Dưới cú đánh kép, dự trữ ngoại hối của Arab Saudi giảm nhanh nhất trong gần hai thập kỉ
Arab Saudi - nhà xuất khẩu dầu mỏ lớn nhất thế giới, đang đối mặt với một thách thức lớn chưa từng có trong năm nay khi giá dầu thô lao dốc kỉ lục.
Đồng thời, các biện pháp kiểm soát đại dịch COVID-19 nhiều khả năng sẽ kiềm chế tốc độ và qui mô cải cách kinh tế sâu rộng do Thái tử Mohammed bin Salman đưa ra.
Ngày 28/4, Cơ quan Tiền tệ Arab Saudi cho biết dự trữ ngoại hối ròng của nước này trong tháng 3, gồm các loại tài sản như trái phiếu Kho bạc Mỹ và tiền gửi ngoại tệ, đã giảm xuống còn 464 tỉ USD - mức thấp nhất kể từ năm 2011.
Theo đó, dự trữ ngoại hối theo tháng của Arab Saudi đã sụt gần 27 tỉ USD - mức giảm mạnh nhất trong ít nhất 20 năm qua.
Điều này cho thấy nhà xuất khẩu dầu mỏ lớn nhất thế giới đã phải khai thác kho dự trữ ngoại hối khổng lồ để bù đắp thiệt hại kinh tế sau khi giá dầu lao dốc kỉ lục và lệnh phong tỏa do COVID-19 gây thiệt hại lên toàn bộ các lĩnh vực khác của nền kinh tế.
Bộ trưởng Bộ Tài chính Arab Saudi Mohammed al-Jadaan tuần trước cho biết, vương quốc này sẽ không rút quá 32 tỉ USD từ dự trữ ngoại hối trong năm, thay vào đó sẽ tăng khoản vay lên gần 60 tỉ USD để ngăn thâm hụt ngân sách đang phình to.
Đầu ngày hôm nay (29/4), Bộ Tài chính Arab Saudi công bố thâm hụt ngân sách quí I đạt 9 tỉ USD, chủ yếu là do doanh thu từ dầu mỏ giảm, trong khi cùng kì năm ngoái ghi nhận mức thặng dư 7,4 tỉ USD.
So với ba tháng đầu năm ngoái, doanh thu từ dầu mỏ trong cùng kì năm nay của Arab Saudi giảm 24% xuống còn 34 tỉ USD, kéo tổng doanh thu giảm 22%.
Theo cập nhật mới nhất từ Đại học Johns Hopkins tính đến chiều hôm nay (theo giờ Việt Nam) , Arab Saudi hiện ghi nhận hơn 20.000 ca xác nhận nhiễm COVID-19 và 152 ca tử vong.
Theo Reuters, Arab Saudi dự đoán thâm hụt ngân sách năm 2020 sẽ rơi vào khoảng 50 tỉ USD, tương đương 6,4% tổng sản phẩm quốc nội (GDP) và phình to từ con số 35 tỉ USD năm ngoái.
Tuy nhiên, ước tính trên được đưa ra trước khi đại dịch COVID-19 bùng phát và cũng trước lúc giá dầu lao dốc về khu vực âm.
Ông Jadaan cho hay thâm hụt ngân sách có thể mở rộng lên tới 9% GDP trong năm nay, nhưng một số nhà phân tích đã dự đoán thâm hụt có thể sẽ tương đương 22% GDP với giá dầu ở mức 30 USD/thùng.
Giá dầu LCOc1 đã mất khoảng 2/3 giá trị kể từ đầu năm nay và đang giao dịch quanh ngưỡng 21 USD/thùng, theo ghi nhận của Reuters.
"Bộ Tài chính của ông al-Jadaan chỉ dự định rút 32 tỉ USD khỏi dự trữ ngoại hối quốc gia. Như vậy, khi dự trữ ngoại hối giảm 27 tỉ USD chỉ trong tháng 3, Arab Saudi phải cân bằng khoản thâm hụt còn lại thông qua phát hành trái phiếu chính phủ mới, xét trong trường hợp khu vực tư nhân không can thiệp vào quá trình này", ông Hasnain Malik - trưởng bộ phận chiến lược tại công ty tư vấn Tellimer cho hay.
OPEC và các đồng minh (thường gọi là OPEC+) đã nhất trí giảm sản lượng dầu 9,7 triệu thùng/ngày, tương đương 10% tổng sản lượng toàn cầu trong giai đoạn tháng 5 - 6/2020 nhằm cân bằng thị trường dầu mỏ.
Mặc dù qui mô của thỏa thuận giảm sản lượng là chưa từng có, nhiều khả năng bước đi của OPEC+ cũng không thể cứu thị trường khi mà cung vượt cầu một khoảng lớn và kho chứa đang cạn kiệt nhanh chóng.
Tuần trước, ông Jadaan nói, ông dự đoán đại dịch cũng sẽ khiến hoạt động của các lĩnh vực tư nhân không phải dầu mỏ đi xuống và chính phủ Arab Saudi có thể sẽ phải tung ra nhiều biện pháp để kích thích kinh tế bên cạnh gói cứu trợ 32 tỉ USD hồi tháng trước.
Doanh thu phi dầu mỏ của Arab Saudi trong quí I đã giảm 17% so với cùng kì năm trước. Doanh thu từ thuế hàng hóa và dịch vụ đều lao dốc, cho thấy nền kinh tế chung đang suy thoái.