quốc gia tại châu Á khác đã sẵn sàng cấp phép cho những loại vắc xin đã đặt hàng và có kế hoạch tiêm chủng trải dài trong quý I và quý II/2021.

Song Ngọc - Đức Quyền

Quốc hội đề nghị làm rõ thu thuế sàn TMĐT, cơ sở thường trú 'ảo'  nước ngoài bằng cách nào?
Trước đề xuất thu thuế thu nhập doanh nghiệp với sàn thương mại điện tử, cơ sở thường trú 'ảo' của doanh nghiệp nước ngoài, Cơ quan thẩm tra đề nghị làm rõ tính khả thi về phương thức thu thuế và những Hiệp định pháp lý có liên quan.