|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Hàng hóa

Chiến lược câu giờ thành công của OPEC+ trước thời khắc ra quyết định khó khăn

16:10 | 03/02/2021
Chia sẻ
Khi tổ chức họp vào ngày 3/2 tới, OPEC và các đồng minh có thể ăn mừng chiến lược câu giờ thành công mà họ thực hiện để ổn định thị trường dầu mỏ thế giới. Song, liên minh này sẽ sớm phải đối mặt với một số lựa chọn khó khăn để củng cố thị trường.

Arab Saudi giúp OPEC+ câu giờ

Tháng 1 năm nay, liên minh dầu mỏ OPEC+ đã nhất trí hạ mức giảm sản lượng từ 7,7 triệu thùng/ngày xuống còn 7,2 triệu thùng/ngày. Song cùng lúc, Bộ trưởng Bộ Năng lượng Arab Saudi, Hoàng tử Abdulaziz bin Salman, cam kết tự nguyện giảm sản lượng thêm 1 triệu thùng/ngày.

OPEC+ dự kiến tăng sản lượng thêm 2 triệu thùng/ngày trong năm nay. Tuy nhiên, do ảnh hưởng của đợt bùng phát COVID-19 mới, liên minh dầu mỏ này đã đồng ý tạm ngưng kế hoạch mới hai tháng sau khi bơm thêm 500.000 thùng/ngày vào tháng 1.

Lời hứa của Arab Saudi đã củng cố thị trường dầu mỏ trước đợt tấn công gần nhất của đại dịch COVID-19. Giá dầu phục hồi về mốc 55 USD/thùng, doanh thu của các công ty dầu mỏ cũng tăng theo.

Động thái của Arab Saudi còn góp phần giải tỏa bớt căng thẳng cho OPEC+ nên liên minh dầu mỏ có thể chưa cần phải điều chỉnh chính sách trong cuộc họp vào ngày 3/2 tới. Song, OPEC+ sẽ phải bắt đầu xem xét nên hạn chế sản lượng trong bao lâu, đặc biệt là khi Iran có thể bơm một lượng dầu ra thị trường dưới thời Tổng thống Mỹ Joe Biden.

Chiến lược gia Helima Croft của RBC Capital Markets nhận xét: "Trên thực tế, hướng đi thận trọng của Hoàng tử Abdulaziz bin Salman rất đúng".

Chiến lược câu giờ thành công của OPEC+ trước thời khắc ra quyết định khó khăn - Ảnh 1.

Ảnh minh họa: Bloomberg.

Bloomberg dẫn lời ông Bill Farren-Price, Giám đốc của công ty nghiên cứu Enverus, cho hay: "Động thái tự nguyện giảm sản lượng của Arab Saudi đã cho OPEC+ thêm thời gian". Các thương gia buôn dầu lớn đồng ý rằng, thị trường dầu mỏ sẽ khó phục hồi trước khi ngành du lịch hàng không khởi sắc, nhiều khả năng là vào quý III năm nay.

Mấu chốt vấn đề mà OPEC+ gặp phải là căng thẳng giữa Arab Saudi và đối tác lớn nhất trong liên minh - Nga. Trong khi Riyadh muốn tăng giá dầu để trang trải chi tiêu chính phủ thì Moscow, vốn không vấp phải áp lực tương tự, muốn giành lại thị phần.

Ngày 3/2, Ủy ban Bộ trưởng OPEC+ (JMMC) sẽ họp trực tuyến để đánh giá triển vọng của thị trường dầu mỏ trong năm nay. JMMC nhiều khả năng sẽ không đề xuất chính sách mới, mà sẽ đưa ra hướng giải quyết trong cuộc họp bộ trưởng đầy đủ tiếp theo vào đầu tháng 3, Bloomberg dẫn nguồn tin giấu tên cho hay.

Rủi ro mà OPEC+ nên cân nhắc

Dù hành động của Arab Saudi giúp thị trường bình tâm trước quyết định lớn, Nga lại lo ngại rằng hỗ trợ giá dầu quá lâu sẽ phản tác dụng, cụ thể là kích thích dòng vốn đầu tư vào ngành dầu đá phiến Mỹ và tạo điều kiện để một lượng lớn nguồn cung tràn ra thị trường. Khối công việc của OPEC+ khi đó sẽ càng thêm khó khăn hơn.

Tại cuộc họp tháng trước, Phó Thủ tướng Nga Alexander Noval đã đề xuất OPEC+ tăng sản lượng và cố gắng thuyết phục Hoàng tử Abdulaziz bin Salman từ bỏ việc đơn phương giảm sản lượng.

Ông Helge Andre Martinsen, nhà phân tích thị trường tại ngân hàng DNB Bank, cho biết: "Cuộc họp tháng 3 của OPEC+ sẽ rất căng thẳng. Nga sẽ xem đó là thất bại lớn nếu việc cắt giảm sản lượng của OPEC+ giúp ngành dầu đá phiến Mỹ tăng trưởng, trong khi liên minh dầu mỏ đang còn nhiều nguồn cung dự phòng".

Theo Bloomberg, Nga không phải là thành viên duy nhất của OPEC+ muốn nới lỏng mức giảm sản lượng. Iraq đang chìm trong khủng hoảng kinh tế và rất cần thêm nguồn thu từ dầu mỏ. Tiếp theo là vấn đề đến từ Iran.

Chính quyền Tổng thống Joe Biden đang tìm cách tái kích hoạt thỏa thuận phi hạt nhân với Iran. Điều này có thể giúp Iran bơm gần 2 triệu thùng dầu ra thị trường mỗi ngày. Sau khi chiến dịch gây áp lực tối đa của cựu Tổng thống Trump kết thúc, xuất khẩu dầu thô của Iran đã tăng cao hơn.

Tuy nhiên, Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken cho biết còn một chặng đường dài trước khi Washington và Tehran có thể nối lại thỏa thuận. Theo bà Helima Croft của RBC, khi mà hai bên ra sức tranh giành lợi thế đàm phán với nhau và Tehran đang đe dọa làm giàu uranium, hai nước có thể bị rạn nứt thêm thay vì hòa giải dưới thời ông Biden.

Song, nếu Mỹ và Iran kích hoạt lại thỏa thuận phi hạt nhân, OPEC+ sẽ phải lựa chọn giữa việc giảm thêm sản lượng hoặc nhìn nỗ lực thời gian qua trở nên công cốc. "Nếu Iran xuất khẩu thêm dầu, OPEC+ sẽ đối mặt với một thách thức mới. Liên minh dầu mỏ cần phải tính đến yếu tố này trong kế hoạch sắp tới", ông Farren-Price nhận định.

Yên Khê

Chủ tịch Kinh Bắc: Thị trường bất động sản muốn ấm phải chờ sang năm
Theo ông Đặng Thành Tâm, Chủ tịch HĐQT Kinh Bắc, thị trường bất động sản đến thời điểm này vẫn chưa ấm lên và có thể sẽ có dấu hiệu phục hồi theo hướng phát triển bền vững từ cuối năm nay.