|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Hàng hóa

Ngành công nghiệp dầu đá phiến Mỹ có thể chặn đứng đà phục hồi của thị trường dầu mỏ

17:21 | 18/05/2020
Chia sẻ
Nỗ lực giảm sản lượng để ứng phó với đà lao dốc của thị trường dầu mỏ hiện đang tập trung chủ yếu ở các nước thành viên OPEC, còn Mỹ lại "án binh bất động".

Nếu ngành công nghiệp dầu đá phiến Mỹ chớp thời cơ bơm dầu trở lại khi thị trường chỉ mới có dấu hiệu phục hồi, hậu quả sẽ rất nghiêm trọng.

Ngành công nghiệp dầu đá phiến Mỹ có thể chặn đứng đà phục hồi của thị trường dầu mỏ - Ảnh 1.

Ảnh minh họa. Nguồn: oilprice.com

Trong vài tuần qua, thị trường dầu mỏ toàn cầu đồng loạt lao dốc nghiêm trọng nhưng không có nơi nào tồi tệ hơn ngành công nghiệp dầu đá phiến Mỹ. 

Thậm chí vào tháng 4, giá dầu WTI giao tháng 5 đã giảm xuống gần -40 USD/thùng - mức thấp kỉ lục trong lịch sử thị trường năng lượng.

Giá dầu thô lao dốc là do nhu cầu năng lượng sụt giảm mạnh sau khi đại dịch COVID-19 bùng phát. Cuộc chiến giá dầu giữa Arab Saudi và Nga và tình trạng cạn kiệt kho chứa còn làm tình hình thêm trầm trọng hơn.

Thị trường dầu mỏ toàn cầu phải gồng mình hứng chịu ba cú đánh nêu trên, khiến ngành công nghiệp dầu đá phiến Mỹ bị cuốn vào một làn sóng phá sản và sa thải, cắt giảm nhân sự.

Theo tờ Houston Chronicle, số lượng giàn khoan của Mỹ đã giảm 62% so với năm ngoái và hiện tại đang ngang bằng số giàn khoan cách đây một thập kỉ, tức vào năm 2009.

Trên khắp lục địa Bắc Mỹ, nhiều giếng dầu đang dần đóng cửa, trong khi sản lượng khai thác nói chung giảm nhanh hơn cả dự đoán của giới phân tích.

Forbes đưa tin, đến cuối tháng 6, ngành công nghiệp dầu đá phiến Mỹ sẽ giảm sản lượng khoảng 1,7 triệu thùng dầu/ngày để ứng phó với tình trạng giá dầu liên tục thấp và kho chứa cạn kiệt.

Điều đáng mừng ở cả Mỹ lẫn trên phạm vi quốc tế là thị trường dầu mỏ đang dần cho thấy một số dấu hiệu phục hồi, oilprice.com viết.

Ngày 11/5, Arab Saudi - nhà sản xuất dầu thô lớn thứ hai thế giới sau Mỹ, tuyên bố họ sẽ giảm sản lượng mạnh tay hơn trong vài tháng tới và giá dầu thô đã nhanh chóng bật tăng sau thông báo này dù mức tăng khá khiêm tốn.

"Saudi Aramco, công ty dầu khí do chính phủ Arab Saudi kiểm soát, sẽ sản xuất khoảng 7,5 triệu thùng/ngày trong tháng 6, giảm so với hơn 12 triệu thùng/ngày hồi tháng 4", Barron's đưa tin. Kuwait và UAE cũng tuyên bố sẽ giảm sản lượng nhiều hơn so với theo thỏa thuận của OPEC+.

Mỹ "án binh bất động", cản đà phục hồi của thị trường dầu mỏ

Tuy nhiên, vì một số lí do, chính phủ Mỹ lại không áp dụng các biện pháp mạnh tay như của các nước thành viên OPEC+.

Theo Forbes, "vì Mỹ nắm giữ lợi thế lớn so với Arab Saudi và các đồng minh OPEC ở Trung Đông nhờ vào sức mạnh quân sự, không có gì đáng ngạc nhiên khi các nước vùng Vịnh sẽ gánh vác mức giảm sản lượng của Mỹ".

Tuy nhiên, Barron's chỉ ra, do cơ cấu ngành dầu mỏ nội địa và chính sách kiểm soát phi tập trung, Mỹ không thể bắt đầu và ngừng sản xuất tương tự các quốc gia chuyên chế như Arab Saudi và Kuwait.

Nhờ việc Trung Đông tích cực giảm sản lượng khai thác và ngành công nghiệp dầu đá phiến Mỹ dần đi xuống, nhiều nhà phân tích đang khá lạc quan về tương lai của thị trường dầu mỏ.

Một số người thậm chí còn dự đoán "thị trường có thể thiếu cung đến 5 triệu thùng/ngày vào năm 2025", trong khi số khác dự đoán giá dầu có thể tăng lên 100 USD/thùng, Forbes dẫn thông cáo báo chí của Rystad Energy cho hay.

"Tuy nhiên, câu hỏi lớn bây giờ là liệu các nhà sản xuất dầu đá phiến Mỹ có làm hỏng việc bằng cách khai thác lại các giếng dầu đã đóng hoặc mở giếng dầu mới ngay tại thời điểm giá dầu phục hồi để tạo ra dòng tiền dương", Forbes viết.

Bà Julian Lee - một cây bút của Bloomberg, cũng bày tỏ mối lo ngại tương tự hồi tuần trước: "Rủi ro đang tăng gấp đôi. 

Nới lỏng lệnh phong tỏa quá sớm có thể làm bùng lên làn sóng lây nhiễm thứ hai, khiến nhiều người tử vong hơn. Tương tự, nới lỏng hạn chế đối với sản lượng dầu thô cũng có nguy cơ khiến giá dầu sụp đổ thêm lần thứ hai".

Mỹ đang phó mặc cho các nước thành viên OPEC và cuối cùng, khả năng phục hồi của thị trường dầu mỏ có thể biến mất vì một quyết định sai lầm của các nhà khai thác ở Trung Đông.

"Các nhà sản xuất nên tập trung để phục hồi từ khủng hoảng với một nền tảng vững chắc hơn", Forbes nhận định.

Yên Khê