Dự báo Trung Quốc sẽ vượt Mỹ thành nền kinh tế lớn nhất thế giới vào 2028
Theo báo cáo thường niên của Trung tâm Nghiên cứu Kinh tế và Kinh doanh (CEBR) – hãng tư vấn chính sách độc lập tại Anh công bố hôm nay, Trung Quốc được dự báo sẽ vượt Mỹ thành nền kinh tế lớn nhất thế giới năm 2028, sớm hơn 5 năm so với dự báo hồi năm ngoái.
Trong bảng đánh giá triển vọng tăng trưởng của 193 quốc gia, nhóm tư vấn có trụ sở tại Anh cho biết Trung Quốc đã phục hồi nhanh chóng sau những ảnh hưởng của đại dịch và sẽ tăng trưởng 2% vào năm 2020, dự báo trở thành nền kinh tế có thu nhập cao ngay sau năm 2023.
Mặc dù vậy, mức sống ở Trung Quốc sẽ vẫn thấp hơn nhiều so với Mỹ và các nước Tây Âu. Ở Mỹ, thu nhập bình quân đầu người là hơn 63.000 USD, trong khi ở Anh là hơn 39.000 USD.
Với việc Mỹ dự kiến sẽ tăng trưởng âm 5% trong năm nay, CEBR nhận định Trung Quốc sẽ thu hẹp khoảng cách với đối thủ lớn nhất của mình.
Theo Reuters, CEBR cho rằng Trung Quốc đã "ứng phó khéo léo đại dịch", với việc phong tỏa sớm, nghiêm ngặt và cú sốc với tăng trưởng dài hạn của phương Tây đồng nghĩa kinh tế Trung Quốc cải thiện tốt hơn.
Kinh tế Trung Quốc dự kiến tăng trưởng trung bình 5,7% một năm trong giai đoạn 2021- 2025 sau đó chậm lại về 4,5% một năm giai đoạn 2026 - 2030.
Mặc dù Mỹ có khả năng sẽ phục hồi mạnh mẽ sau đại dịch vào năm 2021, nhưng tốc độ tăng trưởng của nước này sẽ chậm lại chỉ vào khoảng 1,9% một năm giai đoạn 2022 - 2024 và sau đó về 1,6%.
Dự báo của CEBR cũng cho rằng Nhật Bản sẽ vẫn là nền kinh tế lớn thứ ba thế giới, cho đến đầu những năm 2030 khi bị Ấn Độ vượt mặt. Trong khi đó, Đức sẽ từ vị trí thứ 4 xuống thứ 5.
Anh, nền kinh tế lớn thứ 5 thế giới theo số liệu của CEBR sẽ tụt xuống vị trí thứ 6 từ năm 2024.
Dù bị ảnh hưởng vào năm 2021 khi Anh rút khỏi thị trường chung châu Âu, GDP của nước này được dự báo sẽ cao hơn 23% so với Pháp vào năm 2035.
Năm nay, châu Âu đóng góp 19% GDP trong nhóm 10 nền kinh tế hàng đầu thế giới nhưng tỷ lệ này sẽ giảm xuống 12% vào năm 2035, hoặc thấp hơn.
Báo cáo cũng cho biết tác động của đại dịch đối với kinh tế toàn cầu sẽ thể hiện ở mức lạm phát cao hơn chứ không phải tăng trưởng chậm lại. Nhìn chung, kinh tế toàn cầu dự báo suy giảm 4,4% trong năm 2020.
"Chúng tôi nhận thấy chu kỳ kinh tế giữa những năm 2020 là lãi suất tăng. Điều này đặt ra thách thức cho các chính phủ đã đi vay ồ ạt để hỗ trợ kinh tế trong khủng hoảng COVID-19.
Ngoài ra, các xu hướng cơ bản khi thế giới tiến vào 2030 sẽ là xanh hơn và dựa vào công nghệ nhiều hơn", báo cáo viết.