|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Hàng hóa

Khơi mào cuộc chiến giá dầu, Arab Saudi tự đẩy nền kinh tế vào thế hiểm nghèo

13:50 | 15/05/2020
Chia sẻ
Giai đoạn 2014 - 2016, Arab Saudi bắt đầu cuộc chiến giá dầu nhằm hủy hoại ngành công nghiệp dầu đá phiến Mỹ và nhận về hậu quả nặng nề. Năm 2020, Arab Saudi cũng gây ra cuộc chiến tương tự với Nga, tuy nhiên tình hình tài chính của nước này đã xấu đi nhiều so với giai đoạn 2014 - 2016.
Khơi mào cuộc chiến giá dầu, Arab Saudi tự đẩy nền kinh tế vào thế hiểm nghèo - Ảnh 1.

Ảnh minh họa. Nguồn: World Energy

Năm 1932, Arab Saudi chính thức được thành lập sau khi vị vua đầu tiên - Ibn Saud thống nhất 4 vùng Hejaz, Najd, Đông Arab và Nam Arab thành một quốc gia sau hàng loạt cuộc chinh phạt trong gần ba thập kỉ.

Kể từ sau khi vua Ibn Saud thống nhất đất nước, vương triều Saud chưa bao giờ phải đối mặt với một mối đe dọa hiện hữu như cuộc chiến giá dầu hiện nay, các nhà phân tích của oilprice.com viết.

Trên thực tế, đúng là Arab Saudi đã đạt được một số lợi thế tạm thời khi là nhà xuất khẩu dầu thô chính của thị trường châu Á. 

Tháng 4 năm nay, Arab Saudi tăng gấp đôi khối lượng dầu thô xuất sang Trung Quốc lên 2,2 triệu thùng/ngày, trong khi đến Ấn Độ là 1,1 triệu thùng/ngày - mức cao nhất trong gần ba năm.

Dù vậy, Arab Saudi đã hạ giá bán dầu chính thức cho lô dầu thô tháng 4 xuống một trong các mức thấp kỉ lục trong nhiều thập kỉ, bỏ xa các đối thủ khác. Động thái tương tự cũng được thực hiện cho lô dầu thô tháng 5.

Tuy nhiên, ngay cả khi giành được thắng lợi nhỏ nhờ hạ giá dầu thô, vương triều Saud lại đang gặp rắc rối khi tác động tiêu cực của cuộc chiến giá dầu được dự đoán là không hề nhỏ.

Tuần trước, áp lực kinh tế lớn đã buộc Arab Saudi phải tăng giá giao hàng tháng 6 đối với dầu thô ngọt nhẹ đến châu Á thêm 1,4 USD/thùng (so với mức giá tháng 5). Thị trường dự đoán Arab Saudi sẽ tiếp tục duy trì giá bán dầu chính thức ở mức thấp để giữ vững lợi nhuận.

Theo oilprice.com, Arab Saudi hành động như trên vì tình hình tài chính của nước này thậm chí còn đang tồi tệ hơn cả cuối giai đoạn 2014 - 2016 - thời điểm quốc gia dầu mỏ dốc sức hủy hoại ngành công nghiệp dầu đá phiến Mỹ. 

Arab Saudi từng suýt phá hủy thành công ngành dầu đá phiến Mỹ, còn bây giờ chính chiến lược mới lại hủy hoại nền kinh tế nội địa của họ.

Tháng 8/2014, Arab Saudi ghi nhận khối dự trữ ngoại hối cao kỉ lục (737 tỉ USD), cho phép nước này có cơ hội duy trì tỷ giá SAR/USD cũng như bù đắp thâm hụt ngân sách không lồ do giá dầu lao dốc vì sản xuất vượt mức.

Mặc dù bối cảnh hiện tại tương đối tích cực so với cuộc chiến giá dầu Arab Saudi trong giai đoạn 2014 - 2016, doanh thu từ dầu mỏ của các nước OPEC bây giờ đã sụt giảm tổng cộng 450 tỉ USD vì môi trường giá dầu quá thấp, theo IEA.

Từng ghi nhận thặng dư ngân sách, Arab Saudi đã chuyển sang thâm hụt ngân sách cao kỉ lục là 98 tỉ USD vào năm 2015. 

Trong giai đoạn leo thang cuộc chiến giá dầu với ngành công nghiệp dầu đá phiến Mỹ, vương triều Saudi đã chi ít nhất 250 tỉ USD dự trữ ngoại hối để bù đắp thiệt hại, các quan chức cao cấp trong chính phủ Arab Saudi cho biết khoản chi tiêu này đã biến mất vĩnh viễn.

Tình hình kinh tế và chính trị của Arab Saudi năm 2016 khá tồi tệ. Thứ trưởng Bộ Kinh tế của nước này, ông Mohamed Al Tuwaijri, từng đề cập một cách dứt khoát vào tháng 10/2016 như sau: "Nếu Arab Saudi không cải cách kinh tế và nếu nền kinh tế toàn cầu không tăng trưởng, chúng tôi sẽ phải phá sản sau 3 - 4 năm".

Cuộc chiến giá dầu năm 2020 kéo dài, Arab Saudi có thể phá sản

Điều đó cho thấy, nếu Arab Saudi tiếp tục bơm dầu vượt mức để đẩy giá dầu đi xuống như hồi đầu năm nay, quốc gia Trung Đông này có thể sẽ phá sản trong 3 - 4 năm tới.

Đáng chú ý, Arab Saudi đã tìm đến thị trường trái phiếu quốc tế hai lần trong năm nay và đã vay tổng cộng 19 tỉ USD từ các nhà đầu tư trong và ngoài nước.

Thu hút một nhóm nhà đầu tư mới để trả khoản nợ công khổng lồ sẽ không giúp ích cho Arab Saudi sau khi khiến nhà đầu tư thất vọng với thương vụ IPO của Saudi Aramco.

Ngày 28/4, Cơ quan Tiền tệ Arab Saudi cho biết dự trữ ngoại hối ròng của nước này trong tháng 3, gồm các loại tài sản như trái phiếu Kho bạc Mỹ và tiền gửi ngoại tệ, đã giảm xuống còn 464 tỉ USD - mức thấp nhất kể từ năm 2011.

Theo đó, dự trữ ngoại hối tháng 3 của Arab Saudi đã sụt gần 27 tỉ USD so với tháng trước - mức giảm mạnh nhất trong ít nhất 20 năm qua.

Điều này cho thấy nhà xuất khẩu dầu mỏ lớn nhất thế giới đã phải khai thác kho dự trữ ngoại hối khổng lồ để bù đắp thiệt hại kinh tế sau khi giá dầu lao dốc kỉ lục và lệnh phong tỏa do COVID-19 gây thiệt hại lên toàn bộ các lĩnh vực khác của nền kinh tế.

Bộ trưởng Bộ Tài chính Arab Saudi Mohammed al-Jadaan vào tháng 4 cho biết, vương quốc này sẽ không rút quá 32 tỉ USD từ dự trữ ngoại hối trong năm, thay vào đó sẽ tăng khoản vay lên gần 60 tỉ USD để ngăn thâm hụt ngân sách đang phình to.

"Bộ Tài chính Arab Saudi chỉ dự định rút 32 tỉ USD khỏi dự trữ ngoại hối quốc gia. Như vậy, khi dự trữ ngoại hối giảm 27 tỉ USD chỉ trong tháng 3, Arab Saudi phải cân bằng khoản thâm hụt còn lại thông qua phát hành trái phiếu chính phủ mới", ông Hasnain Malik - trưởng bộ phận chiến lược tại công ty tư vấn Tellimer cho hay.

Trong tương lai, chính phủ Arab Saudi có thể sẽ phải rất chật vật để chèo lái nền kinh tế vượt qua khủng hoảng, đặc biệt là trong bối cảnh đại dịch COVID-19 sẽ còn làm trầm trọng thêm tình hình.

Khả Nhân