|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Hàng hóa

Chương tiếp theo của cuộc khủng hoảng dầu mỏ: Kho chứa cạn, giá dầu có thể giảm về âm lần nữa và thị trường ngừng hoạt động

15:36 | 27/04/2020
Chia sẻ
Tàu chở dầu đang chạy vô định trên biển với lượng sản phẩm thừa mứa, thương nhân vắt óc suy nghĩ nơi trữ dầu và giá dầu có thể giảm về âm lần nữa. Với thực tế như vậy, chương tiếp theo của cuộc khủng hoảng là không thể tránh khỏi: ngành dầu khí sắp bắt đầu ngừng hoạt động.
Chương tiếp theo của cuộc khủng hoảng dầu mỏ: Kho chứa cạn, giá dầu có thể giảm về âm lần nữa và thị trường ngừng hoạt động - Ảnh 1.

Ảnh minh họa: Reuters

Theo Bloomberg, tác động kinh tế của đại dịch COVID-19 đã xé toạc ngành công nghiệp dầu mỏ theo hai giai đoạn kịch tính.

Đầu tiên, đại dịch phá hủy nhu cầu khi lệnh phong tỏa qui mô lớn buộc nhà máy đóng cửa và người tiêu dùng phải ở yên trong nhà. Sau đó, kho chứa dần cạn kiệt và thương nhân phải dùng đến các tàu biển để trữ dầu với hi vọng giá dầu sẽ ổn định hơn trong tương lai.

Hiện tại, giá vận chuyển dầu thô đang tăng đột biến vì ngành dầu mỏ dần cạn tàu chở dầu - một dấu hiệu cho thấy thị trường đã bị biến dạng như thế nào và khả năng giá dầu âm sẽ xuất hiện lần nữa trong thời gian tới.

Kịch bản ngành dầu mỏ ngừng sản xuất và tác động của sự việc đối với việc làm, doanh nghiệp, ngân hàng và nền kinh tế các nước là một trong các lí do thúc đẩy nhiều nhà lãnh đạo thế giới hợp lực giảm sản lượng theo một thỏa thuận cụ thể.

Tuy nhiên, khi qui mô của cuộc khủng hoảng đã vượt quá nỗ lực của các nhà lãnh đạo, khiến giá dầu giảm về âm hồi tuần trước, ngành dầu mỏ ngừng sản xuất không còn là chuyện xa xôi. Đây là kịch bản tồi tệ nhất đối với nhà sản xuất và nhà máy lọc dầu.

Phát biểu trong một cuộc phỏng vấn, ông Torbjorn Tornqvist - trưởng bộ phận giao dịch hàng hóa của tập đoàn Gunvor Group, nói: "Chúng ta đang đi đến hồi kết. Thị trường dầu mỏ có thể tới giới hạn trong khoảng thời gian từ đầu đến giữa tháng 5. Thời gian đang tính bằng tuần chứ không phải theo tháng".

Về lí thuyết, động thái giảm sản lượng đầu tiên lẽ ra phải đến từ OPEC+ vì thỏa thuận mà liên minh này đạt được hồi đầu tháng 4 sẽ có hiệu lực từ ngày 1/5. Tuy nhiên, sau khi giá dầu thô WTI lao dốc thảm hại xuống gần -40 USD/thùng hôm 20/4, ngành công nghiệp dầu đá phiến Mỹ đang đi đầu trong cắt giảm sản lượng.

Chương tiếp theo của cuộc khủng hoảng dầu mỏ: Kho chứa cạn, giá dầu có thể giảm về âm lần nữa và thị trường ngừng hoạt động - Ảnh 2.

Ảnh: Quartz; Việt hóa: Khả Nhân

Không phải OPEC+, Mỹ mới là nước đi đầu trong cuộc đua giảm sản lượng 

Chỉ báo tốt nhất cho thấy ngành công nghiệp dầu đá phiến Mỹ đang phản ứng trước thực tế chính là sự sụt giảm mạnh và nhanh chóng của số lượng giàn khoan đang hoạt động tại Mỹ. Tuần trước, số giàn khoan tại Mỹ đã giảm xuống mức thấp 4 năm.

Trước khi cuộc khủng hoảng COVID-19 xảy ra, các công ty dầu mỏ Mỹ đang vận hành khoảng 650 giàn khoan trên khắp cả nước. Đến ngày 24/4, hơn 40% giàn khoan đã ngừng hoạt động, tổng số giàn còn lại là 378.

Trafigura - một trong các nhà xuất khẩu dầu thô lớn nhất của Mỹ từ Vịnh Mexico, tin rằng sản lượng khai thác ở Texas, New Mexico, North Dakota và một số tiểu bang khác sẽ giảm nhanh hơn so với dự kiến khi các công ty phản ứng với giá dầu âm, đặc biệt là khi tình trạng này vẫn tiếp diễn vài ngày trước trên thị trường hàng có sẵn.

Cho đến khi giá dầu sụp đổ vào ngày 20/4, các chuyên gia nhìn chung vẫn đồng thuận rằng sản lượng sẽ giảm khoảng 1,5 triệu thùng/ngày vào tháng 12 năm nay. Tuy nhiên, hiện giờ thị trường kì vọng mức giảm đó sẽ diễn ra vào cuối tháng 6.

"Mức độ nghiêm trọng của áp lực giá có thể đóng vai trò là chất xúc tác, khiến hoạt động khai thác và số lượng giàn khoan dầu giảm ngay lập tức", ông Roger Diwan - nhà phân tích dầu mỏ tại công ty tư vấn IHS Markit cho hay.

Theo Bloomberg, cú sốc giá dầu đặc biệt dữ dội trên thị trường dầu thô giao ngay. Các nhà sản xuất ở khu vực South Texas Sour và Eastern Kansas Common phải trả hơn 50 USD/thùng để giảm sản lượng khai thác vào tuần trước. Một số công ty như ConocoPhillips và Continetal Resources đều công bố kế hoạch giảm sản lượng.

Ủy ban Doanh nghiệp Oklahoma đã phê duyệt chỉ thị khẩn cấp cho phép doanh nghiệp sản xuất dầu thô đóng giếng dầu mà không mất quyền thuê đất. Chính quyền bang New Mexico cũng đã đưa ra quyết định tương tự.

North Dakota, tiểu bang đi đầu trong cuộc cách mạng dầu đá phiến ở Mỹ nhiều năm qua, cũng đang chứng kiến sản lượng giảm nhanh chóng. Các nhà sản xuất dầu thô đã đóng cửa hơn 6.000 giếng dầu, giảm sản lượng khoảng 405.000 thùng/ngày - tương đương 30% tổng sản lượng của Mỹ.

Động thái giảm sản lượng không chỉ xảy ra ở Mỹ. Từ Chad (một quốc gia nghèo và không giáp biển ở châu Phi) đến Việt Nam và Brazil, nhà sản xuất đều đang giảm sản lượng hoặc lên kế hoạch để giảm sản lượng.

Bắt đầu từ ngày 1/5, liên minh OPEC+ sẽ cùng giảm sản lượng 9,7 triệu thùng/ngày, tương đương 20% tổng sản lượng trên toàn thế giới. Saudi Aramco đã hạ mức khai thác để đạt được mục tiêu trên. Các công ty dầu mỏ Nga đã tuyên bố xuất khẩu dầu Urals của nước này trong tháng 5 sẽ giảm xuống mức đáy 10 năm.

Dù vậy, mức giảm nêu trên có thể chưa đủ. Mỗi tuần, 50 triệu thùng dầu thô được đưa vào kho chứa, đủ để cấp nhiên liệu cho cả Đức, Pháp, Italy, Tây Ban Nha và Anh. Với tốc độ trữ dầu như hiện nay, thế giới sẽ cạn khó chứa vào tháng 6. Nếu không thể chứa trên đất liền, dầu sẽ được chuyển ra tàu biển.

Signal, một công phân tích dữ liệu ước tính thị trường hiện cần khoảng 440 tàu chở dầu VLCC để làm kho chứa, đồng nghĩa rằng các tàu này không thể tham gia vận tải hàng hải như bình thường.

Số lượng tàu VLCC khổng lồ này là cần thiết trong trường hợp xảy ra sự kiện "thiên nga đen" trên thị trường dầu mỏ, theo các nhà phân tích của Signal. Một sự kiện như vậy sẽ khiến cung vượt cầu 20%, kéo theo việc các nhà sản xuất phải xoay xở với 880 triệu thùng dầu cần kho chứa.

Hai kịch bản khác mà Signal cũng tính đến là cung vượt cầu 10% và 15%. Trong kịch bản cung vượt cầu 10%, thị trường sẽ có 115 triệu thùng dầu cần kho chứa, tương đương cần 57,5 tàu VLCC. Trong kịch bản còn lại, thế giới sẽ có 497 triệu thùng dầu cần kho chứa, tức cần 279 tàu VLCC.

Khả Nhân

Cập nhật kết quả quý I ngân hàng: Techcombank tạm dẫn đầu, LPBank báo lãi tăng mạnh nhất
Nhiều ngân hàng đã công bố kết quả kinh doanh quý I với lợi nhuận phân hoá rõ nét, bảng xếp hạng lợi nhuận lại tiếp tục có xáo trộn với sự vươn lên trước của Techcombank.