|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Hàng hóa

Thị trường dầu thô đón nhận tín hiệu tích cực từ Trung Quốc và Mỹ

15:52 | 19/05/2020
Chia sẻ
Nhu cầu xăng dầu của Trung Quốc bắt đầu phục hồi, đặc biệt là ở các thành phố lớn. Trong khi đó, sản lượng khai thác của Mỹ liên tục giảm mạnh, tạo tín hiệu tích cực cho giá dầu thô.

Nhu cầu dầu thô của Trung Quốc đang phục hồi

Giá dầu thô tăng 10 USD/thùng trong vòng 2 tuần trở lại đây do thị trường lạc quan rằng nhu cầu dầu thô trên thế giới đang tăng trở lại, theo Oilprice.com.

Việc giảm sản lượng và một số nền kinh tế lớn nhất thế giới mở cửa trở lại đã giúp thắp sáng triển vọng thị trường dầu mỏ trên thế giới. Tuy nhiên, nhiều chuyên gia bắt đầu hoài nghi liệu đà tăng của giá dầu thô đã kết thúc.

Nhìn vào số liệu, dấu hiệu đầu tiên của nhu cầu dầu thô đang phục hồi chính là việc Trung Quốc tăng cường mua mặt hàng năng lượng này khi giá vẫn còn đang rất rẻ.

Hưởng ứng lời kêu gọi của Bắc Kinh, các nhà máy, nông dân đang khôi phục dần sản xuất và nhu cầu dầu diesel tăng trở lại, theo ông Liu Yuntao, chuyên gia phân tích của công ty Energy Aspects.

Tuy nhiên, không chỉ dầu diesel, lượng tiêu thụ xăng cũng tăng tại Trung Quốc, đặc biệt là các thành phố lớn như Bắc Kinh, Thương Hải khi lưu lượng giao thông đang gần trở lại mức trước khi xảy ra bệnh dịch. 

Tuy nhiên, nhu cầu năng lượng cho máy bay tiếp tục ở mức thấp do ngành hàng không vẫn phải hạn chế hoạt động, nhất là các chuyến bay quốc tế. 

Theo Tổ chức Hàng không Dân sự Quốc tế (ICAO), hoạt động ngành hàng không trên thế giới trong ba quí đầu năm 2020 có thể giảm khoảng 60% so với dự báo trước đó.

Khác với Trung Quốc, một số nước Đông Á như Nhật Bản, Hàn Quốc đang có những động thái thận trọng hơn khi nới lỏng dần lệnh phong tỏa, kéo theo nhu cầu tiêu thụ năng lượng vẫn ở mức thấp.

Giới quan sát đang theo dõi động thái từ các nhà máy lọc dầu của Trung Quốc để đánh giá mức độ phục hồi nhu cầu dầu trên toàn thế giới. Thị trường thực sự phục hồi khi lượng nhập khẩu dầu thô của Trung Quốc ổn định trong năm 2020.

Tín hiệu tích cực từ thị trường Mỹ

Dấu hiệu tích cực cũng bắt đầu xuất hiện ở thị trường Mỹ. Theo CNBC, sản lượng khai thác của nước này đã nhanh chóng giảm 1,5 triệu thùng/ngày từ mức kỉ lục hồi tháng 3 xuống 11,6 triệu thùng/ngày chỉ trong trong vòng 6 tuần, theo Cơ quan Thông tin Năng lượng Mỹ. 

Giới phân tích dự báo sản lượng dầu thô Mỹ sẽ sớm giảm thêm 500.000 - 1 triệu thùng/ngày.

Theo số liệu của công ty dịch vụ dầu khí Baker Hughes, số lượng giàn khoan Mỹ trong tuần trước giảm 34 giàn xuống còn 258 giàn, tương đương 2/3 so với với cùng kì năm ngoái.

Ngoài ra, dữ liệu của chính phủ Mỹ cũng cho thấy nhu cầu xăng cũng bắt đầu tăng mạnh ở mức 7,4 triệu thùng/ngày so với mức chỉ 5,1 triệu thùng/ngày hồi đầu tháng 4.

Thông thường, thời điểm này trong năm, nhu cầu xăng của Mỹ khoảng 9,5 triệu thùng/ngày và sẽ đạt đỉnh vào thời điểm đầu tháng 7 khi lưu lượng giao thông tăng mạnh trong mùa du lịch.

Nhu cầu tiêu thụ xăng của mỹ thường chiếm 10% tổng nhu cầu trên toàn thế giới. Nhu cầu tiêu thụ xăng của mỹ thường chiếm 10% tổng nhu cầu trên toàn thế giới.

Giá dầu WTI có trở về mức âm?

Ông Francisco Blanch, trưởng bộ phận phân tích hàng hóa toàn cầu thuộc ngân hàng Bank of America dự báo nhu cầu xăng dầu của Mỹ sẽ tiếp tục tăng nhưng giá sẽ không quá cao, chỉ khoảng 40 USD/thùng. 

Giá dầu WTI hiện đang ở trên mức 30 USD/thùng. Tại thời điểm 15h30 (giờ Việt Nam) giá dầu giao trong tháng 6 tăng gần 2,5% lên 32,6 USD/thùng. Giá dầu Brent tăng 0,6% lên 35 USD/thùng, theo dữ liệu từ Bloomberg.

Thị trường dầu thô đón nhận tín hiệu tích cực từ Trung Quốc và Mỹ - Ảnh 1.

Cách đây một tháng, giá dầu WTI lần đầu tiên giảm xuống mức âm do thị trường lo ngại không còn kho chứa để đựng dầu trong bối cảnh nhu cầu thấp và sản lượng vẫn ở mức cao, trong khi hợp đồng dầu giao trong tháng 5 chuẩn bị hết hạn.

Ngày 19/5 (giờ EDT) cũng sẽ là ngày hết hạn hợp đồng dầu thô giao trong tháng 6 và nhiều nhà đầu tư lo ngại kịch bản giá dầu âm sẽ quay trở lại.

Tuy nhiên, tình hình hiện tại đã thay đổi so với cách đây một tháng khi thị trường đón nhận những tín hiệu tích cực từ cả nguồn cung và nhu cầu. Theo đó, nhu cầu ở cả Mỹ và Trung Quốc đang phục hồi.

Trong khi đó, OPEC và các nước đồng minh đang thực hiện thỏa thuận giảm sản lượng 9,7 triệu thùng/ngày, mức giảm mạnh nhất từ trước đến nay.

Tuy nhiên, theo trang IG Bank kho lưu trữ dầu thô vẫn rất eo hẹp do sản xuất quá mức trên quy mô toàn cầu. Tồn kho dầu thô thương mại của Mỹ tiếp tục giảm mạnh, đã giảm 745.000 thùng/ngày xuống còn 531 triệu thùng/ngày.

Điều này có nghĩa là một đợt bán tháo thứ hai rất có khả năng xảy ra và việc giá dầu WTI có thể trở lại mức âm. 

H.Mĩ