Những điểm nhấn nổi bật ngành ngân hàng trong năm 2020
Năm 2020 là một năm đặc biệt khó khăn đối với nền kinh tế nói chung và ngành ngân hàng nói riêng trước ảnh hưởng của đại dịch COVID-19. Mặc dù là ngành chịu tác động chậm pha hơn so với các ngành khác nhưng ngân hàng cũng không tránh khỏi những ảnh hưởng tiêu cực gây ra bởi sự gián đoạn trong đại dịch.
Cùng điểm lại những điểm nhấn nổi bật trong bức tranh toàn cảnh ngân hàng năm 2020. Bên cạnh những điểm tiêu cực cũng có những điểm sáng.
Tăng trưởng tín dụng toàn ngành quí I đã ghi nhận mức thấp kỉ lục trong 5 năm trở lại đây với con số 1,31% so với cuối năm 2019. Mức tín dụng thấp duy trì ở tháng tiếp theo nhưng bắt đầu có những bước cải thiện vào cuối quí II và trong quí III.
Cuối tháng 6, tăng trưởng tín dụng mới chỉ đạt 3,65% nhưng đến cuối tháng 9, con số này đã tăng lên 6,08%. Đến ngày 21/12/2020, tín dụng tăng 10,14% so với cuối năm 2019 và tăng 11,62% so với cùng kì năm trước. Dự kiến tới cuối năm 2020, tăng trưởng tín dụng ước đạt khoảng 11%.
Ông cho biết thêm con số tăng trưởng kế hoạch năm 2021 là khoảng 12%, tuy nhiên đây chỉ là con số định hướng để điều hành chính sách tiền tệ không phải là chỉ tiêu bắt buộc.
Tăng trưởng tín dụng thấp trong năm 2020 là biểu hiện của sự sụt giảm nhu cầu vay vốn hay sức hấp thụ vốn của nền kinh tế, đây cũng là điều dễ hiểu trong bối cảnh kinh tế toàn cầu bị ảnh hưởng mạnh bởi đại dịch COVID-19.
Nhiều doanh nghiệp gặp khó về thanh khoản, đầu vào và đầu ra của sản xuất. Những khó khăn và nhiều rủi ro đã khiến họ trở nên e dè hơn trong việc mở rộng đầu tư hay phát triển sản xuất.
Về cơ cấu tăng trưởng cập nhật tới 9 tháng đầu năm, lĩnh vực xây dựng có mức tăng trưởng cao nhất với 7,37%, tiếp đó là các hoạt động dịch vụ khác 6,79%. Trong khi đó, lĩnh vực vận tải và viễn thông ghi nhận con số tăng trưởng tín dụng là 2,8%.
Ngay trong thời gian đầu chịu tác động của dịch COVID-19, NHNN đã thực hiện theo định hướng của Chính phủ cắt giảm lãi suất để hỗ trợ cho người dân và doanh nghiệp khó khăn do dịch bệnh.
Kể từ đầu năm đến nay, NHNN đã ba lần ra quyết định giảm đồng bộ các mức lãi suất điều hành với tổng mức giảm tới 1,5 - 2 điểm %/năm.
Mức trần lãi suất tiền gửi kì hạn tiền gửi dưới 6 tháng đã xuống 4%/năm. Lãi suất cho vay ngắn hạn tối đa bằng VND đối với các lĩnh vực ưu tiên cũng giảm về 4,5%/năm.
Tuy nhiên, theo đánh giá của một số công ty chứng khoán, động thái cắt giảm lãi suất điều hành của NHNN trong bối cảnh dư thừa thanh khoản của hệ thống ngân hàng và nhu cầu tín dụng ở mức thấp sẽ không có tác động lớn tới thị trường.
Lãi suất liên ngân hàng trong thời gian qua cũng liên tục giảm và chạm đáy trong vòng hai năm qua vào cuối tháng 10.
Cụ thể, lãi suất liên ngân hàng tại thời điểm ngày 1/12 ở các kì hạn 1 tuần và 2 tuần duy trì ở mức thấp 0,14%/năm và 0,2%/năm. Trong khi đó, lãi suất kì hạn qua đêm tiếp tục được duy trì ở mức 0,1%/năm.
Trước tác động của COVID-19, hoạt động sản xuất kinh doanh của nhiều cá nhân, doanh nghiệp bị ảnh hưởng nghiêm trọng dẫn đến khả năng trả nợ giảm sút và khiến các khoản nợ xấu phát sinh.
Theo đánh giá của NHNN cũng như nhiều chuyên gia, nợ xấu của ngân hàng có chiều hướng gia tăng nhất là vào các quí cuối năm. Trong ba quí đầu năm, chất lượng tài sản của nhiều ngân hàng đang tiếp tục dấu hiệu đi xuống khi nợ xấu tăng trưởng hai con số so với thời điểm đầu năm.
Tỷ lệ nợ xấu nội bảng của hệ thống các TCTD vốn duy trì dưới ngưỡng 2% từ năm 2017 đến tháng 7/2020 đã có xu hướng tăng nhẹ trên mức 2% từ tháng 8/2020.
Theo số liệu từ các ngân hàng niêm yết, nợ xấu đã tăng khoảng 30%, tỉ lệ nợ xấu nội bảng có thể ở mức 3% cuối năm 2020, có thể tăng thêm trong năm 2021 do tác động của nền kinh tế tới ngành ngân hàng có độ trễ.
Tuy nhiên, con số này chưa phản ánh được hết thực trạng nợ xấu tại các ngân hàng do qui định cơ cấu lại và được phép giữ nguyên nhóm nợ của Thông tư 01 của NHNN. Theo số liệu mới nhất vào cuối tháng 12, các TCTD đã cơ cấu lại thời hạn trả nợ cho khoảng 270.000 khách hàng bị ảnh hưởng bởi COVID-19 với dư nợ gần 355.000 tỉ đồng.
Bất chấp những tác động tiêu cực từ đại dịch COVID-19, lợi nhuận của nhiều ngân hàng vẫn tiếp tục tăng trưởng. Theo số liệu khảo sát từ 26 ngân hàng đã công bố báo cáo tài chính, có 15 ngân hàng ghi nhận tăng trưởng lợi nhuận sau thuế trong đó có tới 11 ngân hàng tăng trưởng mạnh ở mức hai con số.
SeABank và Bản Việt tạo ấn tượng với tăng trưởng lợi nhuận trên 60% so với cùng kì năm trước; MSB và NCB tăng trưởng trên 50%. Những ngân hàng lớn như VietinBank tăng 22,4%; VPBank tăng 30,6%, HDBank tăng 26,6%,....
Sự phân hoá về lợi nhuận giữa các ngân hàng một phần là do sự khác biệt về cách trích lập chi phí dự phòng giữa các tổ chức. Những ngân hàng trích mạnh dự phòng rủi ro đều có mức tăng trưởng lợi nhuận thấp hoặc giảm so với cùng kì năm trước.
Tuy nhiên, theo các chuyên gia, những con số về lợi nhuận các ngân hàng chưa phản ánh đúng mức độ tác động của COVID-19 vì có thể nhiều khoản chưa được trích lập dự phòng rủi ro.
"Thông thường các ngân hàng sẽ trích lập dự phòng rủi ro vào cuối quí, nhất là vào cuối quí IV, khi đó mức độ phản ánh về lợi nhuận ngân hàng mới sát hơn", chuyên gia kinh tế TS. Cấn Văn Lực cho biết.
Trong năm 2020, tỷ giá đồng VND được giữ ở mức ổn định so với USD. Tinh tới sáng 23/12, tỷ giá trung tâm ở mức 23.167 VND/USD, tăng 0,05% so với cuối năm 2019. Tỷ giá bình quân liên ngân hàng giảm 0,16% so với cuối năm 2019.
So với các đồng tiền khác trong khu vực, VND vẫn tiếp tục được đánh giá là đồng tiền ổn định trong 9 tháng đầu năm nay.
Theo nhận định của các công ty chứng khoán, hai nhân tố giúp cho VND ổn định là nguồn cung ngoại tệ dồi dào (nhờ dự trữ ngoại hối đạt mức kỉ lục và lượng kiều hối tăng mạnh vào cuối năm) và Fed tiếp tục duy trì quan điểm nới lỏng tiền tệ cho đến năm 2021.
Tại phiên họp Chính phủ thường kì tháng 8, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho biết dự trữ ngoại hối hiện đạt khoảng 92 tỉ USD và đến cuối năm nay có thể đạt con số 100 tỉ USD, tăng nhiều lần so với mức 20 tỉ USD vào đầu nhiệm kì. Đây cũng là mức dự trữ ngoại hối cao nhất mà Việt Nam từ trước tới nay.
Dự trữ ngoại hối ở mức kỉ lục sẽ đóng vai trò là tấm đệm đảm bảo cho sự ổn định tỷ giá, giúp NHNN có đủ năng lực và công cụ để kiểm soát và giữ ổn định thị trường ngoại tệ.
Đại diện NHNN cũng khẳng định NHNN sẵn sàng các phương án can thiệp vào thị trường ngoại tệ khi cần thiết liên quan đến các diễn biến bất lợi và tự tin rằng lượng dự trữ ngoại hối kỉ lục đủ để đảm bảo ổn định vĩ mô.
Đến cuối tháng 10, số lượng giao dịch thanh toán qua điện thoại di động đạt hơn 918,8 triệu giao dịch với giá trị đạt gần 9,6 triệu tỷ đồng (tăng 123,9% về số lượng và 125,4% về giá trị so với cùng kỳ năm 2019).
Số lượng giao dịch thanh toán qua Internet đạt gần 374 triệu giao dịch với giá trị đạt hơn 22,2 triệu tỷ đồng (tăng 8,3% về số lượng và 25,5% về giá trị giao dịch so với cùng kỳ năm 2019).
Tổng số lượng giao dịch qua hệ thống Trung tâm Điện tử Liên Ngân hàng đạt hơn 119 triệu món, giá trị đạt gần 84,3 triệu tỷ đồng (tăng 7,3% về giá trị so với cùng kỳ năm 2019).
Hệ thống chuyển mạch tài chính và bù trừ điện tử đã xử lý 960,95 triệu món với gần 8 triệu tỷ đồng (tăng 75,19% về số lượng và tăng 110,92% về giá trị so với cùng kỳ năm 2019).
Trong khi 2019 là năm lỡ hẹn niêm yết của nhiều ngân hàng thì năm 2020 có thể coi là năm khá bùng nổ và sôi động với hàng loạt ngân hàng chuyển sàn, đăng kí niêm yết trên Sàn Giao dịch Chứng khoán TP HCM (HOSE).
ACB, LienVietPostBank, VIB, SHB, Nam A Bank cùng có mục đích chuyển sàn từ HNX hoặc UPCoM lên HOSE, sàn chứng khoán có tiêu chuẩn niêm yết cao nhất Việt Nam. Việc chuyển niêm yết cổ phiếu trên HOSE được đánh giá là bước tiến với cổ phiếu các ngân hàng cho thấy sự minh bạch và lành mạnh về tài chính, tăng tiềm năng của cổ phiếu.
Cùng với việc chuyển sàn, nhiều ngân hàng cũng có kế hoạch niêm yết trực tiếp lên HOSE như OCB, MSB, SeABank.
Điều đặc biệt là những kế hoạch này không chỉ dừng lại ở bước trên giấy như các năm trước mà đang được các ngân hàng tiến hành các bước để biến thành sự thật. Các ngân hàng kể trên đều đã nộp hồ sơ niêm yết và nhiều tổ chức đã được chấp thuận.
Tính tới 25/12, ACB, VIB và MSB đều đã chính thức niêm yết trên HOSE; OCB công bố thông tin nhận được chấp thuận niêm yết từ HOSE. Cùng với đó, ABBank và PG Bank cũng đã chính thức giao dịch trên UPCoM.
Trong năm 2020, nhiều ngân hàng đã khá tích cực và hoàn thành sớm trước hạn cả ba trụ cột của tiêu chuẩn Basel II. Những gương mặt kể đến như: VPBank, MSB, SeABank, Vietcombank, Ngân hàng Bản Việt hay ngân hàng có vốn nước ngoài là Shinhan Bank.
Trước đó, vào cuối năm 2019, VIB là ngân hàng Việt đầu tiên công bố hoàn thiện cả ba trụ cột Basel II. Tiếp đó là các ngân hàng như TPBank, BIDV.
Theo Đề án "Kế hoạch cơ cấu lại ngành dịch vụ đến năm 2020, định hướng đến năm 2025", dự kiến đến năm 2020 các ngân hàng thương mại cơ bản có mức vốn tự có theo chuẩn Basel II (trụ cột 1 và trụ cột 3). Việc áp dụng Trụ cột 2 được yêu cầu vào năm 2021, khoảng thời gian sau 1 năm (theo Thông tư 13).
Hoàn thành sớm trước hạn Basel II cho thấy năng lực tài chính và việc quản trị rủi ro của các ngân hàng Việt đã được cải thiện rõ rệt và rất được quan tâm chú trọng.
Tại kì họp vào tháng 11, Quốc hội đã chính thức miễn nhiệm chức vụ Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đối với ông Lê Minh Hưng. Đồng thời phê chuẩn, bổ nhiệm bà Nguyễn Thị Hồng giữ chức Thống đốc mới, nữ Thống đốc đầu tiên của Việt Nam và là người thứ 15 giữ cương vị này.
Ông Hưng được Bộ Chính trị điều động, phân công giữ chức Chánh văn phòng Trung ương Đảng.