|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Nhà đất

Khẩu vị dòng tiền đầu tư cuối năm sẽ thay đổi ra sao?

17:20 | 12/08/2021
Chia sẻ
Dịch COVID-19 bùng phát lần thứ 4 đã và đang tác động mạnh đến nền kinh tế. Trong bối cảnh trên, việc phân bổ dòng tiền đầu tư như thế nào để đem lại hiệu quả đang là một vấn đề được không ít nhà đầu tư quan tâm.
Khẩu vị dòng tiền đầu tư cuối năm có thay đổi? - Ảnh 1.

Sau cơn sốt đất đầu năm, nhiều nhà đầu tư bất động sản chuyển sang xu hướng dài hạn. (Ảnh minh họa: Khải An).

Chia sẻ tại Talkshow "Dòng tiền chảy về đâu" do chuyên trang Toancanhbatdongsan.com.vn tổ chức mới đây, TS. Cấn Văn Lực, Chuyên gia Kinh tế trưởng Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) cho rằng, nhiều hành vi về tiêu dùng, đầu tư, đi lại,... của con người hiện nay đã thay đổi do ảnh hưởng của dịch COVID-19.

Tại Việt Nam, trong 7 tháng đầu năm, các kênh đầu tư đang có xu hướng phân hóa rất rõ rệt. Kết quả của các kênh đầu tư này cũng tương đối khác nhau.

Cụ thể, kênh đầu tư thứ nhất là tiền gửi tiết kiệm. Ông Lực cho biết, tính đến cuối tháng 7, tiền gửi cá nhân tăng khoảng 3,5 - 4%. Mức tăng này chỉ tương đương khoảng 50% so với cùng kỳ năm ngoái. Do đó, có thể nhận định, người dân đã dịch chuyển dòng tiền sang các kênh đầu tư khác.

Với chứng khoán, theo vị này, 7 tháng vừa qua chứng kiến sự phát triển tương đối tích cực, song cũng không ít rủi ro bởi kênh này biến động lên xuống khá thất thường. Chỉ số VNIndex tính từ đầu năm đến nay tăng 18%, mức tăng này được đáng giá tương đối tích cực trong bối cảnh kinh tế Việt Nam còn nhiều khó khăn. Trong khi cả năm ngoái, chỉ số VNIndex chỉ tăng khoảng 15%.

Bên cạnh đó, số lượng nhà đầu tư tham gia vào thị trường chứng khoán tăng rất nhanh và rất mạnh, đặc biệt là các nhà đầu tư F0. Tính chung 6 tháng đầu năm nay, có khoảng 620.000 nhà đầu tư F0 tham gia vào thị trường chứng khoán. Số lượng này gấp khoảng 3,7 lần so với cùng kỳ năm ngoái và tăng khoảng 58% so với cả năm 2020.

Tuy nhiên, ông Lực cho rằng, với kênh đầu tư này, nhà đầu tư phải có kiến thức tương đối vững chắc thì đầu tư mới đảm bảo thành công.

Còn với bất động sản, đây là một kênh đầu tư truyền thống của người Việt. Theo ông Lực, không ít nhà đầu tư lướt sóng trong giai đoạn sốt đất đầu năm và kiếm lời lớn. Tuy nhiên, sang quý II, khi các cơn sốt đất lắng xuống, các nhà đầu tư đã có xu hướng nhìn trong dài hạn nhiều hơn và cơ cấu lại danh mục sản phẩm của mình.

Kênh thứ tư là vàng. Theo vị chuyên gia này, đầu tư vàng rõ ràng không hiệu quả trong khoảng 3 - 4 năm vừa qua. Tại Việt Nam, từ đầu năm đến nay, giá vàng chỉ tăng khoảng 2%.

Ngoài ra còn một kênh đầu tư nữa là khởi nghiệp. Trong bối cảnh dịch bệnh diễn biến phức tạp, theo đánh giá của ông Lực, khởi nghiệp ở nhiều lĩnh vực, ngành nghề không nhiều người thành công. Song cũng có một số lĩnh vực khởi nghiệp tương đối tốt như gắn với fintech, thương mại điện tử, lương thực thực phẩm,...

Phụ thuộc vào nhiều biến số

Để dự báo dòng tiền đầu tư trong những tháng cuối năm, TS. Cấn Văn Lực cho rằng, cần phải đặt trong bối cảnh kinh tế vĩ mô. Theo đó, ông đưa ra ba kịch bản.

Thứ nhất là kịch bản cơ sở. Nếu Việt Nam kiểm soát được dịch trong tháng 8 và giả sử đạt được miễn dịch cộng động vào cuối quý II/2022, tiến tình tiêm vắc xin diễn ra tốt thì tăng trưởng GDP dự báo đạt khoảng 5,3 - 5,5%.

Thứ hai là kịch bản tích cực, dự báo tăng trưởng GDP đạt khoảng 5,8 - 6%. Với kịch bản này, ông Lực cho rằng rất khó xảy ra. Thứ ba là kịch bản xấu, tăng trưởng GDP dự báo chỉ đạt khoảng 4,8 - 5%.

Về lạm phát, vị này cho rằng, Việt Nam không cần quá quan ngại vì sức cầu vẫn còn yếu và vòng quay của đồng tiền hiện nay vẫn khá chậm.

"Với bức tranh vĩ mô như vậy, tôi cho rằng các nhà đầu tư sẽ vẫn tiếp tục tham gia vào các kênh đầu tư như chứng khoán, hoặc phân bổ một phần danh mục vào bất động sản và tiền gửi ngân hàng. Cũng có thể trong bối cảnh nền kinh tế phục hồi tốt, nhiều nhà đầu tư sẽ có quyết định khởi nghiệp. Tuy nhiên, thay vì lướt sóng, nhà đầu tư nên theo hướng dài hạn hơn để đảm bảo thành công hơn", ông Lực nhấn mạnh.

"Trong bối cảnh như hiện nay, thay vì lướt sóng, nhà đầu tư nên theo xu hướng dài hạn để đảm bảo thành công hơn".

  • TS. Cấn Văn Lực, Chuyên gia Kinh tế trưởng Ngân hàng BIDV

Cũng theo vị chuyên gia này, từ nay đến cuối năm sẽ có hai yếu tố ảnh hưởng tới kinh tế nói chung và hoạt động đầu tư nói riêng.

Trong đó, yếu tố tích cực là dịch bệnh được kiểm soát, kinh tế phục hồi. Tiêu cực hơn là xu hướng dòng tiền rẻ sẽ giảm đi rất nhiều. Chẳng hạn, các nước sẽ giảm dần quy mô gói hỗ trợ về tài khóa, gói hỗ trợ về tiền tệ. Thậm chí một số ngân hàng trung ương sẽ tính toán đến việc tăng lãi suất.

Do đó, dòng tiền đầu tư sẽ thay đổi. Một số dòng vốn đầu tư gián tiếp có thể sẽ rút khỏi một số thị trường mới nổi, trong đó có Việt Nam để quay về một số thị trường ít rủi ro hơn như Mỹ, EU.

Bên cạnh đó, theo ông Lực, trong bất cứ nền kinh tế nào cũng luôn có ba nhóm nhà đầu tư. Thứ nhất là nhóm nhà đầu tư thích rủi ro, sẵn sàng chấp nhận rủi ro kể cả những lúc kinh tế khó khăn. Thứ hai là nhóm nhà đầu tư trung tính. Nhóm này sẽ thường phân tán danh mục đầu tư của mình vào nhiều lĩnh vực khác nhau. Còn nhóm thứ ba là nhà đầu tư e ngại rủi ro.

"Các đầu tư cần phân định mức độ rủi ro của các tài sản mình đầu tư. Sếp theo thứ tự từ cao đến thấp thì rủi ro nhất là lĩnh vực khởi nghiệp, rủi ro thấp hơn nhưng vẫn ở mức cao là chứng khoán. Bất động sản đứng thứ ba và an toàn nhất vẫn là gửi tiết kiệm. Song, các nhà đầu tư nên nhớ rằng, rủi ro cao, lợi nhuận càng cao", ông Lực nói.

Ông cũng dự báo, trong thời gian tới, các nhà đầu tư vẫn sẽ đa dạng hóa danh mục. Tuy nhiên, một số sẽ thận trọng hơn trong việc sử dụng đòn bẩy tài chính vì tiền rẻ sẽ khan hiếm dần, NHNN cũng dần kiểm soát chặt hơn dòng tiền vào thị trường chứng khoán và bất động sản.

Riêng bất động sản có nhiều phân khúc khác nhau, song đất nền vẫn là điểm sáng vì gần như đầu tư vào sẽ không bị lỗ. Kể cả khi kinh tế khó khăn, giá có thể sẽ lắng xuống nhưng sau đó sẽ ổn định và lại nhích dần lên.

Còn theo đánh giá của ông Nguyễn Quốc Bảo, Chủ tịch Câu lạc bộ bất động sản Việt Nam (VREC), việc đầu tư bất động sản hiện nay đối với các nhà đầu tư nhỏ lẻ không dễ dàng do khó tiếp cận được dự án trong thời gian giãn cách. Việc mua online cũng không được nhiều người lựa chọn.

"Tuy nhiên, nếu so với chứng khoán có nhiều rủi ro thì mua một hoặc hai căn hộ vẫn an toàn hơn rất nhiều. Đỉnh dịch năm ngoái đã chứng minh bất động sản không bị bong bóng, không bị rớt giá. Tôi dự báo, thị trường bất động sản cuối năm hay hoặc đầu năm sau sẽ tăng trưởng trở lại", ông Bảo đánh giá.

Hà Lê