Thương hiệu ngành hàng không rớt thảm, doanh nghiệp bán lẻ tăng vù vù
Tạp chí Brand Finance mới đây đã công bố bảng xếp hạng 500 thương hiệu doanh nghiệp đáng giá nhất thế giới năm 2021. Báo cáo của Brand Finance cho thấy một số xu hướng đáng chú ý như:
1. Apple giành lại vị trí vô địch sau 5 năm vắng bóng. Giá trị thương hiệu của đại gia iPhone được Brand Finance ước tính ở mức 263 tỷ USD, nhảy vọt 87,4% so với một năm trước.
2. Thương hiệu Amazon đạt giá trị 254 tỷ USD, tăng trưởng thấp hơn Apple nên tụt từ số 1 xuống á quân.
3. Đại gia xe điện Tesla bứt phá mạnh mẽ nhất danh sách với thương hiệu tăng 158% lên 32 tỷ USD, tiến 105 bậc để vào vị trí thứ 42. Các nhãn hiệu xe truyền thống như Volkswagen, BMW, Toyota, Porche vẫn đứng trên Tesla nhưng mức tăng trưởng giá trị thương hiệu không đáng kể, thậm chí giảm nhẹ.
4. Các tên tuổi trong làng thương mại điện tử ghi nhận những bước tiến vượt bậc. Giá trị của Alibaba.com tăng hơn gấp đôi, từ 18,8 lên 39 tỷ USD. Một đại diện khác đến từ Trung Quốc là JD.com cũng tăng trưởng 82% lên 23,5 tỷ USD. Ông lớn bán lẻ truyền thống Walmart cũng được hưởng lợi nhờ đẩy mạnh giao hàng tại nhà trong đại dịch và tăng 6 bậc trên bảng xếp hạng.
5. Các thương hiệu truyền thông cũ phải nhường bước cho các dịch vụ phát video phất lên trong thời kỳ phong tỏa. CBS giảm 49% giá trị, còn 5,9 tỷ USD. Netflix thăng 8 bậc, giá trị tăng 8,7%.
6. Nhóm doanh nghiệp hàng không chịu thiệt hại rõ rệt nhất. Trong số 10 thương hiệu sa sút giá trị mạnh nhất, ngành hàng không đóng góp tới 6 cái tên.
7. Các doanh nghiệp nhà hàng, khách sạn cũng tổn thất không ít. Marriott và Airbnb biến mất khỏi top 500. Starbucks, McDonald's, và KFC đều chứng kiến giá trị thương hiệu giảm sút.
8. WeChat - ứng dụng nhắn tin của Trung Quốc – vượt qua Ferrari để trở thành thương hiệu mạnh nhất với điểm số 95,4/100, theo đánh giá của Brand Finance.
9. Việt Nam có một đại diện duy nhất góp mặt trong top 500 là Viettel. Năm nay, thương hiệu của Tập đoàn Công nghiệp Viễn thông Quân đội được xếp hạng 325, tăng 32 bậc so với một năm trước.
Tác động của dịch COVID-19 tới giá trị thương hiệu doanh nghiệp được thể hiện rõ ràng nhất ở ngành hàng không.
Cụ thể, hãng chế tạo tàu bay Boeing giảm 40% còn 13,6 tỷ USD, hãng hàng không American Airlines cũng sụt 40% còn 5,3 tỷ USD, United Airlines giảm 39% còn 5 tỷ USD, Delta Air Lines mất 38% còn 5,8 tỷ USD, đối thủ của Boeing ở châu Âu là Airbus cũng giảm giá trị thương hiệu 36% còn 9,1 tỷ USD, hãng cung cấp thiết bị hàng không Safran giảm 32% còn 4,3 tỷ USD.
Hiệp hội Vận tải Hàng không Quốc tế (IATA) cho biết tổng sản lượng khách luân chuyển toàn cầu tính theo RPK (revenue passenger kilometers) trong năm 2020 sụt giảm tới 65,9% so với năm 2019 khi chưa có đại dịch. Trong đó, ngành hàng không quốc tế sụt 75,6%, hàng không nội địa giảm 48,8%.
Năm 2021, thị trường có thể hồi phục nhờ quá trình triển khai vắc xin ở nhiều nước nhưng sản lượng khách luân chuyển có thể vẫn chỉ bằng khoảng 40 - 50% so với năm 2019.
Boeing lâm vào khó khăn trong suốt hai năm qua sau khi dòng máy bay chủ lực 737 Max bị cấm bay vì hai vụ tai nạn chết người liên tiếp. Đại dịch ập đến khiến cho nhu cầu máy bay giảm sút, Boeing lại càng thêm khổ sở.
Năm 2019, Boeing lỗ 636 triệu USD. Bước sang năm 2020, số lỗ bùng lên thành 11,9 tỷ USD, doanh thu giảm 24% còn 58 tỷ USD.
Sau một thời gian dài điều tra nguyên nhân, khắc phục và thử nghiệm, dòng tàu bay 737 Max đã bắt đầu được cất cánh trở lại. Boeing hy vọng hoạt động của công ty trong thời gian tới sẽ khởi sắc hơn.
Tuy nhiên, ngày 9/1, một máy bay Boeing 737-500 của hãng hàng không Sriwijaya Air (Indonesia) mất liên lạc vài phút sau khi cất cánh từ thủ đô Jakarta và lao xuống biển, toàn bộ 62 người trên máy bay đều thiệt mạng. Vì vậy, những rắc rối của Boeing có thể sẽ còn tiếp diễn và trầm trọng hơn.
Trái ngược với xu thế chung của ngành, hai hãng sản xuất thiết bị hàng không là Raytheon Technologies và BAE Systems ghi nhận giá trị thương hiệu tăng lần lượt 19% và 18% trong năm qua.
Raytheon đã phải thực hiện nhiều cải cách về cấu trúc trong 12 tháng gần đây, bao gồm vụ sáp nhập với United Technologies cũng như thoái vốn khỏi một số lĩnh vực kinh doanh. BAE Systems tiếp tục ký được những hợp đồng với giá trị cực kỳ cao, tổng cộng 7,6 tỷ USD trong năm 2019 – gần gấp đôi năm 2018.
Ông David Haigh – CEO của Brand Finance nhận xét: "Hiếm có lĩnh vực nào lại bị đại dịch đánh đòn đau như ngành hàng không. Các doanh nghiệp hàng không vốn dĩ chẳng xa lạ gì với gian khó, từ vụ khủng bố 11/9/2001 đến cuộc khủng hoảng tài chính 2008 và những tranh cãi về phát thải khí nhà kính. Con đường hồi phục của ngành hàng không phụ thuộc vào quá trình triển khai nhanh chóng và thành công vắc xin COVID-19 để các nước mở cửa biên giới và tái kích hoạt nền kinh tế toàn cầu".
Tuy Amazon để mất ngôi đầu vào tay Apple nhưng giá trị thương hiệu của đại gia thương mại điện tử này cũng tăng tới 15% lên 254 tỷ USD, vững vàng ở ngôi vị thứ 2. Google đứng ở vị trí thứ ba, kém Amazon 63 tỷ USD.
Đối thủ của Amazon đến từ Trung Quốc là Alibaba.com cũng được hưởng lợi từ xu hướng tiêu dùng tăng cao trong đại dịch. Giá trị thương hiệu của gã khổng lồ châu Á này tăng tới 108% trong năm vừa qua, nhanh thứ 2 trong bảng xếp hạng, chỉ sau Tesla.
Các thương hiệu con của Alibaba như Taobao và Tmall cũng thành công không kém khi giá trị tăng trưởng lần lượt 44% và 60%.
JD.com – một cái tên Trung Quốc khác – ghi nhận số khách hàng tăng 30% và giá trị thương hiệu vọt lên 82% trong năm qua.
Đại diện đến từ Nhật Bản – Rakuten – cũng tăng tới 155 bậc trên bảng xếp hạng của Brand Finance. Zalando – thương hiệu bán lẻ trực tuyến của Đức – tái gia nhập top 500 sau hai năm vắng mặt.
Các tập đoàn bán lẻ truyền thống nhanh nhạy trong ứng dụng công nghệ để tăng cường giao hàng tại nhà cũng sống khỏe trong thời dịch. Giá trị thương hiệu Walmart tăng 20% và nhảy lên 6 bậc. Năm tài chính vừa qua, Walmart báo cáo lợi nhuận ròng 13,51 tỷ USD, giảm 9,2% so với năm trước; doanh thu đạt 559 tỷ USD, tăng 6,8%.
Trong năm 2020, Walmart đã thuê hơn 400.000 nhân công để sắp xếp hàng hóa và phục vụ các đơn hàng online.
Chiến thuật trên cũng đã chứng minh được sự hiệu quả cho các doanh nghiệp bán lẻ khác như Target (thương hiệu tăng 30% lên 20,7 tỷ USD), Dollar General (tăng 28% lên 9,6 tỷ USD), và Costco (tăng 28% lên 28,9 tỷ USD). Ở châu Âu, thương hiệu E.Leclerc và El Corte Inglés cũng đi lên lần lượt 27% và 19%.
Các kỳ nghỉ bị hủy bỏ, các chuyến công tác cũng bị hạn chế, nhiều người phải làm việc từ nhà. Tất cả đã khiến cho ngành dịch vụ lưu trú gần như phải đóng cửa hoàn toàn
Thương hiệu khách sạn giá trị nhất thế giới, Hilton, chứng kiến thương hiệu của mình giảm 30% giá trị xuống còn 7,6 tỷ USD. Mặc dù vậy, Hilton vẫn dự kiến bổ sung thêm 17.400 phòng vào hệ thống của mình.
Đối thủ của Hilton là Marriott còn biến mất khỏi bảng xếp hạng thương hiệu năm nay sau khi mất hơn một nửa giá trị.
Các nền tảng đặt phòng trực tuyến cũng chịu chung số phận. Booking.com tụt 43 hạng, giá trị thương hiệu giảm 19%. Cái tên Airbnb rời khỏi danh sách top 500 sau khi mất 2/3 giá trị.
Ở nhóm nhà hàng, thương hiệu Starbucks giảm 6% còn 38,4 tỷ USD, McDonald's và KFC cũng giảm lần lượt 10% và 12% còn 33,8 tỷ và 15,1 tỷ USD. Đại dịch khiến nhiều nhà hàng phải đóng cửa và giãn cách, chưa biết khi nào mới có thể quay lại bình thường được.
Thói quen của người tiêu dùng đang thay đổi theo hướng mua qua mạng và giao hàng tận nhà. Vì vậy những doanh nghiệp thích ứng nhanh với xu thế mới sẽ được hưởng lợi. Chẳng hạn, Domino's Pizza chỉ bán hàng mang đi (takeaway) và ghi nhận giá trị trương hiệu tăng trưởng 7% lên mức 6,1 tỷ USD.