|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

Những biến động trên mặt trận thời sự, kinh tế năm 2020

13:44 | 26/12/2020
Chia sẻ
Năm 2020 bắt đầu bằng trận bão lửa ở Australia, xung đột quân sự chết người ở Trung Đông và Nam Á, sau đó đến một đại dịch thay đổi hoàn toàn quỹ đạo của nền kinh tế toàn cầu và khép lại bằng một cuộc bầu cử tổng thống có lẽ sẽ mãi in sâu trong ký ức của không chỉ những người dân Mỹ.
 Những biến động trên mặt trận thời sự, kinh tế năm 2020 - Ảnh 1.

Đầu năm, lửa tiếp tục cơn cuồng nộ tại Australia: thiêu rụi khoảng 91.000 km2, ít nhất 33 người chết, 3.000 ngôi nhà bị phá hủy hoặc hư hại, chỉ số chất lượng không khí vượt mức nguy hiểm 23 lần và hệ sinh thái bị phá hủy nghiêm trọng.

Bên kia bán cầu, ít nhất 20.000 km2 vực bờ Tây của nước Mỹ cũng chìm trong biển lửa suốt nhiều tuần liền.

2020 - năm thăng trầm và bất ổn trên mặt trận thời sự - kinh tế - Ảnh 1.

Chú kangaroo hoảng loạn tìm đường chạy trốn bão lửa tại bang New South Wales, Australia. (Ảnh: New York Times).

Giữa năm, mưa lớn liên tục tại các tỉnh Giang Tây, An Huy và Hồ Bắc (Trung Quốc) khiến ít nhất 158 người chết hoặc mất tích, gần 370.000 ngôi nhà bị hư hại và thiệt hại kinh tế trực tiếp đến 25 tỷ USD. Đập Tam Hiệp, công trình thủy điện lớn nhất thế giới, bị biến dạng vì mực nước dâng cao. Giới chức Trung Quốc đã phải nhiều lần lên tiếng trấn an về mức độ an toàn của công trình.

Năm nay, khu vực Đại Tây Dương đón 30 cơn bão, phá kỷ lục 28 cơn bão của năm 2005. Trung tâm Dự báo Bão Quốc gia Mỹ phải dùng kí tự La Mã vì hết tên Latin đặt cho bão. Văn phòng Ngân sách Quốc hội Mỹ ước tính chi phí để bù đắp thiệt hại của bão nhiệt đới là 28 tỷ USD/năm và sẽ tăng lên 39 tỷ USD/năm vào năm 2075.

Việt Nam ghi nhận 14 cơn bão trong năm 2020 trong đó riêng tháng 10 có 4 cơn. Tổng thiệt hại kinh tế do bão trong tháng 9, 10 là hơn 30.00 tỷ đồng, ít nhất 249 người chết hoặc mất tích, hơn 239.000 ngồi nhà bị hư hỏng,...

Công ty quản trị rủi ro Aon cho biết, thiên tai trong nửa đầu năm 2020 gây thiệt hại khoảng 75 tỷ USD trên toàn cầu và ảnh hưởng kinh tế trong nửa cuối năm thậm chí còn nghiêm trọng hơn.

2020 - năm thăng trầm và bất ổn trên mặt trận thời sự - kinh tế - Ảnh 2.

 Những biến động trên mặt trận thời sự, kinh tế năm 2020 - Ảnh 4.

Ngày 2/1, tướng Qasem Soleimani, Tư lệnh lực lượng đặc nhiệm Quds thuộc Vệ binh Cách mạng Hồi giáo Iran, bị không quân Mỹ hạ sát. Ngày 8/1, Iran phóng hơn một chục tên lửa đạn đạo nhắm vào quân đội và liên minh của Mỹ ở Iraq để trả đũa.

2020 - năm thăng trầm và bất ổn trên mặt trận thời sự - kinh tế - Ảnh 3.

Hàng trăm nghìn người dân Iran tràn ra đường trong lễ tang tướng Soleimani. (Ảnh: AP).

Các cuộc không kích của Tehran và Washington có lúc thổi bùng lên nguy cơ chiến tranh tại khu vực Trung Đông. Đáng tiếc, một máy bay chở khách của Ukraine International vô tình bị trúng tên lửa của Iran, khiến 176 người tử nạn.

Quan hệ Mỹ - Iran có thể dịu lại trong năm 2021, khi Tổng thống đắc cử Mỹ Joe Biden muốn nối lại thỏa thuận phi hạt nhân và bình thường hóa quan hệ ngoại giao với với Iran.

Đêm 15/6, Trung - Ấn lần đầu đụng độ tại biên giới sau 45 năm hòa bình, khiến ít nhất 20 binh sĩ Ấn Độ thiệt mạng trong khi Trung Quốc được cho là mất ít nhất 40 binh sĩ.

2020 - năm thăng trầm và bất ổn trên mặt trận thời sự - kinh tế - Ảnh 4.

Để trả đũa, New Delhi cấm 59 ứng dụng di động, chủ yếu của Trung Quốc, và hủy nhiều hợp đồng với các công ty Trung Quốc. Hai nước còn ngăn hàng hóa thông quan tại cảng biển, gây rủi ro đứt gãy chuỗi cung ứng.

Tranh chấp biên giới chưa được giải quyết, hai nền kinh tế lớn nhất và thứ ba châu Á khó tránh khỏi va chạm trong tương lai.

Ngày 27/9, hai nước thuộc Liên bang Xô viết cũ là Armenia và Azerbaijan nổ ra xung đột vũ trang đẫm máu tại khu vực Nagorno-Karabakh. 

Nhờ ưu thế về hỏa lực vũ khí, Azerbaijan giành chiến thắng, được kiểm soát lãnh thổ chiếm được trong cuộc chiến và hai nước ký thỏa thuận đình chiến vào ngày 10/11. Tổng cộng hơn 5.000 binh sỹ hai bên thiệt mạng trong hơn một tháng giao tranh.

 Những biến động trên mặt trận thời sự, kinh tế năm 2020 - Ảnh 8.

Ngày 25/5, người đàn ông da màu George Floyd tử vong trên đường phố sau khi bị một cảnh sát da trắng đè chân lên cổ trong gần 9 phút. Trong hai tuần sau đó, ước tính 15 - 26 triệu người Mỹ cùng với các doanh nghiệp lớn như Disney, Facebook, Netflix đã tổ chức đấu tranh đòi công bằng sắc tộc. Có lúc biểu tình hòa bình biến tướng thành bạo loạn và cướp bóc, khiến ông Trump đe dọa dùng quân đội trấn áp.

 Những biến động trên mặt trận thời sự, kinh tế năm 2020 - Ảnh 6.

Hàng chục nghìn người biểu tình dưới chân tháp Eiffel ngày 6/6. (Ảnh: Tân Hoa Xã).

New York Times (NY Times) nói Black Lives Matter (BLM) có thể là phong trào lớn nhất trong lịch sử Mỹ. Trong giai đoạn biểu tình, hashtag #BlackLivesMatter đạt trung bình 3,7 triệu tweet/ngày. Biểu tình BLM còn sục sôi trên toàn thế giới, bất chấp đại dịch COVID-19.

Phong trào năm 2020 lấn át về quy mô so với các năm trước. Có ba nguyên nhân chính tạo ra thay đổi: lập trường đối nghịch của chính quyền ông Trump với các vấn đề xã hội khiến công chúng bất mãn; George Floyd bị giết chết một cách rất tàn bạo trước mặt nhiều người trên phố - có người đã quay phim lại và đưa lên mạng xã hội; phong trào diễn ra trong đại dịch, khi tỷ lệ thất nghiệp tăng cao và công chúng khó làm ngơ trước vấn nạn xã hội.

2020 - năm thăng trầm và bất ổn trên mặt trận thời sự - kinh tế - Ảnh 6.

Kể từ tháng 6, phong trào dần suy yếu nhưng vẫn còn âm ỉ trong dòng chảy lịch sử Mỹ. Hiện tại, chính quyền các địa phương đã hứa hẹn sẽ cải tổ hệ thống cảnh sát, doanh nghiệp cũng lên tiếng cải thiện quyền lợi của người da màu và công chúng đã nhận thức tốt hơn về quyền bình đẳng của họ.

Alicia Garza, một trong ba nữ đồng sáng lập BLM, tự hào chia sẻ: "Sau 7 năm đấu tranh, BLM bây giờ thực sự đã nằm trong huyết quản và kí ức của nước Mỹ".

 Những biến động trên mặt trận thời sự, kinh tế năm 2020 - Ảnh 11.

Ngày 9/1, WHO tuyên bố một chủng virus corona gây chết người xuất hiện tại Vũ Hán, Trung Quốc. Chỉ trong 11 tháng, toàn thế giới có gần 77 triệu ca bệnh và khoảng 1,7 triệu ca tử vong, vượt xa thiệt hại con người so với các đại dịch khác.

Trong khi Việt Nam, New Zealand và Đài Loan trở thành điểm sáng trên mặt trận chống dịch, Mỹ đã là ổ dịch lớn nhất thế giới trong 9 tháng liền do phản ứng yếu kém và phớt lờ khoa học của chính quyền ông Trump. Anh và Thụy Điển từng đề cao kế hoạch miễn dịch cộng đồng cũng phải cay đắng thừa nhận sai lầm.

Nguyên thủ quốc gia như Tổng thống Trump, Thủ tướng Boris Johnson (Anh), Tổng thống Jair Bolsonaro (Brazil) và Tổng thống Emmanuel Macron (Pháp) cũng nhiễm COVID-19.

2020 - năm thăng trầm và bất ổn trên mặt trận thời sự - kinh tế - Ảnh 7.

Hệ thống y tế các nước trước đây phải chật vật tìm kiếm khẩu trang, găng tay, máy thở, kit xét nghiệm, ... giờ đây còn phải cố sức đặt mua vắc xin. 

Thế giới hiện có khoảng 90 ứng viên vắc xin, trong đó vắc xin của Pfizer-BioNTech và Moderna đã được Mỹ phê duyệt dùng khẩn cấp. Riêng Việt Nam đóng góp 4 ứng viên, đều đang trong giai đoạn thử nghiệm đầu.

 Những biến động trên mặt trận thời sự, kinh tế năm 2020 - Ảnh 13.

Đại dịch ập đến, thế giới phải đóng cửa và hàng chục nền kinh tế lớn như Mỹ, Đức, Nhật Bản, Hàn Quốc, Italy,... rơi vào suy thoái. GDP của nhiều nước giảm hai chữ số trong quý II và thị trường lao động toàn cầu ước tính mất 245 triệu việc làm toàn thời gian trong quý IV (theo ILO).

2020 - năm thăng trầm và bất ổn trên mặt trận thời sự - kinh tế - Ảnh 8.

Các ngành hàng không, du lịch và dịch vụ sa sút nghiêm trọng. IMF phải điều chỉnh dự báo tăng trưởng ít nhất hai lần do tính bất ổn của cuộc suy thoái COVID-19.

Quan hệ thương mại Trung Quốc - Australia xấu đi rõ rệt sau khi Canberra kêu gọi mở cuộc điều tra về nguồn gốc virus SARS-CoV-2.

Chính phủ và các ngân hàng trung ương (NHTW) đã cam kết chi khoảng 20.000 tỷ USD để cứu nền kinh tế, riêng Mỹ hơn 4.000 tỷ USD. Fed, ECB, BoJ và các NHTW lớn khác đã hạ lãi suất xuống gần 0 hoặc dưới 0. World Bank và IMF phải kêu gọi các chủ nợ giãn, giảm hoặc xóa nợ cho các nước nghèo.

 Những biến động trên mặt trận thời sự, kinh tế năm 2020 - Ảnh 10.

Song, với sự xuất hiện của các vắc xin tiềm năng như của Pfizer-BioNTech và Moderna, "lần đầu tiên kể từ khi đại dịch bùng phát, nền kinh tế thế giới có hy vọng về một tương lai tươi sáng hơn", OECD nhận xét.

 Những biến động trên mặt trận thời sự, kinh tế năm 2020 - Ảnh 16.

Đêm 20/4, thị trường dầu mỏ xuất hiện một sự kiện chưa từng có: giá hợp đồng tương lai dầu thô rơi xuống mức âm, người bán phải trả tiền cho người mua chở dầu đi.

Thị trường dầu mỏ lao dốc do bơm dầu liên tục khiến nguồn cung tăng vọt (1), sau đó do tác động của lệnh phong tỏa trong đại dịch mà nhu cầu giảm (2) và các nhà sản xuất thiếu kho dự trữ dầu (3). Bất đồng giữa các nước thành viên OPEC+ về vấn đề giảm sản lượng cũng ảnh hưởng đến thị trường.

2020 - năm thăng trầm trên mặt trận thời sự, kinh tế - Ảnh 10.

Giá dầu hiện đã phục hồi, một phần nhờ nỗ lực giảm sản lượng lớn của OPEC+, nhưng vẫn còn ở mức thấp, khiến hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp dầu mỏ và các nền kinh tế phụ thuộc vào xuất khẩu dầu mỏ (Nga, Arab Saudi, Kuwait,...) biến động.

Sự kiện giá dầu âm hồi tháng 4 là một lời cảnh báo về căng thẳng tiềm tàng trên thị trường và nếu hội tụ đủ ba điều kiện nêu trên thì giá dầu âm có thể trở lại. Các nước sản xuất dầu mỏ cần phối hợp để cân bằng cung - cầu và đa dạng hóa kinh tế để tránh phụ thuộc vào một nguồn thu duy nhất.

 Những biến động trên mặt trận thời sự, kinh tế năm 2020 - Ảnh 18.

Giá vàng thế giới tăng hơn 30% trong năm nay và phá ngưỡng kỷ lục 2.000 USD/ounce trong phiên giao dịch ngày 4/8. Nguyên nhân do nhà đầu tư điên cuồng rót tiền vào vàng để tránh ảnh hưởng kinh tế của đại dịch COVID-19 và các bất ổn địa chính trị khác.

 Những biến động trên mặt trận thời sự, kinh tế năm 2020 - Ảnh 12.

Giá vàng tại Việt Nam cũng liên tục bám theo đà tăng trên thị trường quốc tế và đạt đỉnh 62 triệu đồng/lượng vào ngày 6/8, có lúc chênh lệch giữa giá vàng trong nước và quốc tế là 1 - 3 triệu đồng.

Gần đây, giá vàng bắt đầu hạ nhiệt vì một số lý do, chẳng hạn như nhà đầu tư bỏ vàng để đi theo cơn sốt bitcoin, hay triển vọng kinh tế hồi phục khi có vắc xin ngừa COVID-19. Song, các chuyên gia vẫn đưa ra dự báo tích cực cho kim loại quý này trong năm 2021, cho thấy tiềm năng của vàng trong bối cảnh nền kinh tế toàn cầu chưa thể thoát ra khỏi cái bóng COVID-19.

 Những biến động trên mặt trận thời sự, kinh tế năm 2020 - Ảnh 20.

Cuộc đua vào Nhà Trắng năm nay là một trong các cuộc bầu cử tổng thống gây tranh cãi và chia rẽ nhất lịch sử nước Mỹ. Ban đầu, cuộc đua có ít nhất 32 ứng viên, về sau còn đương kim Tổng thống Trump và cựu Phó Tổng thống Joe Biden.

Hai ứng viên tranh chấp và đối địch nhau ở nhiều khía cạnh, từ quy cách vận động tranh cử đến quan điểm về đại dịch, kinh tế, môi trường,...

 Những biến động trên mặt trận thời sự, kinh tế năm 2020 - Ảnh 13.

Hai kỳ phùng địch thủ Donald Trump - Joe Biden. (Ảnh: Getty Images).

Càng cuối nhiệm kỳ, ông Trump lại càng phải đối mặt với nhiều sóng gió như bị luận tội, mất khả năng kiểm soát dịch bệnh, bị phanh phui hồ sơ thuế và quan hệ làm ăn với Trung Quốc, nhiễm COVID-19,...

Sau cuộc bỏ phiếu ngày 3/11, ông Biden được đông đảo truyền thông gọi tên là người chiến thắng và đội ngũ của ông cũng rục rịch đặt những viên gạch đầu tiên cho chính phủ mới.

Song, phe ông Trump từ chối rút lui, cáo buộc gian lận bầu cử trên diện rộng và đệ hàng chục đơn kiện hòng lật ngược tình thế, dù cuối cùng đều thất bại. Chỉ còn một tháng nữa đến thời điểm ông Biden nhậm chức, tình hình nước Mỹ sắp tới như thế nào một phần phụ thuộc vào động thái của phe Trump và chính sách của phe Biden.

 Những biến động trên mặt trận thời sự, kinh tế năm 2020 - Ảnh 22.

Sau gần hai năm tranh chấp và gây thiệt hại hàng trăm tỷ USD cho nền kinh tế thế giới, Mỹ - Trung đã bấm nút tạm dừng cuộc chiến thương mại bằng thỏa thuận giai đoạn một ký kết ngày 15/1.

"Cùng nhau, chúng ta sửa chữa sai lầm trong quá khứ và mang đến tương lai công bằng và an ninh kinh tế cho người dân Mỹ", ông Trump phát biểu tại lễ ký kết.

Washington hạ thuế quan đối với 120 tỷ USD hàng hóa Trung Quốc từ 15% xuống còn 7,5%, đổi lại Bắc Kinh cũng sẽ hạ thuế quan với hàng hóa Mỹ và mua ít nhất 200 tỷ USD nông sản và dịch vụ Mỹ trong hai năm so với mốc năm 2017.

Do các biện pháp kiềm chế đại dịch khiến hoạt động kinh tế sụt giảm, Trung Quốc đến nay còn cách mục tiêu mua hàng gần 100 tỷ USD, khó hoàn thành thỏa thuận giai đoạn một.

2020 - năm thăng trầm và bất ổn trên mặt trận thời sự - kinh tế - Ảnh 12.

Cũng do COVID-19, cuộc tranh chấp giữa hai siêu cường ban đầu từ lĩnh vực thương mại nay đã lan sang chính trị, ngoại giao, công nghệ, chứng khoán và kinh tế, đẩy hai nước vào nguy cơ chiến tranh lạnh.

Chính quyền Trump đã áp lệnh trừng phạt lên hàng chục quan chức Bắc Kinh, thu hồi đặc quyền thương mại của Hong Kong, đe dọa cấm vận TikTok, WeChat,... Càng cuối nhiệm kỳ, ông Trump lại càng ra sức trừng phạt Trung Quốc, mới đây liệt khoảng 60 doanh nghiệp Trung Quốc vào danh sách đen.

Căng thẳng Mỹ - Trung nhiều khả năng sẽ tiếp tục dưới thời ông Biden, song các chính sách của ông Biden được cho là có chủ đích và mềm mỏng hơn so với chính sách trực diện và gây hấn của ông Trump.

Yên Khê