|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Nhà đất

Đòn bẩy thị trường bất động sản Khánh Hòa 2021: Tính pháp lý lên ngôi

15:09 | 27/03/2021
Chia sẻ
Hội môi giới Bất động sản Khánh Hòa nhận định, thị trường bất động sản Khánh Hòa năm 2021 được kỳ vọng là nền tảng khởi đầu cho chu kỳ phát triển mới và sự lên ngôi của những dự án chuẩn chỉnh pháp lý.

Nhiều dự án đang hoàn thiện pháp lý

Sau một thời gian dài, thị trường bất động sản (BĐS Khánh Hòa) tạm đóng băng vì vướng các quy định pháp luật, hiện nay tỉnh đang hoàn thiện công tác khắc phục pháp lý và khắc phục ảnh hưởng dịch COVID-19.

Những tháng cuối năm 2020, một số dự án nhà ở đủ điều kiện pháp lý được Sở Xây dựng tỉnh này cấp phép mở bán như một dấu hiệu phục hồi của thị trường vốn vô cùng nhộn nhịp trước đây.

Đòn bẫy thị trường BĐS Khánh Hòa 2021: Tính pháp lý lên ngôi - Ảnh 1.

Nhiều dự án chuẩn chỉnh pháp lý đã đủ điều kiện mở bán hồi cuối năm 2020. (Ảnh: Khải An).

Trao đổi với người viết, ông Phan Việt Hoàng, Tổng thư ký Hội môi giới Bất động sản Khánh Hòa (KAREB) cho biết, hiện tỉnh Khánh Hòa vẫn đang trong giai đoạn khó khăn nhưng vẫn hỗ trợ doanh nghiệp hoàn chỉnh pháp lý đối với một số dự án, cũng như đẩy mạnh đầu tư công và xúc tiến đầu tư khiến thị trường "ấm" lên trong giai đoạn gần đây.

Dự kiến trong quý II/2021, Nha Trang sẽ có ba dự án nhà ở căn hộ quy mô lớn của Tập đoàn Hưng Thịnh tại khu đô thị An Viên, dự án The Aston Luxury Residence của Tập đoàn Danh Khôi và dự án Imperium Town Nha Trang của CTCP Đầu tư Xây dựng Đông Dương Nha Trang.

Bên cạnh đó là dòng sản phẩm shop house và bất động sản nghỉ dưỡng của Tập đoàn KDI Holdings tại dự án Vega City Nha Trang thuộc khu vực Bãi Tiên phía Bắc TP Nha Trang.

"Những dự án có lợi thế sở hữu quỹ đất đẹp, kỳ vọng sẽ thúc đẩy thị trường BĐS Khánh Hòa trong giai đoạn tới", ông Hoàng nhận định.

Đòn bẫy thị trường BĐS Khánh Hòa 2021: Tính pháp lý lên ngôi - Ảnh 2.

Dự án The Aston Luxury Residence của Tập đoàn Danh Khôi. (Ảnh: Khải An)

Cũng theo ông Hoàng hiện nguồn cung căn hộ chung cư và nhà ở xã hội tại Khánh Hòa vẫn ở mức thấp, số lượng khoảng 10.000 căn nên dư địa phát triển sản phẩm này trong những năm tiếp còn rất lớn.

"Dịch COVID-19 đang được kiểm soát tốt và hộ chiếu vắc xin đang được phổ cập. Bên cạnh đó, các tập đoàn lớn đang chuẩn bị các chương trình kích cầu để thu hút nguồn khách quốc tế và trong nước đến Khánh Hòa trong thời gian tới.

Do đó, khi hoạt động du lịch phục hồi thì sẽ giải quyết được rất lớn số lượng căn hộ du lịch tại Khánh Hòa. Đón đầu nhu cầu này nhiều nhà đầu tư đang gấp rút hoàn thiện các dự án căn hộ du lịch để đi vào hoạt động", ông Hoàng cho hay.

Hai kịch bản cho BĐS nghỉ dưỡng 

Mới đây, ngành du lịch tỉnh Khánh Hòa đã công bố kế hoạch đạt doanh thu 17.500 tỷ đồng, đón trên 5 triệu lượt khách trong năm 2021.

Trong đó, thị trường khách nội địa vào khoảng 3,5 triệu lượt, thị trường khách quốc tế sẽ tập trung thu hút các đối tượng là người lao động nước ngoài, nhóm chuyên gia, cán bộ ngoại giao đang ở Việt Nam.

Đòn bẫy thị trường BĐS Khánh Hòa 2021: Tính pháp lý lên ngôi - Ảnh 3.

Khoảng 25.000 tỷ đồng đã được đầu tư vào BĐS nghỉ dưỡng tại khu vực Bãi Dài. (Ảnh: Khải An).

Ngoài ra, chính quyền tỉnh này cũng ban hành nhiều văn bản điều chỉnh các quyết định giao đất ở không hình thành đơn vị ở thành đất thương mại dịch vụ tại một số dự án condotel.

Với việc chuyển đổi đúng bản chất nguồn gốc đất đã giúp các dự án hoàn thiện pháp lý để triển khai.

Cụ thể, theo báo cáo mới nhất của Ban Quản lý Khu du lịch bán đảo Cam Ranh, hiện khu vực Bãi Dài có 40 dự án được cấp giấy chứng nhận đầu tư thì đã có 6 dự hoàn thiện, 5 dự án hoàn thiện giai đoạn I; 21 dự án đã hoàn thành các thủ tục đầu tư, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quy hoạch, cấp phép xây dựng, đã triển khai thi công,… Tính đến nay đã có gần 25.000 tỷ đồng đầu tư vào các dự án tại Bãi Dài.

Đáng chú ý nhiều dự án đang gấp rút về đích như Cam Ranh Mystery Villas, Hyatt regency Cam Ranh bay resort and spa, Prime - Prime Resorts and Hotels, The Arena,…

Liên quan đến BĐS nghỉ dưỡng, Tổng thư ký KAREB nhận định, trước những khó khăn và biến động của nền kinh tế nói chung và thị trường BĐS nghỉ dưỡng nói riêng, dự đoán sẽ có hai kịch bản cho thị trường.

Đòn bẫy thị trường BĐS Khánh Hòa 2021: Tính pháp lý lên ngôi - Ảnh 4.

Một số dự án BĐS nghỉ dưỡng đang gấp rút thi công sau khi hoàn thiện pháp lý. (Ảnh: Khải An).

Thứ nhất, các dự án sẽ bão hòa và chững lại. Với loại hình BĐS du lịch đã xuất hiện từ cuối năm 2015 nhưng đến nay vẫn chưa được công nhận chính thống.

Do đó, nhà đầu tư sẽ không còn mặn mà với phân khúc sản phẩm này vì phải chờ đợi chứng nhận "khai sinh" quá lâu, mặc dù tháng 2/2020 Bộ Tài nguyên và Môi trường đã ban hành công văn số 703 về việc hướng dẫn cấp giấy chứng nhận cho loại hình này nhưng đến nay vẫn chưa có những chuyển biến tích cực như kỳ vọng. Nhất là hiện nay tín dụng dành cho BĐS nghỉ dưỡng bị siết chặt.

Kịch bản thứ hai là những dự án sẽ được tháo gỡ pháp lý và cấp "sổ đỏ" trong năm 2021 nhưng vẫn sẽ tiếp tục trầm lắng. Nguyên nhân là do thị trường du lịch đang ảm đạm, ảnh hưởng bởi đại dịch COVID-19 làm cho tính thương mại, hiệu suất khai thác không cao.

"Chúng ta cần lưu ý vấn đề quan trọng này bởi bản chất condotel dù có sổ đỏ hay không có sổ đỏ thì cũng là căn hộ để kinh doanh, không phải loại hình nhà ở. Muốn phát triển ổn định phải có sự đồng hành của ngành du lịch. Đây là kịch bản rất dễ xảy ra", ông Hoàng nói.

Đòn bẫy thị trường BĐS Khánh Hòa 2021: Tính pháp lý lên ngôi - Ảnh 5.

BĐS nghỉ dưỡng Khánh Hòa được đánh giá còn nhiều tiềm năng. (Ảnh: Khải An).

Cũng theo ông Hoàng, BĐS nghỉ dưỡng tại Việt Nam vẫn còn tiềm năng rất lớn. Song, để đầu tư vào dòng sản phẩm cần xác định mục đích mua bất động sản nghỉ dưỡng là tài sản lâu dài, lấy lợi nhuận tạo dòng tiền ổn định, bổ sung thêm cho thu nhập từ việc vận hành cho thuê bất động sản nghỉ dưỡng.

Khải An

Vàng, đô và lãi suất: Ý nghĩa như thế nào với kinh tế Việt Nam?
Tỷ giá USD/VND đã tăng 4,5% so với đầu năm, cao hơn 1% so với mức mất giá bình quân dưới 3,5% trong gần 1 thập kỷ. Điều này đã gây sức ép lớp lên các nhà điều hành phải đưa ra một loạt các chính sách kết hợp nhằm ngăn chặn sự giảm giá của đồng VND, tạo ra những tác động nhất định lên thị trường tài chính.