|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Hàng hóa

Ngân sách điêu đứng, Arab Saudi bất ngờ giảm sản lượng dầu thô xuống mức thấp nhất trong 18 năm

16:16 | 12/05/2020
Chia sẻ
Trong một tuyên bố bất ngờ, Arab Saudi cho biết sẽ giảm sản lượng dầu thô xuống mức thấp nhất trong 18 năm qua nhằm thúc đẩy đất nước vượt qua cuộc khủng hoảng năng lượng đang tàn phá nặng nề tình hình tài chính quốc gia.
Ngân sách điêu đứng, Arab Saudi tự nguyện giảm thêm sản lượng dầu thô - Ảnh 1.

Tập đoàn Saudi Aramco thuộc sở hữu của nhà nước Arab Saudi. (Ảnh: Reuters)

Chỉ vài giờ sau khi công bố một loạt các biện pháp thắt lưng buộc bụng bất ngờ, Arab Saudi cho biết họ sẽ giảm sản lượng dầu thô khai thác thêm 1 triệu thùng/ngày bên cạnh mức giảm đã thỏa thuận với liên minh OPEC+.

Theo Bloomberg, giá hợp đồng tương lai dầu thô đã tăng sau thông báo trên, đồng thời Kuwait cùng UAE cũng thống nhất tiếp tục giảm thêm sản lượng trong nước.

"Chúng tôi phải đi trước một bước", Hoàng tử Abdulaziz bin Salman - Bộ trưởng Bộ Năng lượng Arab Saudi, chia sẻ với Bloomberg. "Động thái tự nguyện giảm sản lượng sẽ hỗ trợ chúng tôi cân bằng ngân sách".

Bloomberg nhận định kế hoạch mới cho thấy Arab Saudi đang thực sự nóng lòng muốn ổn định thị trường dầu mỏ khi giá dầu lao dốc về khu vực âm buộc nước này phải mạnh tay giảm chi tiêu và tăng thuế giá trị gia tăng lên ba lần.

Ngoài ra, động thái trên cũng đánh dấu bước thoái lui của Arab Saudi khỏi cuộc chiến giá dầu mà nước này "khai hỏa" hồi tháng 3. Khi OPEC+ và Nga bất đồng quan điểm về mức giảm sản lượng chung để đối phó với tình trạng cung vượt cầu, Arab Saudi đã khơi mào cuộc chiến giá dầu, bơm dầu giá rẻ ồ ạt ra thị trường và đẩy giá dầu xuống mức thấp.

Ngân sách điêu đứng, Arab Saudi tự nguyện giảm thêm sản lượng dầu thô - Ảnh 2.

Việc tự nguyện giảm sản lượng diễn ra vài ngày sau khi Tổng thống Donald Trump điện đàm cùng Quốc vương Salman. Nhà Trắng cho biết hai nhà lãnh đạo đã nhất trí "về tầm quan trọng của sự ổn định trên thị trường năng lượng toàn cầu".

Ông Trump đã nhiều lần gây sức ép buộc Arab Saudi, Nga và các nước OPC+ khác giảm sản lượng nhằm cứu ngành công nghiệp dầu đá phiến Mỹ. Đối với một số thành phần tham gia thị trường, động thái giảm sản lượng là quá trễ: một lượng lớn tàu chở dầu thô của Arab Saudi khởi hành cách đây vài tuần sắp sửa cập cảng Mỹ, đe dọa làm trầm trọng thêm tình trạng dư thừa nguồn cung.

Arab Saudi đặt mục tiêu chỉ bơm dưới 7,5 triệu thùng dầu/ngày trong tháng 6, trong khi mục tiêu chính thức theo thỏa thuận của OPEC+ là dưới 8,5 triệu thùng/ngày. Nếu Arab Saudi thực hiện đúng như cam kết, sản lượng khai thác của nước này sẽ giảm xuống mức thấp nhất kể từ giữa năm 2002, theo dữ liệu tổng hợp của Bloomberg.

Cam kết của Arab Saudi được cho đặc biệt đáng chú ý vì sản lượng khai thác của quốc gia dầu mỏ sẽ giảm xuống dưới 8 triệu thùng/ngày, trong khi từ lâu các nhà phân tích và tư vấn đã xem đây là một vạch mốc không thể vượt qua vì gây ảnh hưởng đến doanh thu từ dầu mỏ của Arab Saudi.

Tuy nhiên, thị trường dầu mỏ lao dốc đã buộc Arab Saudi phải siết chặt ngân sách khoảng 27 tỉ USD và nước này hiện không còn nhiều lựa chọn.

So với 12,3 triệu thùng/ngày, lượng dầu mà Arab Saudi bơm ra thị trường trong cuộc chiến giá dầu, quốc gia dầu mỏ hiện đã giảm sản lượng khoảng 4,8 triệu thùng/ngày.

Ngân sách điêu đứng, Arab Saudi tự nguyện giảm thêm sản lượng dầu thô - Ảnh 3.

Hoàng tử Abdulaziz cho biết ông đang quan sát dấu hiệu cho thấy nhu cầu dầu thô sẽ phục hồi, đặc biệt là nhu cầu xăng dầu, khi người dân ở các nước đang dần hoặc sắp nới lỏng phong tỏa chọn lái xe riêng thay vì đi tàu điện ngầm hoặc tàu hỏa.

"Mọi người cảm thấy an toàn khi tự lái xe riêng hơn là tham gia phương tiện giao thông công cộng", Hoàng tử Abdulaziz nói.

Ngoài mục tiêu giảm sản lượng vào tháng 6, Arab Saudi còn yêu cầu Saudi Aramco giảm sản lượng trong tháng 5 "khi có sự đồng thuận của khách hàng".

Theo thỏa thuận của OPEC+, Arab Saudi đang đặt mục tiêu bơm 8,5 triệu thùng dầu/ngày trong tháng 5 và tháng 6. Mặc dù Aramco có thể giảm sản lượng, mức giảm dự kiến sẽ tương đối nhỏ.

Ngoài ra, Hoàng tử Abdulaziz còn khuyến khích các nhà sản xuất khác tự nguyện đưa ra mức giảm sản lượng riêng. "Chúng tôi đang làm mẫu cho các nhà sản xuất khác chứ không áp đặt họ", ông nói. "Chúng tôi nên chủ động, nên đi đầu phong trào giảm sản lượng".

Yên Khê