[Infographic] 9 công ty dầu mỏ nhà nước lớn nhất thế giới
Dầu mỏ là một trong các tài nguyên thiên nhiên quan trọng nhất trên thế giới và đóng vai trò quan trọng trong gần như mọi hoạt động, từ nhiên liệu giao thông đến mỹ phẩm.
Vì lý do trên, chính phủ nhiều nước chọn quốc hữu hóa nguồn cung dầu mỏ trong nước. Điều này giúp họ kiểm soát tốt hơn trữ lượng dầu cũng như có thể tiếp cận các nguồn doanh thu bổ sung.
9 công ty dầu mỏ nhà nước theo doanh thu
Trung Quốc là quê nhà của hai công ty dầu mỏ nhà nước lớn nhất trong danh sách của Visual Capitalist, gồm Tập đoàn Sinopec và Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Trung Quốc (CNPC).
Hai ông lớn này đều tham gia vào hoạt động khai thác dầu ở thượng nguồn và hạ nguồn, trong đó thượng nguồn đề cập đến hoạt động thăm dò và chiết tách dầu thô và hạ nguồn liên quan đến lọc và phân phối dầu mỏ.
Đáng chú ý, nhiều công ty dầu mỏ nhà nước lớn đều được niêm yết trên các thị trường chứng khoán đại dịch, ví dụ Sinopec đang giao dịch trên các sàn giao dịch ở Thượng Hải, Hong Kong, New York và London.
Niêm yết đại chúng có thể là một chiến lược hiệu quả đối với các công ty dầu mỏ nhà nước, vì họ có thể bán cổ phiếu để huy động vốn cho các dự án mới, đồng thời đảm bảo chính phủ vẫn duy trì quyền kiểm soát doanh nghiệp. Trong trường hợp của Sinopec, 68% cổ phần của hãng này do chính quyền Bắc Kinh nắm giữ.
Saudi Aramco là công ty dầu mỏ nhà nước mới nhất đi theo chiến lược niêm yết đại chúng. Năm 2019, Saudi Aramco lần đầu chào bán cổ phiếu ra công chúng (IPO). Với giá khoảng 8,53 USD/cổ phiếu, đợt IPO giúp ông lớn dầu mỏ của Arab Saudi huy động được 25,6 tỷ USD. Đây cũng là một trong các thương vụ IPO lớn nhất trong lịch sử thế giới.
Căng thẳng địa chính trị
Bởi vì các công ty dầu mỏ nhà nước có mối liên hệ trực tiếp với chính phủ, đôi khi các công ty này có thể bị vướng vào xung đột địa chính trị.
Ví dụ, nhiệm kỳ tổng thống gây tranh cãi của ông Nicolás Maduro đã dẫn đến việc Washington áp đặt các biện pháp trừng phạt với chính phủ, ngân hàng trung ương và công ty dầu mỏ nhà nước của Venezuela, Petróleos de Venezuela (PDVSA).
Ảnh hưởng của những lệnh trừng phạt từ chính phủ Mỹ là đặc biệt nghiêm trọng, sản lượng hàng ngày của PDVSA liên tục giảm từ năm 2016.
Tại một quốc gia mà dầu mỏ chiếm 95% kim ngạch xuất khẩu, triển vọng kinh tế của Venezuela ngày càng trở nên u ám. Giọt nước tràn ly cuối cùng diễn ra vào tháng 8/2020, khi giàn khoan dầu cuối cùng còn lại của đất nước Nam Mỹ tạm ngừng hoạt động.
Các công ty dầu mỏ nhà nước khác cũng bị Mỹ trừng phạt gồm Rosneft của Nga và Công ty Dầu mỏ Quốc gia Iran (NIOC). Rosneft bị Mỹ trừng phạt vào năm 2020 vì tạo điều kiện để Venezuela xuất khẩu dầu ra nước ngoài.
Trong khi đó, NIOC bị nhắm đến vì hỗ trợ tài chính cho Vệ binh Cách mạng Hồi giáo Iran, một thực thể được cho là tổ chức khủng bố nước ngoài.
Biến đổi khí hậu
Tương tự các ngành công nghiệp nhiên liệu hóa thạch khác, các công ty dầu mỏ nhà nước cũng chịu nhiều áp lực từ biến đổi khí hậu. Trong tương lai, chính phủ các nước sẽ phải tìm ra hướng đi để cân bằng lợi ích kinh tế và bảo vệ môi trường.
Brazil rơi vào tình thế khó xử khi Tổng thống Jair Bolsonaro bị chỉ trích vì lập trường chống chính sách bảo vệ môi trường của ông. Tháng 6/2020, một nhóm các công ty đầu tư châu Âu đại diện cho khoảng 2.000 tỷ USD tài sản đã đe dọa thoái vốn khỏi Brazil nếu nước này không tích cực đưa ra giải pháp để bảo vệ rừng nhiệt đới Amazon.
Theo Visual Capitalist, những loại tối hậu thư như trên có thể là giải pháp để thúc đẩy chính phủ nhiều nước hành động chống biến đổi khí hậu. Tháng 12/2020, Petrobras, công ty dầu khí nhà nước Brazil, đã cam kết giảm 25% lượng khí thải carbon vào năm 2030. Tuy nhiên, khi được hỏi về các cam kết trong tương lai, CEO của Petrobras lại không mấy nhiệt tình.
Một ví dụ khác là công ty dầu khí nhà nước Petronas của Malaysia. Tháng 11/2020, Petronas công bố dự định giảm mức phát thải khí nhà kính xuống mức 0 vào năm 2020. Petronas là công ty duy nhất của Malaysia lọt vào danh sách Fortune Global 500.
Thách thức ở phía trước
Giữa những xung đột địa chính trị, lo ngại về môi trường và biến động giá dầu mỏ, các công ty dầu khí nhà nước có thể sẽ phải đối mặt với một môi trường khắc nghiệt hơn trong nhiều thập kỷ tới.
Đối với Petronas, hoàn thành mục tiêu giảm phát thải năm 2050 sẽ đòi hỏi mức đầu tư đáng kể vào các loại năng lượng sạch. Công ty này đang tham gia vào nhiều dự án năng lượng mặt trời trên khắp châu Á và đã bắt đầu bày tỏ mối quan tâm vào nhiên liệu hydro.
Trong khi đó, các công ty dầu mỏ quốc gia của Trung Quốc đang phải đối mặt với một loạt đe dọa ngắn hạn. Để tuân thủ lệnh hành pháp mà chính quyền cựu Tổng thống Trump ban hành hồi tháng 11/2020, Sàn Giao dịch Chứng khoán New York (NYSE) đã thông báo sẽ loại cổ phiếu của ba công ty viễn thông nhà nước Trung Quốc.
Giới phân tích tin rằng các công ty dầu mỏ như Sinopec cũng có thể bị loại vì mối liên hệ họ với quân đội Trung Quốc.