|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

Việt Nam tạo ra 1.200 tỷ USD giá trị GDP trong 5 năm, đặt mục tiêu cao hơn về phát triển kinh tế giai đoạn tới

18:21 | 28/12/2020
Chia sẻ
Thủ tướng cho biết Chính phủ đặt mục tiêu phấn đấu tăng trưởng GDP năm 2021 là 6,5% và đặt mức tăng cao hơn nữa trong các chỉ tiêu về kinh tế.

Việt Nam nằm trong top 10 quốc gia tăng trưởng cao nhất thế giới

Phát biểu khai mạc tại Hội nghị Chính phủ với các địa phương ngày 28/12, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh "đến thời điểm này có thể khẳng định chúng ta đã đạt được 'mục tiêu kép' trong phòng chống dịch COVID-19 và duy trì tăng trưởng kinh tế".

Việt Nam tạo ra 1.200 tỷ USD giá trị GDP trong 5 năm, đặt mục tiêu cao hơn về phát triển kinh tế giai đoạn tới - Ảnh 1.

(Ảnh: VGP).

Trong 5 năm qua, chúng ta đã cùng nhau tạo ra hơn 1.200 tỷ USD giá trị GDP. Riêng năm 2020, dù trong muôn vàn khó khăn bởi COVID-19 và sự suy thoái nghiêm trọng của kinh tế thế giới kể từ Đại suy thoái 1929-1932, kinh tế nước ta vẫn kiên cường duy trì tăng trưởng dương xấp xỉ gần 3%. 

Theo tính toán của IMF, quy mô kinh tế nước ta giờ đây đã đạt hơn 340 tỷ USD, đứng trong top 40 nền kinh tế lớn nhất thế giới, tương đương hoặc vượt qua một số nền kinh tế có trình độ phát triển cao trong khu vực, kể cả một số con hổ của Đông Á. 

Tạp chí Nhà Kinh tế của Anh xếp Việt Nam trong top 16 nền kinh tế mới nổi thành công nhất thế giới. Theo số liệu của WB, với tăng trưởng kinh tế bình quân 6,8%/năm trong giai đoạn 2016 - 2019, Việt Nam nằm trong top 10 quốc gia tăng trưởng cao nhất thế giới.

Người đứng đầu Chính phủ cho biết chúng ta cũng chứng kiến những con số tăng trưởng ấn tượng của nhiều địa phương mới nổi bên cạnh các địa phương truyền thống. Có thể nói, chính sự tăng trưởng bứt phá của các địa phương mới nổi là nhân tố truyền cảm hứng cho nhiều địa phương khác tự tin vượt lên chính mình.

Ở góc nhìn khác, tăng trưởng kinh tế nay đã không còn phụ thuộc nhiều vào riêng một thành phần kinh tế nào, dù là DNNN hay FDI, mà vai trò của kinh tế tư nhân đang từng bước được khẳng định là một động lực quan trọng của đất nước như tinh thần Nghị quyết 10 của Trung ương Khóa 12.

Về vấn đề việc làm, trong 5 năm qua, nền kinh tế nước ta đã tạo ra được hơn 8 triệu việc làm mới cho người dân, trong đó bao gồm những người đến tuổi lao động và cả những người bị mất việc làm trước đó.

Hiện thu nhập bình quân mỗi lao động đạt gần 5.000 USD một năm. Tính cả nhiệm kỳ qua, thu nhập bình quân của người dân chúng ta đã tăng gần 145%. 

Nông nghiệp tiếp tục khẳng định vai trò trụ đỡ của nền kinh tế. Công nghiệp chuyển biến theo chiều sâu với tỉ trọng hàng xuất khẩu qua chế biến tăng từ 65% năm 2016 lên 85% năm 2020; tỉ trọng xuất khẩu sản phẩm công nghệ cao tăng từ 23% lên 50% trong cùng kỳ. 

Bên cạnh kinh tế nhà nước tiếp tục giữ vai trò chủ đạo, chúng ta cũng vui mừng chứng kiến khu vực kinh tế tư nhân của Việt Nam ngày càng lớn mạnh trở thành mũi nhọn tại một số ngành/lĩnh vực kinh tế quan trọng. 

Thủ tướng nhắc đến việc mới đây một hãng định giá thương hiệu nổi tiếng của Anh đã định giá trị thương hiệu quốc gia của Việt Nam là 319 tỷ USD, tăng 29% so với năm ngoái, đưa Việt Nam lên vị trí thứ 33 (tăng 9 bậc) trong top 100 thương hiệu quốc gia giá trị nhất thế giới.

Thủ tướng cũng cho biết hệ thống tài chính của chúng ta đã lâu rồi mới tạo lập lại sự ổn định hiếm có như những năm qua. Thị trường chứng khoán tăng trưởng đạt điểm kỷ lục lịch sử với 1.200 điểm vào tháng 4/2018. Quy mô vốn hóa thị trường đạt trên 100% GDP, trong đó cổ phiếu đạt gần 70% GDP, giúp bổ sung thêm khoảng trên 120 tỷ USD vào tài sản quốc gia so với cách đây 5 năm. 

Đặt mục tiêu cao hơn cho các chỉ tiêu kinh tế - xã hội

Việt Nam tạo ra 1.200 tỷ USD giá trị GDP trong 5 năm, đặt mục tiêu cao hơn về phát triển kinh tế giai đoạn tới - Ảnh 2.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu khai mạc Hội nghị. (Ảnh: Thống Nhất/TTXVN).

Dự thảo Văn kiện Đại hội Đảng lần thứ 13 đặt mục tiêu đến năm 2025, nước ta là nước đang phát triển có công nghiệp theo hướng hiện đại, vượt qua mức thu nhập trung bình thấp.

Đến năm 2030, kỷ niệm 100 năm thành lập Đảng, Việt Nam là nước đang phát triển có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao.

Đến năm 2045, kỷ niệm 100 năm thành lập Nước, Việt Nam rở thành nước phát triển, thu nhập cao.

Thủ tướng cho biết Nghị quyết về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của Quốc hội đặt mục tiêu tăng trưởng GDP năm 2021 khoảng 6%, lạm phát khoảng 4%, cùng 10 chỉ tiêu kinh tế - xã hội khác. 

"Những chỉ tiêu này được xây dựng trên cơ sở đã tính toán, cân đối các nguồn lực gắn với bối cảnh dự báo cho năm 2021, nhất là tình hình COVID-19 trong nước và thế giới.

Mặc dù để đạt được mục tiêu này là rất thách thức, nhưng với quyết tâm chính trị cao, Chính phủ đặt mục tiêu phấn đấu trong điều hành GDP 2021 thêm ít nhất 0,5 điểm phần trăm, lên mức 6,5% và đặt quyết tâm cao hơn cho các chỉ tiêu kinh tế - xã hội khác", Thủ tướng nhấn mạnh.

Anh Đào

Chủ tịch Vingroup Phạm Nhật Vượng khẳng định không buông bỏ VinFast và cá nhân tiếp tục hỗ trợ 1 tỷ USD
Theo quan điểm của Chủ tịch Vingroup Phạm Nhật Vượng, VinFast là dự án làm vì trách nhiệm xã hội, muốn đóng góp cho đất nước một thương hiệu, top đầu về xe trên thế giới.