|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Hàng hóa

Vì sao Arab Saudi và Nga đều 'xuống nước' để giảm sản lượng?

15:35 | 19/04/2020
Chia sẻ
Theo Forbes, nhiều trang báo đưa tin về một thời kỳ mới cho liên minh OPEC+ sau khi các thành viên đồng ý với mức cắt giảm gần 10 triệu thùng/ngày vào ngày 12/4 nhằm đối phó với nhu cầu sụt giảm do ảnh hưởng của dịch COVID–19.

Tuy nhiên thế giới không nên quá lạc quan vào tương lai của OPEC+ hay thị trường dầu mỏ được kiểm soát. Thỏa thuận này có thế gắn kết OPEC và 10 đồng minh trong khoảng 2 năm tới, nhưng mỗi bên vẫn sẽ giữ nguyên động cơ cá nhân ngay cả khi tham gia thỏa thuận.

Liên minh OPEC+ đã có lúc sụp đổ khi vào đầu tháng 3, Nga từ chồi cắt giảm sản lượng nhằm đối phó với đại dịch và châm ngòi cho một cuộc chiến giá với Arab Saudi. Với các động thái như vậy, liệu mối quan hệ giữa Nga và Arab Saudi có đang quá căng thẳng?  

Đúng là như vậy. Hai bên đã công khai chỉ trích nhau vào đầu tháng 4 vì đã làm sụp đổ thị trường dầu mỏ và cả liên minh OPEC+, đồng thời khiến Arab Saudi phải hoãn cuộc họp khẩn của OPEC+ vào ngày 6/4. 

Đến khi cuộc họp được diễn ra vào ngày 9/4, các bên tham gia phải mất thêm 4 ngày nữa để được ra một thỏa thuận chung không mấy ấn tượng, một thỏa thuận mà chỉ tập trung vào lượng cầu bị ảnh hưởng với virus corona được ước tính vào khoảng 20 đến 30 triệu thùng/ngày. 

Sự trì hoãn này là do Mexico từ chối cắt 400.000 thùng/ngày. Khi để một nhà sản xuất nhỏ như Mexico ngáng đường, rõ ràng thỏa thuận của OPEC+ rất mong manh.

Vì sao Arab Saudi nhất quyết phải có được sự đồng ý của Mexico trong khi Mexico không phải một nhà sản xuất lớn? Vì họ biết nếu họ để Mexico rời liên minh thì 22 thành viên còn lại có thể nối gót quốc gia này và rời bỏ OPEC+.

Vì sao đột nhiên OPEC+ lại đoàn kết vào tháng 4? Có thể là do các nhân tố trên thị trường, đặc biệt là việc kho chứa dầu sắp cạn dần và giá dầu tụt dốc. Tuy nhiên, đây chỉ là bề nổi của tảng băng chìm. Sự thật là do Arab Saudi phải chấm dứt chiến tranh giá và kêu gọi cuộc họp khẩn cấp do sự can thiệp của Tổng thống Mỹ Donald Trump. 

Ông Trump nhận thấy giá dầu thô thấp gây thiệt hại lớn cho ngành dầu của Mỹ, một ngành kinh tế quan trọng của nước này và gây mất công ăn việc làm. 

Chính quyền Tổng thống Trump trước đây thường kêu gọi OPEC tăng nguồn cung và giảm giá vì lợi ích của người tiêu dùng Mỹ. Tuy nhiên, với việc người Mỹ đang cách li xã hội, xăng giá rẻ không đem lại lợi ích chính trị giống như trong quá khứ.

Ông Trump đã nói gì với lãnh đạo của Saudi để khiến họ hòa giải với Moscow? Lí do hợp lí nhất là ông Trump đe dọa sẽ không tiếp tục bảo đảm an ninh cho Arab Saudi nữa. Không có sự bảo vệ của Mỹ, Arab Saudi trở thành mục tiêu tấn công lớn của những kẻ thù lân cận.

Arab Saudi đã được Mỹ bảo vệ khỏi Iraq của Saddam Hussein từ 30 năm trước và hiện nước này vẫn cần được bảo vệ khỏi Iran và các nước lân cận. Ông Trump đã hỗ trợ Saudi bằng các lệnh trừng phạt cứng rắn nhất lên Iran. Mỹ cũng đã bảo vệ Saudi kể từ tháng 9 năm ngoái sau các cuộc tấn công tàn khốc của Iran được hậu thuẫn bởi Yemen.

Các quan chức Arab Saudi gần đây nhận được một số cuộc gọi từ một số Thượng nghị sĩ của các bang sản xuất dầu yêu cầu Riyadh ngừng cuộc chiến giá và tiếp tục quản lí tích cực thị trường toàn cầu. 

Nhiều nhà lập pháp trong số này kêu gọi ông Trump áp dụng các biện pháp nghiêm khắc đối với Arab Saudi, bao gồm thuế quan đối với xuất khẩu dầu mỏ.

Nga cũng có nhiều động lực tham gia thỏa thuận, Saudi xuống nước trước nhưng Nga cũng đã chịu ảnh hưởng nặng nề bởi giá dầu thô thấp, thấp hơn nhiều so với con số mà ông Putin đã dự tính.

Còn một lí do khác cho sự trở lại bàn đàm phán của OPEC+. Arab Saudi chịu ảnh hưởng bởi mục tiêu chính trị của ông Trump, do vậy họ phải tuân theo chính sách dầu mỏ mà Mỹ đề ra nếu muốn giữ mối quan hệ với Mỹ. 

Ngành dầu đá phiến Mỹ có qui mô quá lớn, lớn đến mức nếu ngành này sụp đổ sẽ gây ra hiệu ứng domino lên thị trường tài chính toàn nước Mỹ. Việc phải chiều lòng Washington khiến nhiệm vụ gìn giữ mối đoàn kết trong OPEC trở nên khó khăn hơn bao giờ hết, vì kể cả các nước khác không giảm sản lượng thì Saudi vẫn phải giảm.

Nga và các thành viên khác của OPEC+ kêu gọi Mỹ và các thành viên G20 khác giảm sản lượng dầu. Lời kêu gọi này sớm đi vào quên lãng khi Saudi công bỏ thỏa thuận cắt giảm dầu. Mỹ, Canada, Na Uy và Brazil đều không cho biết rõ mức cắt giảm sản lượng của mình.

Mỹ và Arab Saudi có thể thuyết phục các nước G20 cắt thêm sản lượng để hạn chế sản lượng trên toàn cầu, tuy rằng điều này là rất khó.

Thỏa thuận cắt giảm đang gây ra nhiều nghi vấn. Chỉ có một điều chắc chắn là Arab Saudi cần thỏa thuận này để vừa làm hài lòng Nhà Trắng, vừa nỗ lực tăng giá dầu lên thành 80 USD/thùng nhằm cân bằng cán cân ngân sách.

Khi nhu cầu dầu hồi phục, Saudi sẽ lại dùng quyền lực để giữ OPEC trong khuôn khổ..

Khi đại dịch trôi qua, mọi thứ sẽ trở lại đúng quĩ đạo. Nga cũng không quá tham vọng trong việc quản lí  thị trường dầu trong dài hạn. Phản ứng của Moscow chỉ là nhất thời trong một cuộc chiến mà họ đã quá mệt mỏi. 

Cơ quan Năng lượng Quốc tế dự báo cầu về dầu trong năm 2020 sẽ giảm 9,3 triệu thùng/ngày so với năm 2019, chấm dứt một thập kỉ tăng trưởng của ngành dầu. 

Trong quí II năm nay, cầu sẽ giảm 23,1 triệu thùng/ngày so với cùng kỳ năm 2019. Dự báo của Cơ quan này gây ra những lo ngại rằng thỏa thuận của OPEC+ là quá muộn màng. 

H.Mĩ