|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Hàng hóa

Dự báo năm 2021: Không phải vàng, bạc và đồng mới là kim loại quý có triển vọng sáng nhất năm

06:39 | 04/01/2021
Chia sẻ
Theo các nhà đầu tư Phố Main, bạc là kim loại quý mà họ đánh giá là triển vọng nhất trong năm 2021, theo sau là đồng và vàng.

Cuối năm 2020, 1.015 nhà đầu tư bán lẻ đã tham gia vào cuộc khảo sát trực tuyến về triển vọng ngành kim loại quý năm 2021 do Kitco News tổ chức.

Tổng cộng 568 nhà đầu tư Phố Main, tương đương 56%, cho biết họ kì vọng giá bạc sẽ tăng trưởng tốt hơn các kim loại khác trong năm 2021. Đây là năm thứ 5 liên tiếp mà bạc được dự đoán sẽ giữ ngôi vương thị trường kim loại quý.

Nhà đầu tư đánh giá bạc có triển vọng tăng giá khi kim loại quý này đã phục hồi ngoạn mục kể từ khi giảm xuống 12 USD/ounce dưới tác động của đại dịch COVID-19. Kể từ mức thấp này, giá bạc đã tăng hơn 115%.

Trong khi đó, giá vàng đã tăng khoảng 25% so với mức đáy hồi tháng 3 năm nay là 1.500 USD/ounce.

Dự báo thị trường kim loại quý năm 2021: Bạc sáng nhất, vàng lui về hạng ba và và cú lật kèo của đồng - Ảnh 1.

Khá nhiều nhà phân tích cũng nhận thấy giá bạc có thể vượt trội hơn so với giá vàng trong năm 2021. Môi trường lãi suất thấp, đồng USD yếu hơn và áp lực lạm phát gia tăng sẽ thúc đẩy cả vàng và bạc, vốn được coi là hai tài sản trú ẩn trong thời kì biến động.

Tuy nhiên, hoạt động kinh tế được cải thiện trong năm tới sẽ tạo thêm một yếu thuận lợi cho giá bạc, các nhà phân tích nhấn mạnh.

Kitco News dẫn lời một số nhà phân tích nhận thấy giá bạc có khả năng đánh bại mức cao nhất mọi thời đại là gần 49 USD/ounce. Song, hầu hết dự báo đều cho rằng giá bạc sẽ phục hồi vừa phải về mức hơn 30 USD/ounce.

Ngân hàng Canada CIBC có lẽ là một trong các tổ chức tài chính lạc quan nhất về triển vọng của giá bạc khi dự đoán trung bình trong năm tới, giá bạc có thể đạt khoảng 32 USD/ounce.

Bà Anita Soni, tác giả bản báo cáo triển vọng kim loại quý của CIBC, cho biết: "Dù giá bạc tăng trưởng tích cực từ đầu năm 2020 đến nay, kim loại này có thể khiến nhà đầu tư thất vọng do thị trường bạc tương đối nhỏ so với thị trường vàng".

Đồng "lật kèo", vượt trội hơn vàng

Đáng chú ý, nhà đầu tư tham gia khảo sát của Kitco News lại đánh giá đồng là tài sản triển vọng thứ hai trong năm 2021. Cụ thể, 161 người tham gia khảo sát (tương đương 16%) thấy đồng có thể tăng trưởng tốt trong năm tới.

Triển vọng của đồng được đưa ra khi giá kim loại này tiếp tục neo ở mức đỉnh 8 năm. Các nhà phân tích lưu ý rằng đồng đang hưởng lợi từ tình trạng mất cân bằng cung - cầu nghiêm trọng. Khi nền kinh tế toàn cầu bắt đầu phục hồi từ đại dịch, nhiều nhà phân tích dự báo nhu cầu đồng sẽ tăng vọt, trong khi nguồn cung dự kiến sẽ giảm.

Ông Michael Widmer, nhà phân tích hàng hóa tại Bank of America, cho hay: "Đại dịch COVID-19 tác động rõ rệt đến thị trường đồng, vì tình trạng sụt giảm nhu cầu ban đầu sẽ kéo theo sự gián đoạn nguồn cung kéo dài".

"Chúng tôi dự đoán thị trường sẽ tiếp tục thiếu hụt nguồn cung đồng trong năm 2021. Điều này cho thấy lượng hàng tồn kho vốn đã thấp có thể tiếp tục giảm, do đó giá đồng có thể giữ vững đà tăng", ông Widmer lý giải.

Giá vàng đứng ở vị trí thứ ba khi 140 nhà đầu tư, tương đương 14% tổng số người tham gia khảo sát, đánh giá vàng là tài sản tăng trưởng tốt nhất trong năm 2021.

Tâm lý trên thị trường vàng đang cực kì lạc quan, nhiều nhà phân tích kì vọng giá vàng sẽ thách thức mức đỉnh lịch sử ghi nhận hồi tháng 8/2020 là 2.000 USD/ounce. Vàng được dự đoán sẽ tăng trưởng tích cực vì lãi suất nhiều khả năng sẽ duy trì ở mức thấp cho đến năm 2023. Đồng thời, lạm phát có thể tăng khi nền kinh tế phục hồi.

Bạch kim là kim loại quý triển vọng thứ 4, với 109 nhà đầu tư (tương đương 10%) đặt cược vào nó. Ở vị trí cuối cùng là palladium, với 37 phiếu bầu (tương đương 4%). Trong khi nguồn cung palladium sẽ tiếp tục thu hẹp trong năm 2021 thì các nhà phân tích lại khá lạc quan về bạch kim khi nhu cầu cho kim loại quý này đang bắt đầu tăng lên.

Khả Nhân

Nhìn lại ngành chứng khoán Việt Nam sau 24 năm qua các làn sóng M&A (Phần 2)
Làn sóng M&A thứ nhất ngành chứng khoán Việt Nam sớm kết thúc và để lại kết quả không mấy khả quan, các tổ chức quốc tế lần lượt rời đi. Làn sóng M&A mới nổ ra với mô hình thâu tóm toàn bộ cổ phần, “thay tên đổi họ” với sự gia nhập của các tập đoàn Hàn Quốc và những định chế trong nước.