|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Hàng hóa

OPEC có cơ hội giành được ưu thế trong cuộc chiến dài hạn với dầu đá phiến

15:50 | 17/06/2020
Chia sẻ
Một khi thị trường dầu mỏ toàn cầu thoát khỏi cuộc khủng hoảng COVID-19, nó sẽ phụ thuộc đáng kể vào sản lượng dầu thô từ OPEC, theo Bloomberg

Tuy nhiên, OPEC và các đồng minh đang chấp nhận hi sinh thị phần của họ trong nỗ lực đẩy giá dầu thô, cắt giảm sản lượng hàng triệu thùng dầu khi mà đại dịch COVID-19 làm giảm nhu cầu tiêu thụ nhiên liệu.

OPEC cũng tự nguyện cắt giảm sản lượng trong ba năm qua nhằm bình ổn thị trường đang dư cung bởi việc sản xuất ồ ạt dầu đá phiến Mỹ.

Trước đại dịch, các chuyên gia đã cho rằng OPEC sẽ cần phải cắt giảm sản lượng hơn nữa trong những năm tới.

Tuy nhiên những biến động thị trường hiện tại có thể đem lại một cơ hội khác cho OPEC. Việc giá dầu lao dốc đã làm giảm vốn đầu tư vào các nguồn cung mới trên khắp thế giới, từ những dự án lớn của Big Oil cho đến những dự án của ngành công nghiệp đá phiến Mỹ. 

Các nhà phân tích cho rằng OPEC đang dần giành lại được vị thế vốn có của mình. 

“Có thể thấy từ thị phần dầu mỏ, OPEC rõ ràng sẽ dẫn đầu trong vài năm tới”, ông Michele Della Vigna, người đứng đầu của công ty Goldman Sachs Group Inc cho hay. “Việc giảm vốn đầu tư vào phần còn lại của ngành khai thác dầu cuối cùng cũng có lợi cho họ”. 

OPEC có cơ hội giành được ưu thế trong cuộc chiến dài hạn với dầu đá phiến - Ảnh 1.

Bloomberg tổng hợp. Việt hóa: Đức Quỳnh

Cũng có ý kiến cho rằng OPEC vẫn phải hết sức cẩn trọng. Bởi trong thập kỉ qua đã có rất nhiều cảnh báo cho rằng vốn đầu tư sụt giảm sau cú sốc dầu mỏ năm 2014 sẽ để lại một sự thiếu hụt trong nguồn cung và OPEC sẽ có khả năng lấp đầy nó. 

Tuy nhiên sự thiếu hụt này đã không bao giờ xảy ra bởi thị trường dầu đá phiến Mỹ đã chứng tỏ sức phục hồi đáng kinh ngạc của nó.

Thay vào đó, cuối năm 2016, Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ- dẫn đầu bởi Arab Saudi và các nước Trung Đông đã thành lập liên minh với các đối thủ trước đây, chẳng hạn như Nga, nhằm hạn chế sản lượng.

Tuần trước, mạng lưới 23 quốc gia này (hay còn được gọi là OPEC+) đã xác nhận rằng sẽ duy trì giới hạn sản lượng dầu thô cho đến năm 2022. 

Ủy ban giám sát của tổ chức sẽ họp lại vào ngày 18/6 để xem xét lại thị trường.

Tầm nhìn thay đổi 

Vẫn còn quá sớm để biết liệu những dự đoán mới nhất về sự thâm hụt nguồn cung là có căn cứ hay không, hay liệu lần này thực sự khác biệt? 

Tuy nhiên những dấu hiệu ban đầu cho thấy OPEC có thể phục hồi lại ở vị thế cao hơn nhờ vào thỏa thuận cắt giảm sản lượng hiện tại.

Trước diễn biến giá dầu năm nay, các chuyên gia dự đoán rằng nhu cầu tiêu thụ dầu thô có nguồn gốc từ OPEC sẽ giảm dần khi các đối thủ của tổ chức này tiếp tục tăng sản lượng.

Theo báo cáo triển vọng hàng năm được công bố vào tháng 11, chính OPEC đã dự đoán rằng nhu cầu tiêu thụ sẽ giảm 7% vào năm 2023, dưới áp lực của nguồn cung dư khổng lồ từ dầu đá phiến Mỹ và các nguồn dầu ngoài khơi mới từ Guyana và Norway. 

Cơ quan Năng lượng Quốc tế dự báo rằng sản lượng dầu cần thiết cho nhu cầu từ OPEC sẽ không tăng trở lại mức năm ngoái cho đến năm 2024.

Hiện tại viễn cảnh này đang dần thay đổi. 

Goldman Sachs dự đoán nhu cầu này có thể tăng lên tới 17% trong các năm từ 2019 đến 2025, tương đương 34 triệu thùng dầu/ngày.

Rystad Energy A/S, một nhà tư vấn có trụ sở tại Oslo và Citigroup Inc. cũng đã chuyển đổi các dự báo về việc sụt giảm nhu cầu thành ước tính tăng trưởng.

Sự suy giảm của Mỹ

Ed Morse, người đứng đầu bộ phận nghiên cứu hàng hóa tại Citigroup cho biết “Mối đe dọa lớn từ việc Mỹ sẽ ở mức tăng trưởng 1 triệu thùng/ngày mỗi năm. Tốc độ tăng trưởng này có thể kéo dài ít nhất đến năm 2025”.

Việc giá dầu lao dốc đang làm gia tăng tham vọng của chính quyền tổng thống Trump về khả năng “thống trị năng lượng” của Mỹ.

Theo dữ liệu của chính phủ, sản lượng dầu thô của Mỹ đã giảm 15% trong hai tháng qua, chỉ còn hơn 11 triệu thùng/ngày.

Với việc giảm một nửa vốn đầu tư vào ngành công nghiệp dầu đá phiến, theo ước tính của IEA, điều tồi tệ hơn có thể chưa xảy ra.

Đối với ngân hàng Goldman, vấn đề đáng quan tâm hơn cả sự suy giảm của dầu đá phiến là việc Mỹ giảm 60% vốn đầu tư hàng năm vào các dự án dài hạn trong 5 năm qua- đặc biệt trong việc hỗ trợ sản lượng cho các đối thủ của OPEC- tương đương khoảng 37 tỉ USD.

Kết quả của sự suy giảm này sẽ được nhìn thấy vào năm tới, khiến cho tăng trưởng nguồn cung bên ngoài OPEC bị chậm lại.

Theo IEA, sự suy thoái của nền kinh tế năm nay chỉ làm thắt chặt thêm việc thu hẹp nguồn vốn đầu tư vào ngành dầu khí gần 250 tỉ USD, tương đương 1/3 số vốn ban đầu.

Các công ty dầu khí lớn như BP Plc và Exxon Mobil Corp cũng đã công bố cắt giảm hàng tỷ USD chi tiêu vốn.

Rủi ro giảm sản lượng tạo cơ hội cho dầu đá phiến 

Trong thời điểm hiện tại, việc OPEC tiếp tục tăng giá dầu đồng thời cắt giảm sản lượng có nguy cơ đem lại ưu thế cho các đối thủ của họ.

Giá dầu Brent đã tăng hơn gấp đôi kể từ cuối tháng 4 lên khoảng 40 USD/thùng, và có những dấu hiệu cho thấy các công ty dầu đá phiến của Mỹ đang nắm bắt cơ hội này. 

EOG Resources Inc, công ty sản xuất dầu đá phiến lớn nhất của Mỹ, và Parsley Energy Inc. đang hoạt động trở lại.

Tuy nhiên, sự chậm trễ đầu tư trong bối cảnh kinh tế suy thoái đã dẫn đến tình trạng thiếu hụt nguồn cung trong những năm tới, Per Magnus Nysveen, chuyên gia phân tích tại Rystad cho biết. 

Trong bối cảnh đó, các thành viên của OPEC như Arab Saudi và Các Tiểu vương quốc Arab Thống nhất - với chi phí sản xuất thấp hơn nhiều và nguồn tài nguyên hydrocarbon khổng lồ - có thể là thị trường tốt nhất để giành lấy thị phần.

“Việc giảm vốn đầu tư hiện tại có thể dẫn đến việc giảm nguồn cung dầu mỏ vào năm 2025. Và các thành viên Trung Đông của OPEC sẽ là nhân tố cần thiết trong nỗ lực cân bằng cán cân cung-cầu của thị trường”, ông Nysveen nhận định.

H.Mĩ