Thị trường dầu mỏ vẫn chưa thể bứt phá trong năm 2021 mặc cho tín hiệu tích cực vắc xin COVID-19?
Năm 2020 - Lần đầu tiên giá dầu thô giảm xuống mức âm
2020 là một năm đầy biến động với thị trường dầu toàn cầu khi mà đại dịch COVID-19 đã ảnh hưởng nặng nề đến nhu cầu tiêu thụ dầu mỏ.
Theo Thebalance, giá dầu Brent bắt đầu tăng mạnh vào năm 2020, đạt mức trung bình 64 USD/thùng vào tháng 1.
Tuy nhiên, giá dầu Brent đã giảm mạnh trong quý II/2020 xuống 9 USD/thùng vào tháng 4/2020 trong khi giá dầu WTI lần đầu tiên trong lịch sử giảm còn -37 USD/thùng.
Dịch COVID-19 khiến nhu cầu dầu mỏ giảm mạnh khi hàng loạt quốc gia phải phong tỏa hoặc giãn cách xã hội khiến hoạt động giao thông bị tê liệt.
Thị trường dần phục hồi sau đó khi giá dầu Brent trung bình trên 40 USD/thùng vào tháng 6 và tiếp tục duy trì mức giá đó trong những tháng tiếp theo.
Sự sụt giảm nhu cầu từ đại dịch COVID-19 đã trở nên tồi tệ hơn khi nguồn cung dư thừa bởi thỏa thuận hạn chế sản lượng của OPEC và các nước đồng minh (OPEC+) chỉ có hiệu lực đến tháng 3/2020.
Tại cuộc họp ngày 6/3/2020, Nga tuyên bố sẽ ngừng thực hiện thỏa thuận này kể từ ngày 1/4/2020. Đáp lại, OPEC đã tuyên bố cũng sẽ tăng cường sản xuất dầu.
Tuy nhiên, trước tình hình giá dầu thô giảm quá sâu, ngày 12/4/2020, OPEC và Nga đã đồng ý thỏa thuận cắt giảm sản lượng dầu với mức kỉ lục, tương đương khoảng 10% nguồn cung toàn cầu nhằm hỗ trợ giá dầu.
Theo đó, OPEC+ sẽ thắt chặt sản lượng đến tháng 4/2022, bắt đầu với mức cắt giảm 9,7 triệu thùng/ngày trong tháng 5 và tháng 6/2020, sau đó giảm còn 7,7 triệu thùng/ngày kể từ tháng 7/2020 cho đến cuối năm 2020. Việc giảm sản lượng sau đó sẽ duy trì đến tháng 4/2022
Cụ thể, từ tháng 1/2021 cho đến tháng 4/2022, con số này giảm xuống còn 6 triệu thùng/ngày.
Giá dầu nhờ đó cũng trở lại biên độ tich cực. Theo báo cáo của Cơ quan năng lượng Mỹ (EIA), giá dầu thô Brent giao ngay đạt trung bình 43 USD/thùng trong tháng 11/2020, tăng 3 USD/thùng so với tháng 10/2020.
Giá dầu Brent tăng trong tháng 11 một mặt do nhu cầu tiêu thụ dầu tăng sau những tin tức tích cực về hiệu quả của các loại vắc-xin ngừa COVID-19.
Mặt khác do thị trường kì vọng rằng OPEC+ sẽ trì hoãn hoặc hạn chế kế hoạch sản xuất vào tháng 1/2021.
Giá dầu thô vẫn chưa thể tăng mạnh trong năm 2021?
Trong báo cáo Triển vọng Năng lượng Ngắn hạn tháng 12, EIA ước tính giá dầu thô Brent giao ngay có thể giữ ở mức trung bình 49 USD/thùng vào năm 2021, tăng từ mức trung bình 43 USD/thùng trong quý IV/2020.
Dự báo này của EIA phản ánh kì vọng của các nhà phân tích rằng tồn kho dầu toàn cầu sẽ giảm khi nhu cầu dầu tăng và OPEC+ tiếp tục thắt chặt sản lượng theo đúng kế hoạch.
Tuy nhiên theo CNBC, tổ chức xếp hạng tín nhiệm Fitch Ratings dự báo giá dầu Brent sẽ giảm xuống mức 45 USD/thùng trong năm 2021 bất chấp những tin tức tích cực về hiệu quả của các loại vắc xin phòng chống COVID-19.
Mức giá này thấp hơn 9% so với mức giá được dự đoán bởi công ty phân tích tài chính Refinitiv Eikon là 49,3 USD/thùng.
50 USD/thùng là mức giá dự báo phổ biến nhất theo một cuộc khảo sát từ 36 nhà phân tích.
Dmitry Marinchenko, giám đốc cấp cao tại Fitch Ratings, cho biết: “Với giá dầu Brent dự đoán ở mức 45 USD/thùng cho thấy nhu cầu tiêu thụ vẫn thấp do tiến độ tiêm chủng vắc xin COVID-19 đại trà có thể sẽ không diễn ra một cách nhanh chóng”.
Vừa qua, Anh đã trở thành quốc gia đầu tiên phê duyệt vắc xin COVID-19 của công ty dược phẩm Pfizer và BioNTech để sử dụng trong trường hợp khẩn cấp.
Nhưng các bác sĩ đã cảnh báo rằng có thể sẽ mất nhiều tháng trước khi vắc xin được phổ biến rộng rãi.
Giá dầu tăng khi một số công ty dược phẩm, bao gồm Pfizer-BioNTech và Moderna, công bố tỉ lệ hiệu quả của vắc xin cao hơn 90% vào tháng trước.
Tuy nhiên, ông Marinchenko cho rằng vắc xin có thể sẽ không tác động đáng kể đến nhu cầu dầu mỏ cho đến nửa cuối năm 2021.
Ông này cũng cho hay: “Với nhu cầu tiêu thụ dầu yếu và việc OPEC đang cố gắng quản lí nguồn cung để tránh tồn kho dầu thô hoặc thâm hụt lớn trên thị trường, chúng tôi kì vọng giá dầu sẽ ở mức 45 USD/thùng”.