Giá dầu giảm về âm, vì sao nhà sản xuất ngại đóng giếng dầu?
Bài toán tính bằng triệu USD
Theo Cơ quan Thông tin Năng lượng Mỹ (EIA) hồi năm 2016, nhà sản xuất thường tiêu tốn 4,9 - 8,3 triệu USD để xây dựng các giếng dầu trên đất liền, chi phí bao gồm thu hồi đất, khoan giếng, mua sắm cơ sở vật chất, xử lí và vận chuyển dầu thô,... Theo thời gian, chi phí để mở một giếng dầu vào năm 2020 chắc chắn phải cao hơn năm 2016.
Trong khi đó, theo Investopedia, chi phí trung bình cho một giàn khoan ngoài khơi có thể cao gấp 15 đến 20 lần so với chi phí của một giếng dầu trên đất liền. Một giàn khoan ngoài khơi ít tốn kém nhất cũng khiến nhà đầu tư phải bỏ ra gần 200 triệu USD.
Một khi dầu thô được bơm ra khỏi mặt đất, sản phẩm phải được chứa và vận chuyển đến điểm tiêu thụ. Khi đó, nhà sản xuất sẽ phải trả tiền cho quá trình này. Khi giá dầu lao dốc, nhà sản xuất có thể sẽ mất tiền khi bán dầu, đơn giản là vì họ không thể thu lại chi phí sản xuất.
Để làm chậm tốc độ lây lan của đại dịch COVID-19, hàng loạt nền kinh tế lớn trên thế giới đều bị phong tỏa, hoạt động sản xuất và tiêu dùng đình trệ, kéo theo nhu cầu dầu thô sụt giảm mạnh. Bên cạnh đó, kho chứa đang dần cạn kiệt, khiến tình hình thêm trầm trọng.
Do đó, trong trường hợp xấu như hiện nay thì chẳng ai muốn mua dầu thô. Thương nhân đành chấp nhận cho không hoặc trả tiền cho người mua để mang dầu đi chứ không phải tự trữ dầu trong kho chứa.
Đứng trước câu hỏi tại sao nhà sản xuất không đóng cửa giếng dầu mà phải tiếp tục bơm dầu thì vấn đề chi phí chính là yếu tố quan trọng. Xây dựng một giếng dầu đã tiêu tốn như nêu phía trên, đóng một giếng dầu còn tốn kém hơn nhiều lần.
Chưa đề cập đến các nước xuất khẩu dầu thô lớn như Mỹ, Arab Saudi hay Nga, chỉ khoảng 300 giếng dầu ở Biển Bắc (từng là một trong các mỏ dầu năng suất cao nhất thế giới) dự kiến sẽ đóng cửa vào năm 2021 và chính phủ Anh có thể sẽ phải tiêu tốn gần 25 tỉ USD trong vòng 25 năm tới, theo nghiên cứu của Wood Mackenzie.
Đe dọa đến hệ sinh thái
Theo Discovermagazine, các giếng dầu ngoài khơi đã trở thành nơi trú ẩn cho các sinh vật biển trên khắp thế giới. Ngày càng có nhiều nghiên cứu cho thấy các giếng dầu này đã hỗ trợ cho hệ sinh thái rạn san hô và nhiều loài cá biển.
"Một số giếng dầu tại Biển Bắc có thể giúp duy trì các cộng đồng cá biển, khi không chỉ thu hút chúng tập trung về giếng dầu để tìm thức ăn là các sinh vật sống trên giàn khoan mà còn giao phối và sinh sản", bà Lea-Anne Henry - nhà sinh thái học của Đại học Edinburg (Scotland), cho hay.
Theo Offshore Technology, không chỉ có thể gây thiệt hại cho hệ sinh thái, đóng cửa một giếng dầu còn có thể tác động đến môi trường theo cách khác. Đóng cửa và tháo dỡ giếng dầu ngoài khơi cần phải có tàu kéo và xà lan nên có thể tạo ra một lượng lớn CO2 trong quá trình vận chuyển giàn khoan vào bờ.
Khi về đến đất liền, nhiều bộ phận của giàn khoan đã bị mòn, không phù hợp cho việc tái chế nên chỉ có thể bị đập vụn và vận chuyển đến bãi rác cùng với bê tông và các bộ phận khác của giàn khoan. Điều này tương tự với việc đóng và tháo dỡ giếng dầu trên đất liền.
Ngoài ra, gỡ bỏ giàn khoan không cẩn thận có thể gây ra nguy cơ rò rỉ dầu, mặc dù giếng dầu luôn được bịt kín khi ngừng hoạt động, đầu chốt bịt giếng dầu có thể bị xói mòn hoặc bị đẩy ra ngoài do thay đổi áp suất.