|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

Chính phủ đặt mục tiêu tăng trưởng GDP năm 2021 là 6,5%

09:59 | 28/12/2020
Chia sẻ
Tình hình năm 2021 có nhiều thách thức, song Chính phủ quyết tâm điều hành để nâng tăng trưởng GDP thêm 0,5 điểm phần trăm trong năm tới.

Sáng 28/12, Hội nghị Chính phủ với các địa phương chính thức khai mạc với quy mô toàn quốc. 

Phát biểu khai mạc Hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho biết, sự kiện không chỉ tổng kết năm 2020 mà còn nhìn lại cả 4 năm trước đó.

Chính phủ đặt mục tiêu tăng trưởng GDP năm 2021 là 6,5% - Ảnh 1.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu khai mạc Hội nghị. (Ảnh: VGP/Quang Hiếu).

Năm 2020 là năm thành công nhất của nhiệm kỳ

Nhớ lại 5 năm trước, khi Chính phủ bắt tay vào thực hiện kế hoạch phát triển KTHX 5 năm, nền kinh tế đối mặt nhiều khó khăn cả trong và ngoài nước.

"Sau 5 năm nhìn lại, đất nước ta thực sự tốt đẹp hơn bao giờ, tăng trưởng cao, mọi người dân được hưởng thành quả phát triển, niềm tin được củng cố… Chúng ta đảm nhận nhiều vai trò quan trọng trên trường quốc tế và khu vực, tổ chức thành công nhiều sự kiện quốc tế quan trọng", người đứng đầu Chính phủ nói.

Riêng năm 2020, dưới tác động của COVID-19, nhiều nước rơi vào suy thoái, Việt Nam là quốc gia hiếm hoi duy trì tăng trưởng dương, dịch bệnh được kiểm soát, bảo đảm an sinh xã hội. Đến thời điểm này, chúng ta đã đạt được mục tiêu kép trong phòng chống COVID-19 và duy trì tăng trưởng kinh tế.

“Mức độ thành công được xác định không chỉ bởi những gì chúng ta đã đạt được, mà bởi cả những trở ngại chúng ta đã vượt qua”, Thủ tướng nhấn mạnh. 

Thủ tướng cho rằng năm 2020 phải được xem là năm thành công nhất của nước ta trong 5 năm qua về tinh thần và ý chí vươn lên trong mọi khó khăn, thử thách. 

Bằng quyết tâm của toàn bộ hệ thống chính trị, sự đồng lòng của người dân và doanh nghiệp, chúng ta đã cùng nhau tạo ra hơn 1.200 tỷ USD GDP trong gần 5 năm, trên một nền tảng kinh tế vĩ mô ổn định.

Thủ tướng đề cập đến việc tạp chí The Economist tháng 8 năm 2020 đã xếp Việt Nam trong top 16 nền kinh tế mới nổi thành công nhất thế giới. Theo số liệu của Ngân hàng thế giới, với tăng trưởng kinh tế bình quân 6,8% một năm giai đoạn 2016-2019, Việt Nam nằm trong top 10 quốc gia tăng trưởng cao nhất.

Chính phủ đặt mục tiêu tăng trưởng GDP năm 2021 là 6,5% - Ảnh 2.

Tốc độ tăng GDP qua các năm 2011 - 2020. (Ảnh: VGP).

Thủ tướng nhấn mạnh, tăng trưởng bao trùm hơn rất nhiều. Tăng trưởng kinh tế cả nước có sự đóng góp từ tăng trưởng ấn tượng của nhiều địa phương mới nổi, đây là nhân tố truyền cảm hứng khác cho nhiều địa phương khác vượt lên chính mình. Tăng trưởng cũng không phụ thuộc nhiều vào riêng thành phần kinh tế nào.

Nhắc tới những thay đổi hiện nay trong bối cảnh thế giới và thời đại, Thủ tướng cho rằng Việt Nam chưa thể trong nhóm đứng đầu thế giới về thu nhập, nhưng hoàn toàn có thể đi đầu trong một số lĩnh vực. 

Riêng năm 2021, Thủ tướng cho biết, các chỉ tiêu cho năm 2021, trong đó tăng trưởng GDP khoảng 6%, đã được cân đối, tính toán trên nhiều yếu tố.

Tình hình có nhiều thách thức, song Chính phủ quyết tâm điều hành để nâng tăng trưởng GDP thêm 0,5 điểm phần trăm trong năm 2021.

Loạt dấu ấn nổi bật trong 5 năm qua

Báo cáo tóm tắt về  tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2020 và 5 năm 2016 - 2020; dự kiến nhiệm vụ thời gian tới, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình cho biết chúng ta đã tạo nhiều dấu ấn nổi bật trong 5 năm qua.

Chính phủ đặt mục tiêu tăng trưởng GDP năm 2021 là 6,5% - Ảnh 3.

Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình trình bày Báo cáo về tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2020 và 5 năm 2016-2020; dự kiến phương hướng, nhiệm vụ năm 2021. (Ảnh: VGP/Quang Hiếu).

Cụ thể, Việt Nam đã tập trung phòng chống, kiểm soát tốt dịch bệnh, tạo điều kiện thuận lợi cho phục hồi và phát triển kinh tế xã hội. 

Kinh tế vĩ mô ổn định, lạm phát được kiểm soát, chất lượng tăng trưởng được nâng lên, các cân đối lớn của nền kinh tế được cải thiện. 

Tốc độ tăng trưởng giai đoạn 2016 - 2019 bình quân 6,8%/năm. Mặc dù chịu ảnh hưởng nặng nề của dịch bệnh, nhưng tăng trưởng cả năm 2020 đạt 2,91%; là mức tăng trưởng cao hàng đầu thế giới. 

Năng suất lao động được cải thiện rõ nét, bình quân giai đoạn 2016 - 2020 tăng 5,8%/năm, cao hơn giai đoạn 2011 - 2015 (4,3%) và vượt mục tiêu đề ra (5%). 

Tỷ giá, thị trường ngoại hối khá ổn định; lãi suất có xu hướng giảm dần; cán cân thanh toán thặng dư;  hệ số tín nhiệm quốc gia được cải thiện. 

Thu NSNN năm 2020 đạt 96% dự toán. Cơ cấu lại NSNN đạt kết quả tích cực, tỷ trọng thu nội địa tăng lên 81,6% (giai đoạn 2011 - 2015 là 68,7%); tỷ trọng chi đầu tư phát triển tăng lên 27 - 28%, tỷ trọng chi thường xuyên giảm còn 62 - 63%. Bội chi NSNN và nợ công được kiểm soát trong giới hạn an toàn và giảm so với giai đoạn trước. Tổng vốn đầu tư toàn xã hội so với GDP đạt khoảng 33,4%. Tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu năm 2020 ước đạt 543,9 tỷ USD, xuất siêu 5 năm liên tiếp (năm 2020 ước đạt 19,1 tỷ USD). 

Các đột phá chiến lược được tập trung thực hiện và đạt những kết quả tích cực, đã hình thành hệ thống pháp luật khá đầy đủ, toàn diện. 

Cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng đạt nhiều kết quả. Vốn đầu tư công được tập trung cho những dự án trọng điểm; giải ngân vốn đầu tư công được chỉ đạo quyết liệt; vốn đầu tư từ NSNN thực hiện năm 2020 đạt cao nhất trong giai đoạn 2011-2020. 

Ngoài ra, phát triển văn hoá, xã hội đạt kết quả tích cực, an sinh xã hội cơ bản được bảo đảm, đời sống nhân dân tiếp tục được cải thiện. Quản lý tài nguyên, bảo vệ môi trường và ứng phó biến đổi khí hậu có những chuyển biến rõ nét. 

Bên cạnh đó, hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước được nâng lên; cải cách hành chính chuyển biến tích cực, môi trường kinh doanh được cải thiện; phòng chống tham nhũng được chỉ đạo quyết liệt. 

Quốc phòng, an ninh được tăng cường, chủ quyền quốc gia được giữ vững; đối ngoại và hội nhập quốc tế đạt nhiều kết quả quan trọng. Việt Nam đã ký kết và triển khai hiệu quả 14 hiệp định thương mại tự do. Ngoài ra, Việt Nam đảm nhiệm thành công nhiều cương vị quan trọng tại các diễn đàn, tổ chức quốc tế, khu vực.

"Khả năng chống chịu của nền kinh tế chưa thật vững chắc"

Chính phủ đặt mục tiêu tăng trưởng GDP năm 2021 là 6,5% - Ảnh 4.

(Ảnh: VGP).

Bên cạnh kết quả đạt được, Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình cho rằng chúng ta thẳng thắn nhìn nhận nước ta vẫn còn những tồn tại, hạn chế, bất cập. 

Tăng trưởng kinh tế năm 2020 không đạt kế hoạch đề ra do tác động của đại dịch COVID-19, dẫn đến tăng trưởng bình quân 5 năm 2016 - 2020 không đạt mục tiêu. Khả năng chống chịu của nền kinh tế chưa thật vững chắc; năng lực cạnh tranh và tính tự chủ còn hạn chế. 

Kết cấu hạ tầng chưa đáp ứng yêu cầu; đào tạo nguồn nhân lực còn bất cập về cơ cấu, số lượng và chất lượng; khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo chưa thực sự là động lực chính thúc đẩy năng suất lao động, năng lực cạnh tranh; cơ cấu lại gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng ở một số lĩnh vực hiệu quả chưa cao.

Kết quả giảm nghèo đa chiều chưa thực sự bền vững, khoảng cách phát triển giữa các vùng chậm được thu hẹp; việc thực hiện gói hỗ trợ người lao động, doanh nghiệp bị ảnh hưởng sâu bởi đại dịch COVID-19 chưa đạt yêu cầu đề ra; cải cách hành chính một số lĩnh vực còn bất cập; sắp xếp tổ chức bộ máy, tinh giản biên chế còn khó khăn.

Kỷ luật, kỷ cương trong một số cơ quan, đơn vị còn chưa nghiêm; còn tình trạng thiếu quyết liệt, đùn đẩy, né tránh trách nhiệm; bảo vệ chủ quyền quốc gia còn nhiều khó khăn, thách thức; tình hình tội phạm trên một số lĩnh vực, địa bàn diễn biến phức tạp; tham nhũng, lãng phí ở một số nơi còn chưa được phát hiện, xử lý kịp thời; khiếu kiện về đất đai còn những vụ việc phức tạp, kéo dài. 

Về phương hướng, nhiệm vụ năm 2021 và thời gian tới, Phó thủ tướng Trương Hòa Bình cho biết năm 2021, Việt Nam đặt mục tiêu GDP tăng khoảng 6%; CPI bình quân khoảng 4%; tỷ trọng đóng góp của năng suất các nhân tố tổng hợp (TFP) tăng trưởng khoảng 45-47%; năng suất lao động xã hội tăng khoảng 4,8%; tỷ lệ lao động qua đào tạo khoảng 66%...

“Nhiệm vụ của năm 2021 và thời gian tới là rất nặng nề, đòi hỏi các cấp, các ngành, cộng đồng doanh nghiệp và nhân dân cả nước cần tiếp tục đổi mới tư duy, hành động quyết liệt hơn, hiệu quả hơn, vượt qua khó khăn, biến thách thức thành cơ hội, tận dụng tốt các thành tựu của cách mạng công nghiệp lần thứ tư và xu hướng dịch chuyển đầu tư, thương mại, chuyển đổi số… để thực hiện thành công các mục tiêu, nhiệm vụ kế hoạch năm 2021”, Phó thủ tướng nhấn mạnh.

Qua đó, tạo nền tảng vững chắc cho việc thực hiện các mục tiêu, định hướng chiến lược phát triển đất nước trong 5 năm, 10 năm tới và hiện thực hóa khát vọng phát triển đến năm 2045 đưa Việt Nam trở thành nước phát triển, thu nhập cao theo tinh thần các Nghị quyết của Đảng, Quốc hội.

Anh Đào

S&P 500 tiến sát đỉnh khi thị trường tiếp tục lạc quan với chính sách của Tổng thống Trump
Nhóm cổ phiếu công nghệ đã dẫn dắt thị trường sau khi Tổng thống Trump công bố kế hoạch thu hút 500 tỷ USD đầu tư vào cơ sở hạ tầng AI tại Mỹ.