|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Hàng hóa

Động lực mới cho giá dầu những ngày gần đây

17:45 | 08/02/2021
Chia sẻ
Lượng dầu thô tồn kho tích lũy trong thời kỳ đại dịch "bốc hơi" nhanh hơn nhiều so với dự đoán của các chuyên gia, giá dầu nhờ đó có thêm một động lực mới.

Thị trường dầu mỏ đang được nâng đỡ

Trên thị trường thế giới, giá dầu thô hiện đang dao động quanh mức đỉnh một năm ghi nhận vào tuần trước. Giá dầu Brent giao sau đã tăng hơn 50% kể từ cuối tháng 10 và đang tiến sát mốc 60 USD/thùng. 

Giá dầu WTI giao sau lần đầu tiên phá mốc 55 USD/thùng sau hơn một năm vào tuần trước và đang giao dịch quanh ngưỡng 57,3 USD/thùng.

Tốc độ phục hồi của thị trường dầu mỏ khiến một số nhà đầu tư và giới phân tích kinh ngạc, vì đại dịch COVID-19 vẫn đang siết chặt nhu cầu dầu thô trên toàn cầu. Nhờ biến động mới của giá dầu, cổ phiếu của các ông lớn dầu mỏ như Exxon Mobil và ConocoPhillips cũng được hưởng lợi.

"Rõ ràng, thị trường đang được nâng đỡ", ông John Kilduff - đối tác của quỹ phòng hộ Again Capital, cho hay. "Giá dầu WTI cũng sẽ hướng đến mục tiêu 60 USD/thùng".

Động lực mới cho giá dầu những ngày gần đây - Ảnh 1.

Theo Wall Street Journal, giá dầu đang tăng trở lại giữa một bối cảnh kinh tế khá lẫn lộn. Hôm 5/2, dữ liệu việc làm tháng 1 của Bộ Lao động Mỹ cho thấy nền kinh tế lớn nhất thế giới vẫn còn một chặng đường dài để phục hồi.

Tuy nhiên, thị trường chứng khoán lại tiếp tục tăng cao, một phần vì nhà đầu tư đang kỳ vọng vào gói cứu trợ 1.900 tỷ USD của Tổng thống Biden và việc triển khai vắc xin ngừa COVID-19.

Nguyên nhân cho đà phục hồi của giá dầu là gì? Lượng dầu thô tồn kho khổng lồ tích lũy trong giai đoạn đầu của đại dịch đã sụt giảm nhanh hơn dự đoán của nhiều chuyên gia.

Giới thương nhận nhận định, nếu nguồn cung tiếp tục giảm mà nhu cầu của các nền kinh tế phát triển lại tăng, giá dầu sẽ bật tăng hơn nữa. Hiện tại, nhu cầu dầu thô của Trung Quốc và Ấn Độ đã phục hồi.

Dầu thô tồn kho giảm mạnh chủ yếu là do nỗ lực hạn chế sản lượng của liên minh OPEC+, dẫn đầu là Arab Saudi. Khi cuộc khủng hoảng dầu thô đi đến đỉnh điểm vào tháng 4 năm ngoái, các nước thành viên OPEC+ đã đồng ý giảm sản lượng kỷ lục để hỗ trợ giá dầu. Tính đến nay, liên minh dầu mỏ OPEC+ đã giảm tổng cộng 2,1 tỷ thùng dầu.

Các công ty dầu đá phiến Mỹ cũng vào cuộc, Wall Street Journal viết. Hiện tại, nhu cầu dầu mỏ vẫn còn ở dưới mức trước đại dịch, dù lượng tiêu thụ xăng và dầu nhiên liệu đã khởi sắc.

Theo Cơ quan Thông tin Năng lượng, khối lượng dầu thô mà các hãng dầu mỏ tại Mỹ bơm ra thị trường đang thấp hơn 17% so với mức trước đại dịch.

Kết luận, nhà phân tích Martijn Rats của Morgan Stanley nói, tất cả yếu tố trên đã kéo sản lượng dầu thô và các sản phẩm dầu mỏ trên toàn thế giới giảm khoảng 5% từ mức đỉnh năm 2020.

Chênh lệch giá dầu giao ngay và giá giao sau

Thế giới sẽ không thiếu dầu thô. Song, từ mối quan hệ giữa giá dầu giao ngay và giá giao sau, có dấu hiệu cho thấy thị trường đang tự siết chặt. Giá dầu giao ngay đang chênh lệch với giá giao sau, dường như thương nhân sẵn sàng trả nhiều hơn để có thể tiếp cận ngay nguồn cung dầu.

Hôm 5/2, giá hợp đồng dầu WTI giao vào tháng 3 tới cao hơn hợp đồng giao vào tháng 3 năm sau khoảng 5,16 USD/thùng. Đây là mức chênh lệch lớn nhất từng ghi nhận với các hợp đồng giao sau kể từ khi đại dịch bùng phát và đảo ngược hoàn toàn trạng thái giá dầu âm hồi cuối tháng 4 năm ngoái.

Động lực mới cho giá dầu những ngày gần đây - Ảnh 2.

"Đó là một chỉ báo mang tính tích cực. Tôi nghĩ chúng ta không cần phải hoài nghi", ông Scott Shelton, chuyên gia môi giới năng lượng tại United ICAP, cho hay.

Wall Street Journal dẫn lời các nhà phân tích cho biết, tình trạng bù hoãn bán (backwardation) là động lực chính cho thị trường dầu mỏ hiện tại. Tình trạng này được khuếch đại khi nhiều hãng hàng không và các công ty chuyên mua dầu thô để bảo vệ giá nhiên liệu dần ít mua năng lượng theo hợp đồng dài hạn hơn.

Một số nhà đầu tư nhận thấy đà tăng của giá dầu sẽ tiếp tục. Lợi thế này sẽ khuyến khích các thương nhân bơm dầu ra khỏi kho chứa, vì họ có thể kiếm được nhiều tiền hơn từ các hợp đồng dầu giao ngay.

Điều đó sẽ tạo thêm động lực cho giá dầu. Giá dầu giao sau càng thấp càng khiến các nhà sản xuất khó thu lợi nhuận, buộc họ phải giữ dầu dưới lòng đất thay vì bơm ra thị trường và nguồn cung sẽ bị siết chặt. Nguồn cung càng bị siết chặt, giá dầu càng hưởng lợi.

Ông Mark Humes, quản lý danh mục đầu tư của BlackRock, nhận định tình trạng bù hoãn bán có thể khuyến khích các nhà quản lý quỹ đặt cược vào dầu thô. 

Khi giá dầu giao ngay chênh lệch lớn so với giá giao sau, các quỹ sẽ hưởng lợi khi hợp đồng tương lai gần ngày hết hạn và sau đó họ lại chuyển vị thế mua sang các hợp đồng dài hạn và rẻ hơn.

Dù vậy, một số nhà phân tích cho rằng nhà đầu tư đang quá lạc quan. Theo các chuyên gia này, thị trường dầu mỏ sẽ đối mặt với nhiều trở ngại mới, chẳng hạn như hàng triệu thùng dầu mà Iran có thể bơm ra thị trường nếu ông Biden nối lại quan hệ với Tehran. Ngoài ra, các biến chủng SARS-CoV-2 cũng có thể buộc nhiều nước ban hành đợt phong tỏa mới.

"Khi chúng ta sẵn sàng tạm biệt đại dịch, đại dịch lại không chịu buông tha", bà Helima Croft, trưởng bộ phận phân tích hàng hóa tại RBC Capital Markets cảnh báo.

Khả Nhân