Thời kì đen tối thị trường dầu đã kết thúc?
Thị trường dầu mỏ chưa bao giờ trải qua một tháng như vừa qua, Bloomberg viết.
Chỉ vài tuần trước, dầu thô đã trở nên thừa thãi ở nhiều nơi trên thế giới khi mà nhà sản xuất phải trả tiền để người mua mang dầu đi. Bây giờ, giá dầu đang trong xu hướng đi lên, trên sàn giao dịch New York, giá dầu hiện đã tăng khoảng 70% so với đầu tháng 5.
Bước ngoặt của thị trường dầu mỏ được chính phủ Arab Saudi, Nga lẫn Mỹ hoan nghênh nhiệt liệt. Chuyển biến tích cực này đến nhanh hơn so với kì vọng của thị trường, dù vậy cũng không hề dễ dàng gì để giá dầu phục hồi như hiện nay.
Liên minh OPEC+ phải chấp nhận giảm mạnh sản lượng và thế giới đang mạo hiểm nới lỏng lệnh phong tỏa để khôi phục hoạt động kinh tế.
Hai động thái đó đã giúp nâng đỡ thị trường dầu mỏ ra khỏi "vực thẳm" giá dầu âm, nhưng cũng chưa chắc thị trường đã ổn định hay chưa.
"Tôi nghĩ chúng ta đã vượt qua thời kì khủng hoảng", ông Pierre Andurand - Giám đốc đầu tư kiêm nhà sáng lập công ty Andurand Capital Management, cho hay. "OPEC+ đã giảm sản lượng đủ mạnh tay, nhu cầu đang dần phục hồi".
Chiều ngày 20/4, nhà đầu tư ráo riết bán tháo hợp đồng tương lai (HĐTL) dầu WTI giao tháng 5, đẩy giá xuống mức âm lần đầu tiên trong lịch sử.
Trong khoảng 20 phút phi thường nhất của lịch sử thị trường tài chính, giá HĐTL dầu WTI giao tháng 5 giảm xuống -37 USD/thùng, khiến nhiều người từ nhà môi giới kì cựu đến nhà đầu tư bán lẻ hoảng loạn, Bloomberg viết.
Kể từ sự kiện đó, hai thay đổi lớn đã xảy ra
Đầu tiên, lượng dầu thô thừa giảm dần. Arab Saudi đã kết thúc cuộc chiến giá dầu với Nga và ngừng bơm dầu ở mức kỉ lục ra thị trường. Thay vào đó, bộ đôi này dẫn dắt liên minh OPEC+ cùng giảm sản lượng nhanh và nhiều kỉ lục.
Các công ty khai thác dầu đá phiến của Mỹ cũng đóng cửa các giếng dầu không có lãi với tốc độ chưa từng có.
Ông Mohammad Barkindo - Tổng thư kí OPEC, cho biết khoảng 17 triệu thùng dầu sẽ được rút khỏi thị trường mỗi ngày vào tháng tới.
Thứ hai, mức tiêu thụ dầu thô trên toàn cầu từng giảm đến 30% trong tháng 4 nhưng đến nay mức giảm đã chững lại.
Dấu hiệu chỉ ra sự phục hồi của thị trường dầu mỏ đang xuất hiện trên khắp thế giới khi doanh nghiệp mở cửa trở lại và người dân từ Berlin đến Bắc Kinh chọn di chuyển bằng xe ô tô thay vì phương tiện giao thông công cộng.
Hôm 19/5, giá HĐTL dầu WTI giao tháng 6 ổn định ở mức 32,5 USD/thùng, nhỉnh hơn một chút so với giá giao tháng 7.
Theo Bloomberg, đó là dấu hiệu rõ ràng cho thấy các thương nhân nắm giữ hợp đồng giao sau sắp hết hạn không còn lo sợ bị kẹt lại với những thùng dầu không ai muốn mua.
Bà Judith Dwarkin - nhà kinh tế trưởng tại RS Energy Group, nhận định: "Lo ngại xoay quanh khả năng thế giới sắp cạn kho chứa dầu thô và các sản phẩm khác đã bốc hơi".
Rủi ro còn tồn tại
"Tháng 4 đen tối" mà ông Fatih Birol - Giám đốc điều hành Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) đặt tên đã kết thúc, nhưng thị trường vẫn phải đối mặt với một số rủi ro lớn.
Quá trình nới lỏng phong tỏa của các nền kinh tế bị ảnh hưởng bởi COVID-19 trên khắp châu Á, châu Âu và châu Mỹ sẽ rất khó khăn và có thể bị đánh gục bởi làn sóng lây nhiễm thứ hai.
Ngoài ra, các công ty khai thác dầu đá phiến Mỹ cũng có thể giảm bớt thiện chí cắt giảm sản lượng để củng cố thị trường năng lượng.
"Tôi nghĩ cần phải mất thêm nhiều thời gian nữa thì nhu cầu dầu thô mới phục hồi hoàn toàn, có lẽ là cho đến khi chúng ta có vắc xin ngừa COVID-19", ông Andurand nhận định.
Mặc dù giá dầu thô ở ngưỡng 30 USD/thùng là còn quá thấp để cân bằng ngân sách của phần lớn nước thành viên OPEC+, các bộ trưởng năng lượng từ Arab Saudi cho đến Nga đều bày tỏ sự hài lòng trước quả ngọt họ vừa đạt được.
Ngay cả các nhà nhập khẩu năng lượng lớn cũng không mong đợi thị trường dầu mỏ sẽ quay trở về những ngày đen tối trong tháng 4 năm nay, dù rằng nhà sản xuất phải trả tiền để người tiêu dùng mang dầu đi.