|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Hàng hóa

Các ông lớn ngành dầu mỏ lạc quan giữa lúc thế giới lo làn sóng lây nhiễm thứ hai của COVID-19

15:07 | 19/06/2020
Chia sẻ
16 trong số các giám đốc công ty năng lượng hàng đầu thế giới đã tham dự một cuộc họp trực tuyến chưa từng có vào tối ngày 16/6 nhằm bàn phương án kéo ngành dầu mỏ ra khỏi cuộc khủng hoảng nghiêm trọng nhất lịch sử gần đây cũng như để ứng phó với làn sóng lây nhiễm COVID-19 thứ hai.
Các ông lớn ngành dầu mỏ lạc quan giữa lúc thế giới lo làn sóng lây nhiễm thứ hai của COVID-19 - Ảnh 1.

Công nhân vận hành một giếng dầu tại Kazakhstan. (Ảnh: Reuters)

"Mỗi chúng ta phải hướng tổ chức của mình vượt qua thời điểm khó khăn này", Tiến sĩ Sultan Ahmed Al Jaber - Quốc vụ khanh UAE kiêm CEO Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Abu Dhabi, khẳng định.

Theo CNBC, phát biểu trên được đưa ra tại một phiên họp nằm trong khuôn khổ chuỗi sự kiện bàn tròn CEO của Abu Dhabi. Tại đây, các giám đốc cấp cao của nhiều công ty dầu khí và hóa dầu đã cùng nhóm họp để thảo luận các vấn đề lớn mà ngành phải đối mặt.

"Chúng ta đang chứng kiến một số dấu hiệu đáng khích lệ, cho thấy thị trường dầu mỏ đang tái cân bằng và hoạt động kinh tế thế giới dần hồi phục", Tiến sĩ Sultan chia sẻ.

Đồng thời, Quốc vụ khanh UAE còn nhấn mạnh vai trò quan trọng của ngành dầu mỏ trong quá trình phục hồi kinh tế và mở cửa đất nước hậu đại dịch COVID-19.

"Tôi tin chúng ta đã và đang rút ra những bài học quí giá để có thể chia sẻ với nhau trên nhiều phương diện. Tuy nhiên, quan trọng nhất là làm sao đảm bảo an toàn và sức khỏe của người dân - nhân tố nòng cốt giúp hoạt động kinh doanh dầu mỏ phục hồi, cũng như duy trì khả năng phát triển lâu dài của ngành", ông Sultan nói tiếp.

Theo CNBC, tham gia cuộc họp hôm 16/6 còn có nhiều giám đốc cấp cao của một số "ông lớn" ngành dầu khí như CEO Amin Nasser của Saudi Aramco, Chủ tịch kiêm CEO Patrick Pouyanne của Total, CEO Bernard Looney của BP, CEO Claudio Descalzi của ENI, Chủ tịch kiêm CEO Vicki Hollub của Occidental Petroleum và Chủ tịch kiêm Giám đốc điều hành Mukesh Ambani của Reliance Industries.

Ngoài ra, các nhà lãnh đạo trong ngành năng lượng đến từ Nga, Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản, Ai Cập, Đức và Tây Ban Nha cũng tham gia một phiên họp mời riêng khác do Phó Chủ tịch IHS Markit Dan Yergin điều phối.

Sau cơn mưa trời lại sáng

Chia sẻ với CNBC, một quan chức cấp cao tham dự cuộc họp cho biết hầu hết giám đốc ngành năng lượng đều nhất trí rằng "điều tồi tệ nhất đã qua" và "hi vọng nửa đầu cuối năm thị trường sẽ ổn định hơn".

Cuộc họp ngày 16/6 diễn ra sau khi Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) cho biết nhu cầu dầu mỏ trên toàn thế giới sẽ phục hồi vào năm 2021, tuy nhiên để trở lại mức trước đại dịch thì có thể cần thêm nhiều năm nữa.

"Chúng tôi không thực sự biết tương lai sẽ ra sao", CEO Bernard Looney của BP phát biểu tại sự kiện. Bình luận này của ông Looney xuất hiện chỉ một vài ngày sau khi BP thông báo tập đoàn sẽ mất tới 17,5 tỉ USD giá trị tài sản trong quí II/2020 do ảnh hưởng lâu dài của đại dịch và hạ dự đoán giá dầu Brent từ 70 USD xuống còn 55 USD/thùng.

Giới phân tích nhận định mức chia cổ tức của BP trong tương lai sẽ khó giữ vững. Trong số các ông lớn ngành dầu mỏ thì mức chia cổ tức của BP thường nằm trong nhóm cao nhất.

"Mặc dù tin tưởng vào tình hình phía trước, tôi chỉ lạc quan vì chúng ta đang tập trung làm điều mà mình có thể kiểm soát và giúp ổn định hoạt động của doanh nghiệp. Dù lạc quan nhưng có nhiều thứ chúng ta chưa biết trước, do đó chúng ta nên chú tâm vào những gì bản thân có thể làm", ông Looney lí giải.

Hiện tại, các nhà điều hành đang cố gắng khôi phục hoạt động của doanh nghiệp song song với quá trình phục hồi của nền kinh tế, cùng lúc bảo vệ công ăn việc làm cho nhân viên.

CNBC dẫn lời vị quan chức cấp cao phía trên cho biết các giám đốc "rất cảnh giác trước làn sóng lây nhiễm thứ hai" của COVID-19 nhưng nhìn chung họ đều lạc quan rằng nhu cầu sẽ phục hồi.

"Chúng tôi lạc quan vì các nước đang dần nới lỏng lệnh phong tỏa", ông Poyanne của Total chia sẻ thêm.

"Nhu cầu điện năng của khách hàng với công ty chúng tôi đã giảm 20%. Tuy nhiên, Total đang gần như sắp quay trở lại mức nhu cầu thông thường của thị trường", ông Poyanne nói thêm. 

"Còn về mảng nhiên liệu, chúng tôi hiện chưa quay về mức tiêu chuẩn mà chỉ phục hồi khoảng 15%, dù vậy nhu cầu đang bật tăng khá nhanh chóng", ông kết luận.

Điều phối viên Yergin của IHS Markit cho hay cuộc họp diễn ra rất kịp thời, đồng thời nó còn cho thấy UAE có khả năng điều động các bên liên quan như một nhà lãnh đạo thực thụ của ngành năng lượng thế giới.

"Cuộc họp cho chúng tôi một cơ hội quí giá để điều chỉnh, thu thập kiến thức và kinh nghiêm trong những tháng vừa qua, cũng như xác định các thách thức và nhu cầu năng lượng của thế giới hậu khủng hoảng", ông Yergin nói thêm.

Ở diễn biến khác thì vào hôm 18/6, Ủy ban giám sát chung cấp bộ trưởng (JMMC) do liên minh OPEC+ thành lập đã tự tin khẳng định rằng các nước thành viên sẽ nghiêm túc tuân thủ mức cắt giảm sản lượng như đã đề ra trong thỏa thuận trước đó.

Gần đây nhất, OPEC+ đã nhóm họp và nhất trí gia hạn thỏa thuận giảm sản lượng kỉ lục 9,7 triệu thùng/ngày cho đến hết tháng 7. Trước đó, thỏa thuận này dự kiến hết hạn vào cuối tháng 6 và sẽ được nới lỏng xuống mức 7,7 triệu thùng/ngày từ ngày 1/7.

Khả Nhân