|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Hàng hóa

Bloomberg: Giá dầu phục hồi nhanh quá cũng không tốt

14:40 | 09/02/2021
Chia sẻ
Đầu tháng 3, liên minh OPEC+ sẽ phải đối mặt với thử thách lớn về tình đoàn kết, khi mà các bộ trưởng họp mặt để thảo luận bước tiếp theo nhằm tái cân bằng thị trường dầu mỏ thế giới.

Đầu tháng 3, liên minh dầu mỏ OPEC+ sẽ nhóm họp nhằm tìm giải pháp để ổn định thị trường sau những biến động trong năm 2020. Giới quan sát dự đoán OPEC+ sẽ phải đối mặt với nhiều thách thức lớn. Song, mọi thứ gần như diễn biến quá nhanh và theo hướng có lợi cho OPEC+.

Từ tuần trước, giá dầu thô đã bật tăng lên mức đỉnh một năm. Lượng dầu tồn kho khổng lồ trong giai đoạn đầu của đại dịch COVID-19 đang giảm đi nhanh chóng. 

Trước tình thế mới, nhiều khả năng các nước thành viên OPEC+ sẽ kêu gọi tăng sản lượng sớm hơn cam kết mà họ đạt được hồi năm ngoái.

Điều đó có thể làm dấy lên căng thẳng giữa hai đồng lãnh đạo OPEC+ là Arab Saudi và Nga, nguy cơ làm suy yếu đà phục hồi của giá dầu.

Kết quả đánh giá từ cuộc họp OPEC+ tuần trước khá khả quan, Bloomberg nhận định. Cụ thể, tỷ lệ tuân thủ thỏa thuận cắt giảm sản lượng kể từ khi nó có hiệu lực vào tháng 5/2020 là 99%.

Ngoài ra, giá dầu Brent đang thử nghiệm ngưỡng 60 USD/thùng, mức chưa từng thấy trong một năm qua. Tồn kho dầu thô thương mại ở những nước phát triển thuộc nhóm OECD đang giảm dần. OPEC+ đang muốn lượng tồn kho giảm xuống dưới mức trung bình 5 năm (2015 - 2019) vào tháng 8 năm nay.

Giá dầu phục hồi nhanh quá cũng không tốt - Ảnh 1.

Mối quan hệ mong manh

Dù liên minh dầu mỏ đã đạt được những thành công bước đầu để ổn định cán cân cung - cầu, Arab Saudi dường như vẫn muốn các thành viên OPEC+ tuân thủ cam kết, ngoại trừ một nước duy nhất. Có đến hơn 50% thành viên tham gia thỏa thuận giảm sản lượng không thực hiện đầy đủ nghĩa vụ của họ.

Tương tự trong quá khứ, phần lớn trọng trách vẫn đang đặt trên vai Arab Saudi. Tính đến tháng 12 năm ngoái, mức giảm sản lượng thực tế của Arab Saudi đã vượt mức cam kết ban đầu đến 37 triệu thùng.

Giá dầu phục hồi nhanh quá cũng không tốt - Ảnh 2.

OPEC+ cũng không quên ràng buộc từng thành viên. Bộ trưởng Bộ Năng lượng Nigeria thậm chí còn được giao nhiệm vụ giúp các nước xuất khẩu dầu mỏ khác của châu Phi, đặc biệt là Cộng hòa Congo, Guinea Xích đạo, Gabon và Nam Sudan, hoàn thành cam kết giảm sản lượng để bù đắp cho các vi phạm trong quá khứ.

Trong khi đó, Nga - nước sản xuất vượt hạn mức nhiều nhất trong thỏa thuận, lại không chịu áp lực nào.

Suy cho cùng, việc OPEC+ liên tục gây áp lực cho các nước thành viên nhỏ trong khi nhắm mắt làm ngơ với Nga và thậm chí để nước này tăng sản lượng cho thấy liên minh dầu mỏ thực sự mong manh thế nào.

OPEC+ có thể buông tay 4 thành viên châu Phi, nếu cần. Ở mức 740.000 thùng/ngày, tổng sản lượng của 4 nước này trong tháng 12/2020 chỉ bằng 8% con số 9,11 triệu thùng/ngày của Nga.

Quan trọng hơn, 4 nước châu Phi trên đều đang khai thác gần mức công suất tối đa, tức là trong tương lai, họ không thể bổ sung đáng kể vào nguồn cung chung. Mặt khác, Nga có thể tăng sản lượng lên 1,2 triệu thùng/ngày nếu không tuân theo thỏa thuận.

Đầu tháng 3 tới, các bộ trưởng năng lượng OPEC+ sẽ họp để thảo luận kế hoạch sản xuất cho tháng 4. Nếu giá dầu vẫn ổn định ở mức hiện tại hoặc tăng cao hơn, Arab Saudi sẽ bơm trở lại 1 triệu thùng/ngày mà họ tự nguyện cắt giảm trong hai tháng 2 và 3 năm nay. Còn Nga sẽ tiếp tục kêu gọi tăng sản lượng.

Giá dầu phục hồi nhanh quá cũng không tốt - Ảnh 3.

Nga đang phải đối phó với giá nhiên liệu tăng kỷ lục, các công ty dầu mỏ đã được chỉ thị chuyển thêm dầu thô đến các nhà máy lọc dầu trong nước và hạn chế xuất khẩu. Nga không phải là thành viên OPEC. Trước đó, OPEC từng phải mất rất nhiều thời gian để động viên Nga tham gia vào OPEC+.

Rõ ràng, Nga không muốn gánh khối công việc nặng nhọc của OPEC+ và họ còn đang lo ngại chính sách giảm sản lượng của OPEC+ sẽ tạo động lực cho ngành công nghiệp dầu đá phiến của Mỹ phục hồi khi giá dầu tiếp tục tăng cao.

Moscow cũng có thể muốn giành lại thị phần mà họ đã chấp nhận từ bỏ khi tham gia thỏa thuận cắt giảm sản lượng với OPEC+. Các nước thành viên còn lại không có nhiều lựa chọn, ngoại trừ việc phải chấp nhận yêu cầu của liên minh dầu mỏ. Lần gần nhất khi OPEC+ không thể thuyết phục Nga, cuộc chiến giá dầu đã bùng nổ.

Yên Khê