Nikkei: Bài toán cung - cầu khi xu hướng sống xanh khuấy động giá đồng và niken
Nhu cầu tăng cao
Chỉ trong tháng qua, thái độ của công chúng toàn cầu về giải quyết vấn đề biến đổi khí hậu đã thay đổi ngoạn mục.
Cuối tháng 10, Trung Quốc cho biết nước này có kế hoạch loại bỏ xe hơi sử dụng động cơ đốt trong truyền thống và toàn bộ xe mới bày bán vào năm 2035 đều là sản phẩm thân thiện với môi trường như xe điện và xe lai sạc điện (plug-in hybrid).
Tại Mỹ, hàng loạt hãng tin lớn dự đoán ông Biden là người chiến thắng cuộc bầu cử tổng thống năm nay. Nếu ông Biden trở thành tổng thống Mỹ, chính sách về môi trường của nền kinh tế lớn nhất thế giới sẽ xuất hiện thay đổi lớn sau khi Tổng thống Trump đưa Mỹ rút khỏi hiệp định Paris về biến đổi khí hậu. Thậm chí trước cuộc bỏ phiếu ngày 3/11, ông Biden đã cam kết chi khoảng 2.000 tỉ USD để theo đuổi năng lượng sạch.
Theo Nikkei Asia, hai ông lớn châu Á khác là Nhật Bản và Hàn Quốc cũng đã hứa sẽ giảm tổng lượng khí thải nhà kính xuống mức 0 vào năm 2050.
Để đạt được các mục tiêu trên, nhóm kim loại đóng vai trò là nền tảng của công nghệ "xanh" như đồng, niken và coban đương nhiên không thể vắng mặt.
Đồng, được dùng để chế tạo dây cáp điện, là vật liệu không thể thiếu trong xe điện và các loại máy phát năng lượng tái tạo như tấm pin mặt trời. Trong khi xe chạy nhiên liệu hóa thạch sử dụng khoảng 15 kg đồng thì mỗi xe điện được cho là dùng khoảng 90 kg đồng.
Niken và coban thường được dùng để chế tạo pin xe hơi nhằm đảm bảo sản phẩm an toàn và hoạt động ổn định. Nhôm giúp trọng lượng của xe hơi nhẹ và đi được chặng đường dài hơn. Cuối cùng, bạch kim thúc đẩy phản ứng hóa học của hidro và oxy, đóng vai trò như một chất xúc tác cho xe điện chạy nhiên liệu hidro hóa lỏng.
Công dụng mới | Công dụng thông thường | |
---|---|---|
Đồng | Cáp điện cho xe điện và máy phát năng lượng tái tạo | Cáp điện cho các công trình cơ sở hạ tầng |
Niken | Vật liệu catot cho pin xe hơi | Vật liệu thô cho thép không gỉ |
Coban | Pin xe hơi | Thép đặc biệt |
Nhôm | Vật liệu xe hơi | Vỏ lon nước, vật liệu xây dựng |
Bạch kim | Chất xúc tác cho xe điện chạy nhiên liệu hidro hóa lỏng | Chất xúc tác cho xe hơi chạy diesel |
Nguồn: Nikkei tổng hợp
Theo Nikkei, nhà đầu tư đang rất kì vọng rằng nhu cầu của thị trường đối với các kim loại trên sẽ tăng trưởng tốt.
Ông Masaru Shiomi, CFO của tập đoàn Sumitomo (đơn vị vận hành mỏ niken ở Madagascar), nhận định việc Trung Quốc theo đuổi các loại xe hơi thân thiện với môi trường là "rất tích cực".
Cũng theo ông Shiomi, xu hướng này sẽ "thúc đẩy tốc độ tăng trưởng của thị trường xe điện". "Giá trị của niken sẽ không giữ nguyên mà vẫn còn tăng lên", ông Shiomi nói thêm.
Giới chuyên gia ước tính, so với số liệu năm 2020 thì mức tiêu thụ niken cho pin xe điện sẽ tăng 10 lần lên khoảng 1 triệu tấn vào năm 2030, trong khi so với mốc của năm 2019 thì mức tiêu thụ đồng cho xe điện sẽ tăng gấp đôi lên 8,6 triệu tấn vào năm 2040.
Các thương nhân kinh doanh kim loại cho biết triển vọng trên đã thúc đẩy khách hàng tìm đến họ và đề nghị tăng mua hàng để đảm bảo đủ nguồn cung phục vụ sản xuất.
Nguồn cung đi xuống
Giá kim loại đã lao dốc sau siêu chu kì kéo dài từ cuối thập kỉ đầu tiên của thế kỉ 20 đến đầu những năm 2010 do nhu cầu của Trung Quốc tăng nhanh. Trong giai đoạn đó, các doanh nghiệp hầu như không triển khai dự án khai khoáng mới.
Do đó, thị trường kim loại lo ngại nguồn cung có thể bị thiếu hụt trong tương lai. Một thương nhân cho biết: "Chúng tôi ước tính nguồn cung đồng sẽ bị thâm hụt vào khoảng năm 2024".
Một thương nhân kinh doanh niken tại Nhật Bản cũng lo lắng rằng nguồn cung niken sẽ bị thiếu hụt vào giữa những năm 2020. Thậm chí, nếu doanh nghiệp triển khai dự án mới ngay bây giờ thì cũng phải mất ít nhất 5 hoặc 6 năm mới có thể tìm thấy kim loại.
Lo sợ về khả năng nguồn cung kim loại bị siết chặt không phải là không có căn cứ. Hàng loạt nhà đầu tư dự đoán dù nhu cầu kim loại sẽ tăng, số lượng dự án khai khoang mới trong tương lai gần là không nhiều.
"Môi trường khai khoáng ngày càng trở nên khó khăn", ông Takakazu Uchida, CFO của Mitsui & Co. cho hay. Ông Uchida còn cho biết thêm, tỉ lệ kim loại nguyên chất trong quặng ngày càng giảm, trong khi các mỏ hứa hẹn nhất lại nằm ở các khu vực khó đưa thiết bị khai thác lớn vào.
"10 năm trước, tỉ lệ kim loại nguyên chất trong quặng là khoảng 2%, bây giờ tỉ lệ này giảm một nửa xuống chỉ còn 1%", một thương nhân buôn bán kim loại bình luận.
Tại các nước sản xuất kim loại, nhận thức của người dân về vấn đề môi trường ngày càng được nâng cao, khiến chính phủ siết chặt các qui định khai thác. Chi phí giảm thiểu tác hại đối với môi trường do đó mà đè nặng lên vai các công ty khai thác quặng.
Rủi ro quốc gia và chủ nghĩa dân tộc về tài nguyên ngày càng lớn cũng là hai trong các mối lo khác. Ví dụ, vào tháng 1 năm nay, Indonesia đã cấm xuất khẩu quặng niken để mở rộng ngành công nghiệp luyện kim trong nước.
Coban, kim loại thường được dùng trong pin xe hơi, phải đối mặt với rủi ro đặc biệt lớn các nước vì 70% nguồn cung toàn cầu là từ Cộng hòa Dân chủ Congo. Coban là một trong các kim loại đắt nhất hiện nay.
Tính đến giữa tháng 11, coban có giá khoảng 16 USD/pound, tương đương 35.300 USD/tấn và thường có liên quan đến vấn nạn sử dụng lao động trẻ em trong quá trình khai thác.
Ông Gavin Montgomery, Giám đốc nghiên cứu tại công ty tư vấn Wood Mackenzie, nói: "Vài năm qua, mọi người đã cố gắng loại bỏ coban khỏi pin nhưng mục tiêu này khá khó khăn vì coban là một thành phần quan trọng vì nó giúp ổn định viên pin".
Yếu tố Trung Quốc
Trung Quốc, nhà nhập khẩu kim loại lớn nhất thế giới, đang cố gắng gia tăng ảnh hưởng đối với hoạt động định giá trên thị trường kim loại. Chiến lược của Bắc Kinh là một thách thức với hệ thống định giá kim loại hiện tại.
Hiện tại, London là thị trường định giá chuẩn cho các kim loại cơ bản. Là một phần trong chiến lược của Trung Quốc, Sàn Giao dịch Năng lượng Quốc tế Thượng Hải vào ngày 19/11 đã bắt đầu giao dịch hợp đồng tương lai đồng bằng nhân dân tệ.
Tính đến tháng 11, giá chuẩn của đồng và niken đã tăng 40% so với tháng 3 lên lần lượt 6.982 USD/tấn và 15.892 USD/tấn. Theo nhà phân tích Tatsufumi Okoshi của Nomura Securities, sở dĩ giá chuẩn của hai kim loại này tăng là do nguồn cung tạm thời bị trì hoãn vì đại dịch COVD-19 và phong tỏa.
Nền kinh tế lớn thứ hai thế giới phục hồi nhanh hơn dự kiến và hi vọng có vắc xin là hai nguyên nhân khác tác động đến giá chuẩn của đồng và niken.
Một số nhà quan sát nhận thấy mức giá hiện tại (đồng ở đỉnh hai năm và niken ở đỉnh một năm) không đủ sức để thúc đẩy doanh nghiệp triển khai dự án khai khoáng mới.
"Điều kiện tiên quyết để mở dự án mới là mức giá hiện tại phải ổn định trong vài năm tới", Nikkei dẫn lời một nguồn tin cho hay. Song các bất ổn trên thị trường như đại dịch sẽ kéo dài bao lâu đang khiến nhà đầu tư lo lắng và không ai biết rõ liệu giá kim loại có neo ở mốc hiện tại hay không.
Câu hỏi quan trọng đặt ra là chính sách môi trường của ông Biden và ngành xe hơi điện của Trung Quốc sẽ đi về đâu. Các chuyên gia phân tích khuyến nghị nhà đầu tư nên bám sát các diễn biến mới để xác định hướng đi của thị trường kim loại.