Vietnam Airlines thay đổi cách tính khấu hao, giảm lỗ hơn 2.800 tỷ đồng
Tổng Công ty Hàng không Việt Nam (Vietnam Airlines – Mã: HVN) cho biết doanh thu thuần hợp nhất trong quý IV vừa qua đạt 8.202 tỷ đồng, giảm 2/3 so với cùng kỳ 2019; lỗ sau thuế 422 tỷ đồng.
Lũy kế cả năm 2020, Vietnam Airlines ghi nhận doanh thu 40.613 tỷ đồng, giảm 59% so với 2019; lỗ sau thuế xấp xỉ 11.100 tỷ đồng, trong đó cổ đông công ty mẹ gánh lỗ 10.845 tỷ đồng.
Lỗ thuần từ hoạt động kinh doanh cả năm là 11.605 tỷ đồng. Tại đại hội cổ đông bất thường tổ chức ngày 29/12/2020, ban lãnh đạo Vietnam Airlines ước tính số lỗ năm vừa qua khoảng 14.445 tỷ đồng, chênh lệch 2.840 tỷ đồng so với số chính thức vừa công bố trong báo cáo tài chính.
Sở dĩ có sự khác biệt này là do Vietnam Airlines đã được Chính phủ cho phép thay đổi cách tính khấu hao máy bay và phân bổ chi phí bảo dưỡng máy bay, động cơ theo số giờ khai thác thực tế thay vì theo phương pháp đường thẳng như các năm trước.
Năm 2020, trong bối cảnh COVID-19 hoành hành và nhiều lần phong tỏa, Vietnam Airlines Group (gồm ba hãng hàng không là Vietnam Airlines, Pacific Airlines và Vasco) khai thác tổng cộng 110.677 chuyến bay, giảm 34% so với năm trước. Vì vậy, việc tính khấu hao theo số giơ khai thác thực tế đã giúp làm giảm chi phí cho tổng công ty.
Đối thủ của Vietnam Airlines là Vietjet Air khai thác 77.476 chuyến bay trong năm 2020, giảm 44% so với năm trước. Trong báo cáo tài chính quý IV/2020, Vietjet vẫn đang trích khấu hao theo phương pháp đường thẳng, không thay đổi chính sách kế toán như Vietnam Airlines.
Quý cuối năm vừa qua, Vietjet ghi nhận lãi gộp 494 tỷ đồng, lợi nhuận bất thường 744 tỷ đồng và lãi sau thuế 995 tỷ đồng. Lũy kế cả năm 2020, Vietjet có lãi 70 tỷ đồng.
Để có nguồn vốn vượt qua giai đoạn khó khăn hiện nay, Vietnam Airlines sẽ chào bán cổ phiếu phổ thông mới cho tất cả cổ đông hiện hữu để huy động 8.000 tỷ đồng. Nhà nước sẽ ủy quyền cho Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn Nhà nước (SCIC) mua 86,19% số cổ phần HVN mới phát hành.
Thời gian phát hành dự kiến trong nửa đầu năm 2021 sau khi được Ủy ban Chứng khoán và các cơ quan chức năng chấp thuận. Giá phát hành có thể sẽ bằng với mệnh giá (10.000 đồng/cp) hoặc bằng giá trị sổ sách vào thời điểm cuối năm 2019 (khoảng 13.500 đồng/cp).
Ngoài ra, Vietnam Airlines còn được phép vay ưu đãi 4.000 tỷ đồng từ các tổ chức tín dụng không thuộc diện kiểm soát đặc biệt. Sau đó các tổ chức tín dụng này sẽ được vay tái cấp vốn từ Ngân hàng Nhà nước Việt Nam mà không cần thế chấp, tổng giá trị tái cấp vốn 4.000 tỷ đồng, lãi suất tái cấp vốn 0%.
Theo Chứng khoán HSC, lãi suất ưu đãi mà Vietnam Airlines được hưởng có thể chỉ khoảng 1-2%/năm. Chênh lệch giữa lãi suất vay ưu đãi và lãi vay VND ngắn hạn thấp nhất của Vietnam Airlines hiện tại sẽ được vốn hóa, tức là quy đổi thành cổ phần HVN và tăng tỷ lệ sở hữu của cổ đông.