|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

6 mục tiêu kinh tế Việt Nam hướng đến năm 2021

08:18 | 23/12/2020
Chia sẻ
Năm 2021 là năm đầu tiên Việt Nam thực hiện Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm giai đoạn 2021-2030 và Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm giai đoạn 2021-2025. Bộ trưởng KH&ĐT đã chia sẻ 6 mục tiêu hướng đến tại Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam cuối kỳ năm 2020.
Bộ trưởng KH&ĐT chia sẻ 6 mục tiêu hướng đến năm 2021 - Ảnh 1.

Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam cuối kỳ năm 2020. (Ảnh: Bộ KH&ĐT).

Cổng thông tin Bộ KH&ĐT đưa tin, ngày 22/12, Bộ đã phối hợp với Tổ chức Tài chính quốc tế (IFC) và Ngân hàng Thế giới (WB) tổ chức Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam cuối kỳ năm 2020 với chủ đề: Thách thức và cơ hội trong trạng thái bình thường mới.

Theo Bộ trưởng Bộ KH&ĐT Nguyễn Chí Dũng, năm 2021 là năm đầu tiên Việt Nam thực hiện Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm giai đoạn 2021-2030 và Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm giai đoạn 2021-2025. 

Theo đó, Việt Nam đang hướng đến 6 mục tiêu, đó là tập trung hiệu quả mục tiêu vừa phòng chống dịch COVID-19 vừa phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội; thúc đẩy mạnh mẽ cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả sức cạnh tranh của nền kinh tế.

Tiếp đến, đẩy nhanh chuyển đổi số và phát triển bền vững nền kinh tế số, xã hội số, Chính phủ số; chú trọng nguồn nhân lực chất lượng cao gắn với phát triển khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo; cải cách thủ tục hành chính, tạo môi trường đầu tư kinh doanh thông thoáng, thuận lợi hơn nhằm khơi thông nguồn vốn cho đầu tư phát triển; đẩy mạnh các hoạt động đối ngoại và hội nhập quốc tế.

Bộ trưởng KH&ĐT chia sẻ 6 mục tiêu hướng đến năm 2021 - Ảnh 2.

Bộ trưởng Bộ KH&ĐT Nguyễn Chí Dũng. (Ảnh: Bộ KH&ĐT).

Phát biểu tại Diễn đàn, Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh cho biết, trong thời gian tới, để đồng hành và hỗ trợ tối đa cộng đồng doanh nghiệp khắc phục hậu quả của đại dịch COVID-19, vượt qua thách thức và tận dụng tốt nhất các cơ hội trong trạng thái bình thường mới, Chính phủ Việt Nam sẽ tiếp tục thực hiện nhất quán mục tiêu giữ vững ổn định chính trị xã hội, bình ổn kinh tế vĩ mô, tạo thuận lợi cho sản xuất kinh doanh, thúc đẩy tăng trưởng.

Cùng với đó, điều hành chủ động, linh hoạt chính sách tiền tệ gắn với chính sách tài khoá và các chính sách khác. Hỗ trợ các doanh nghiệp, bao gồm cả doanh nghiệp vừa và nhỏ, tiếp cận các nguồn vốn và cơ hội đầu tư, kinh doanh. Tiếp tục đẩy mạnh kích cầu tiêu dùng nội địa bằng các biện pháp phù hợp. Ưu tiên thúc đẩy chuyển đổi số, phát triển kinh tế số, Chính phủ số, coi đây là khâu đột phá trong phát triển nhanh, bền vững.

Chính phủ sẽ tăng cường khuyến khích đầu tư tư nhân, đầu tư trực tiếp nước ngoài, đầu tư vào hạ tầng cơ sở, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao để chủ động đón làn sóng đầu tư mới gắn với tham gia hiệu quả vào chuỗi giá trị toàn cầu và chuyển giao công nghệ tiên tiến, thân thiện với môi trường.

Tập trung đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến thương mại, đầu tư ở trong và ngoài nước bằng các hình thức mới nhằm tăng cường giới thiệu, quảng bá tiềm năng thị trường và sức hấp dẫn của nền kinh tế Việt Nam, qua đó giúp các doanh nghiệp mở rộng thị trường và mạng lưới đối tác thương mại, thu hút các dự án đầu tư có chất lượng cao.

Chu Lai