|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Chứng khoán

Nhìn lại chứng khoán Việt Nam 2020: Cần sớm ‘tiêm vắc xin’ phòng lỗi giao dịch, đơ hệ thống

07:30 | 26/12/2020
Chia sẻ
Thị trường chứng khoán Việt Nam có năm 2020 tăng trưởng ấn tượng, vượt qua COVID-19 ngoạn mục. Tạm tính đến 24/12, VN-Index tăng hơn 11% so với cuối năm 2019. Trong bức tranh sáng của thị trường vẫn còn những điểm tổi liên quan hệ thống giao dịch.
Nhìn lại Chứng khoán Việt Nam 2020: Cần sớm ‘tiêm vắc xin’ phòng lỗi giao giao dịch, đơ hệ thống - Ảnh 1.

Thị trường chứng khoán Việt Nam bước vào năm 2020 suôn sẻ, các nhóm cổ phiếu đồng loạt tăng trong tháng 1. Nhà đầu tư tưởng chừng có một năm thuận lợi sau hai năm 2018, 2019 giao dịch chật vật.

Nhưng COVID-19 đã đến, mọi thứ trở nên quá bất ngờ với giới đầu tư chứng khoán giống như sự bất thường của cơn mưa dào đêm giao thừa và sáng mồng một tết Canh Tý ở miền bắc. Thị trường chứng khoán Việt Nam lao dốc ngay trong phiên "mở hàng" đầu năm âm lịch, VN-Index mất gần 32 điểm. Hai phiên 30 – 31/1, chỉ số giảm tổng cộng gần 55 điểm, thổi bay hàng chục tỷ USD vốn hóa.

Làn sóng bán tháo cổ phiếu trên toàn cầu cũng như tại Việt Nam đã diễn ra. Những phiên giao dịch với hàng chục mã bluechip đồng loạt giảm sàn trở nên quen thuộc với nhà đầu tư.

Đang trên đà chinh phục mốc 1.000 điểm, VN-Index lao dốc từ 991,46 điểm (22/1) xuống mốc thấp nhất 649,1 điểm chỉ vì COVID-19. Khi đó, giá trị danh mục của nhiều quỹ đầu tư nước ngoài đã giảm trên 30%.

Bối cảnh thị trường ồ ạt bán ra, nhiều nhà đầu tư đã nghĩ về vùng đáy lịch sử 200 – 300 điểm của VN-Index. Tưởng rằng 2020 đánh dấu một năm thảm hại của giới đầu tư chứng khoán.

Và rồi thị trường đảo ngược khi những gói kích thích kinh tế, bơm tiền được chính phủ các nước đưa ra. Thị trường chứng khoán toàn cầu đã hồi phục với sự kỳ vọng của giới đầu tư.

Chưa dừng lại ở đó, thời kỳ "tiền rẻ", "tiền nhiều không biết làm gì" đẩy thị trường chứng khoán các nước tăng trưởng mạnh. Bỏ qua những bi quan đối với sức khỏe doanh nghiệp, nền kinh tế, thị trường chứng khoán Mỹ đã vượt đỉnh lịch sử và chỉ số Dow Jones lần đầu chinh phục mốc 30.000 điểm.

Còn tại Việt Nam, sau khi tạo đáy vào cuối tháng 3, thị trường tăng điểm liên tiếp các tháng sau đó. Cuối tháng 11, VN-Index chính thức vượt mốc 1.000 điểm – mốc kháng cự tâm lý mà chỉ số đã nhiều lần không thể vượt qua trong năm 2019. Với đà thăng hoa của thị trường, hàng chục cổ phiếu bluechip đã vượt đỉnh lịch sử thiết lập trước đó.

Một lãnh đạo công ty chứng khoán nói ngắn gọn về thị trường năm nay: "Khoảng 90% người Việt có khoản dư giả sẽ nghĩ đến việc gửi tiết kiệm và tiền gửi tiết kiệm trong hệ thống ngân hàng hiện nay lên đến hàng triệu tỉ đồng. Vì lẽ đó, trong năm nay, chỉ một lượng tiền vừa phải dịch chuyển từ tiết kiệm sang kênh chứng khoán đã giúp TTCK năm 2020 tưởng không vui mà vui không tưởng".

Ấn tượng chứng khoán Việt Nam 2020: Cần sớm ‘tiêm vắc xin’ phòng lỗi giao giao dịch, đơ hệ thống - Ảnh 1.

Nhà đầu tư ồ ạt mở tài khoản giao dịch chứng khoán tại Việt Nam. Nguồn: Hoàng Linh

Nhìn lại Chứng khoán Việt Nam 2020: Cần sớm ‘tiêm vắc xin’ phòng lỗi giao giao dịch, đơ hệ thống - Ảnh 3.

Như đã nói bên trên, mọi thứ đều quá bất ngờ thời COVID-19. Trái với tâm lý bi quan của những nhà đầu tư kỳ cựu, lớp nhà đầu tư mới với tên gọi "nhà đầu tư F0" đã xuất hiện. Theo thống kê, số lượng tài khoản giao dịch chứng khoán mở mới tại Việt Nam lập kỷ lục. Tính đến cuối tháng 11 năm nay, số lượng tài khoản giao dịch chứng khoán tại Việt Nam đã vượt mốc 2,7 triệu tài khoản.

Dòng tiền ồ ạt đổ vào thị trường của nhà đầu tư nội đẩy thanh khoản lên mức cao kỷ lục. Những phiên giao dịch với giá trị khớp lệnh trên 15.000 tỷ đồng liên tiếp diễn ra.

"Chưa bao chứng kiến lượng tiền đổ vào thị trường chứng khoán lại nhiều đến thế", một lãnh đạo công ty chứng khoán nói.

Nhưng khi giao dịch bùng nổ, số lượng nhà đầu tư tăng mạnh, thanh khoản kỷ lục, hệ thống giao dịch trên TTCK Việt Nam đã bộc lộ những điểm yếu.

Ghi nhận tại các công ty chứng khoán, khi thị trường biến động mạnh, hệ thống giao dịch tại các công ty đã gặp sự cố, nhà đầu tư không thể đăng nhập hay nhận mã xác nhận để thực hiện các lệnh mua/bán.

Đáng nói, sự cố hệ thống giao dịch của các công ty chứng khoán diễn ra dày đặc. Tâm lý nhà đầu tư đã bị tác động không nhỏ khi hệ thống giao dịch "giở trò" trong những phiên thị trường bị bán tháo trên diện rộng.

Sự cố giao dịch xuất hiện thường xuyên trên cả thị trường chứng khoán cơ sở và thị trường phái sinh. Lời giải thích các nhà đầu tư nhận được từ các công ty chứng khoán là điệp khúc "lỗi đường truyền".

Sau loạt lỗi giao dịch hệ thống phái sinh, Chứng khoán VPS còn quyết định trao thưởng 2 tỷ đồng để tìm ra hacker tấn công từ chối dịch vụ (Distributed Denial of Service – DDoS) của công ty chứng khoán này. Sau nhiều tháng tìm kiếm hacker vẫn chưa được thấy.

Bệnh "lỗi giao dịch" tại các công ty chứng khoán quá đỗi quen thuộc với nhà đầu tư và khi đặt bút ký vào bản hợp đồng mở tài khoản, đồng nghĩa là phải chấp nhận toàn bộ rủi ro mang tính khách quan và bất khả kháng này.

Trong thời gian gần đây, giới đầu tư lại được phen xôn xao khi hệ thống giao dịch tại Sở Giao dịch Chứng khoán TP HCM (HOSE) có vẻ bộc lộ sự quá tải. Những phiên giao dịch buổi chiều "lờ đờ" thường diễn ra. Trước đó, đầu tháng 6, HOSE gặp sự cố trong phiên khớp lệnh ATC.

Theo tìm hiểu, trên nhiều diễn đàn, hội nhóm đầu tư chứng khoán, nhà đầu tư đang truyền tai nhau thông tin việc khó có thể giao dịch các cổ phiếu niêm yết trên sàn HOSE khi thanh khoản vượt 13.000 – 14.000 tỷ đồng.

Quan sát trong phiên giao dịch 24/12, trong phiên giao dịch buổi sáng, giá trị giao dịch trên sàn HOSE đạt kỷ lục 12.752 tỷ đồng. Nhưng trong phiên chiều, giá trị giao dịch trên sàn này giảm sâu, chỉ đạt khoảng 1.300 tỷ đồng.

Ấn tượng chứng khoán Việt Nam 2020: Cần sớm ‘tiêm vắc xin’ phòng lỗi giao giao dịch, đơ hệ thống - Ảnh 2.

Tại một sự kiện gần đây, ông Lê Hải Trà - Thành viên phụ trách Hội đồng quản trị của HOSE giải thích rằng số lượng lệnh giao dịch từ Top20 công ty chứng khoán dẫn đầu đã tăng từ 3 – 12 lần. Dù HOSE đã có năng lực dự phòng nhất định, nhưng mức tăng này quá lớn, khiến hệ thống không thể đáp ứng nhu cầu khi đường truyền giữa hệ thống của Sở và hệ thống của các CTCK không thay đổi.

"Các NĐT và các CTCK sử dụng các phần mềm giao dịch bằng robot, thuật toán, điều đó khiến số lượng lệnh tăng đột biến và HOSE không có khả năng kiểm soát. Tuy nhiên, HOSE chưa thể làm rõ tác động của việc này tổn hại bao nhiêu đến hoạt động giao dịch trên thị trường trong thời điểm nhạy cảm như hiện tại", ông Lê Hải Trà nói.

Giải pháp tình thế được vị lãnh đạo HOSE đưa ra đó là tăng lô giao dịch tối thiểu từ 10 cổ phần lên 100 cổ phần. Hoạt động này sẽ giảm khoảng 18% số lượng đặt lệnh trên thị trường.

Còn về dài hạn, hệ thống giao dịch mới được HOSE triển khai vẫn đang chờ đợi các chuyên gia từ Hàn Quốc.

"Sở đã có dự án công nghệ thông tin lớn, thay đổi cho hệ thống giao dịch hiện tại của HOSE, HNX và VSD hay nói cách khác là nền tảng của toàn bộ hệ thống của TTCK Việt Nam. Theo kế hoạch, trong năm 2020 hệ thống đã có thể hoàn thành. 

Tuy nhiên, do đại dịch COVID-19 khiến các chuyên gia của Sở Giao dịch Chứng khoán Hàn Quốc không thể sang Việt Nam. Đây sẽ là nhiệm vụ trọng tâm và cấp bách trong năm 2021", ông Lê Hải Trà cho biết.

Như vậy, hệ thống giao dịch trên thị trường chứng khoán Việt Nam vẫn đang chờ thêm thời gian để có thể đưa vào triển khai. Theo người đứng đầu HOSE, hệ thống mới có năng lực gấp nhiều lần hệ thống hiện tại. Nhà đầu tư có cơ sở để kỳ vọng hệ thống mới như là "liều vắc xin" cho hệ thống giao dịch chứng khoán Việt Nam.

Trở lại với hoạt động ứng dụng công nghệ năm 2020, bên cạnh những điểm còn hạn chế về hệ thống giao dịch, các đơn vị trên thị trường cũng đã có những điểm tích cực. 

Đơn cử, các công ty đã đồng loạt triển khai dịch vụ mở tài khoản trực tuyến 100% - ứng dụng công nghệ eKYC. Điều này giúp người dân tiếp cận dễ dàng hơn với kênh chứng khoán. Hay hệ thống bỏ phiếu điện tử (e-voting) của Trung tâm Lưu ký Chứng khoán Việt Nam (VSD) đã phát huy tác dụng trong việc tổ chức đại hội đồng cổ đông thường niên.

Lợi Hoàng

Top 10 địa phương IIP cao nhất 11 tháng: Phú Thọ bất ngờ dẫn đầu
Trong 11 tháng đầu năm 2024, chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) so với cùng kỳ năm trước tăng ở 60 địa phương và giảm ở 43 địa phương trên cả nước cho thấy tín hiệu tích cực của ngành sản xuất. Trong đó các địa phương có IIP tăng cao chủ yếu nhờ hoạt động thuỷ điện hoặc chế biến, chế tạo tăng trưởng mạnh.