Giá dầu thô phục hồi hơn 80 USD/thùng sau hơn 7 tuần lao dốc
Thị trường dầu mỏ đang hồi phục nhanh chóng sau những chuỗi ngày đen tối chưa từng có.
Giá dầu thô Mỹ đạt đỉnh 40 USD/thùng vào tuần trước, tăng tới 80 USD/thùng so với 7 tuần trước khi mà lần đầu tiên trong lịch sử giá dầu rớt xuống dưới 0 USD/thùng xuống -40,32 USD/thùng vào ngày 20/4.
Cùng lúc đó, giá dầu Brent đã tăng hơn gấp đôi kể từ giữa tháng 4.
Sự phục hồi nền kinh tế toàn cầu nói chung và nhu cầu tiêu thụ xăng dầu nói riêng từ đại dịch COVID-19 đang được kì vọng sẽ thúc đẩy thị trường dầu mỏ hồi phục mạnh mẽ.
Giá dầu thô tăng cũng phản ánh sự tuân thủ nghiêm túc đối với thỏa thuận cắt giảm sản lượng kỉ lục của OPEC, Nga và các đồng minh, cộng với sự sụt giảm mạnh về sản lượng từ Mỹ, nhà sản xuất hàng đầu thế giới.
Tuy nhiên nhiều ý kiến quan ngại rằng sự phục hồi này khá “bấp bênh” bởi nguồn cung dầu mỏ vẫn dư thừa. Thậm chí các nhà sản xuất lớn nhất thế giới cũng nhận định mức tiêu thụ khó mà sớm quay trở lại mức trước đại dịch. Hơn nữa mối đe dọa về một làn sóng COVID-19 thứ hai rất có thể xảy ra.
“Thị trường đã có sự chuẩn bị kĩ lưỡng, cho nên khả năng xảy ra rủi ro là không cao”, Bob McNally, chủ tịch của công ty tư vấn Rapidan Energy Group cho hay.
Giới đầu tư đánh cược rằng tình trạng dư cung - yếu tố khiến giá dầu thô giảm xuống mức âm hồi tháng 4 - sẽ sớm kết thúc.
Tuy nhiên các nhà phân tích cũng nhấn mạnh phải mất một thời gian dài mới có thể tái cân bằng thị trường đang trong thời điểm nhạy cảm này.
Goldman Sachs: Thị trường dầu mỏ có xu hướng “đi xuống”
Ngân hàng Goldman Sachs cảnh báo hôm đầu tuần rằng thị trường dầu đang có dấu hiệu đi xuống và giá dầu có thể giảm trong vài tuần tới.
Thị trường đang kì vọng quá nhiều vào việc nhu cầu phục hồi; tồn kho dầu thô vẫn ở mức cao; sản xuất dầu đá phiến Mỹ và dầu Libya đã bắt đầu tăng trở lại; và giá dầu đang đến gần mức sẽ khiến việc cắt giảm nguồn cung của OPEC giảm bớt và việc mua hàng của Trung Quốc chậm lại là bốn thách thức lớn của thị trường mà Goldman Sachs đã liệt kê.
Goldman Sachs dự đoán giá dầu WTI trung bình chỉ 34 USD/thùng trong quí ba, bất chấp những nỗ lực mới nhất của OPEC để vực dậy thị trường dầu mỏ.
Cuối tuần trước, OPEC và hầu hết quốc gia đồng minh đã đạt được thỏa thuận gia hạn cắt giảm sản lượng dầu kỷ lục cho đến tháng 7. Hơn nữa, tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ đã đạt được các cam kết tuân thủ hạn ngạch mới từ các quốc gia như Iraq và Nigeria.
Thỏa thuận này nhấn mạnh sự cải thiện đáng kể mối quan hệ của các thành viên trong OPEC+ sau cuộc chiến giá cả kéo dài giữa Arab Saudi và Nga.
“Nga và Arab Saudi không còn đối đầu nhau nữa, thay vào đó họ lại ở cùng một chiến tuyến”, McNally cho hay.
Nhu cầu tiêu thụ tăng trở lại
Cùng lúc đó, cơn khát dầu có vẻ như đang phục hồi trở lại. Việc dỡ bỏ các lệnh phong tỏa giúp gia tăng nhu cầu tiêu thụ xăng xe, nhiên liệu máy bay và dầu diesel từ mức rất thấp. Ngay cả thành phố New York, tâm chấn của đại dịch, cũng đang bắt đầu mở cửa trở lại nền kinh tế.
"Nhu cầu của người dân rõ ràng đang tăng lên," Michael Tran, Giám đốc Chiến lược Năng lượng toàn cầu tại RBC Capital Markets nhận định.
Theo ước tính của RBC dựa trên dữ liệu giao thông thời gian thực, nhu cầu xăng dầu của Mỹ đã tăng 885.000 thùng/ngày trong tuần qua, mức tăng cao nhất kể từ khi các biện pháp hạn chế được nới lỏng.
Mặc dù phố Wall dự đoán số dư cung-cầu sẽ dẫn đến tình trạng thâm hụt vào cuối tháng này hoặc đầu tháng tới, ông Tran đã chỉ ra những dấu hiệu cho thấy quá trình tăng giá có thể xảy ra sớm hơn vài tuần so với dự đoán.
Đại dịch COVID-19 vẫn chưa kết thúc
Tuy nhiên việc tái cân bằng thị trường dầu mỏ trong thời điểm dịch COVID-19 có dấu hiệu bùng phát trở lại có nguy cơ đối mặt với rủi ro cao khiến các nhà chức trách từ bỏ kế hoạch mở cửa trở lại.
Đây chính xác là những gì đang xảy ra ở Isreal, khi quốc gia này tuyên bố vào hôm thứ Hai rằng sẽ “tạm hoãn” các kế hoạch mở cửa trở lại trong bối cảnh các ca nhiễm mới COVID-19 tăng mạnh.
Nhà phân tích công nghệ sinh học Morgan Stanley Matthew Harrison cho biết ngân hàng đang theo dõi nguy cơ bùng phát dịch ở các bang nơi mà các ca nhiễm mới và các ca nhập viện đang "leo thang trở lại".
Harrison liệt kê Arizona, California, Oregon, Florida, South Carolina và Texas là những bang cần theo dõi. Morgan Stanley dự đoán tổng cộng 2,5 triệu người Mỹ sẽ bị nhiễm bệnh, vượt xa dự báo 1,4 triệu ca nhiễm chỉ một tháng trước.
"Làn sóng thứ hai của đại dịch COVID-19 không còn là giả thuyết nữa”, Bjornar Tonhaugen, người đứng đầu thị trường dầu mỏ tại Rystad Energy, viết trong một ghi chú vào thứ Ba. "Nếu tình huống xấu đó trở thành hiện thực thì nhu cầu tiêu thụ dầu, vốn đang dần hồi phục, có thể sẽ quay trở lại mức trong thời gian phong tỏa”.
Dầu đá phiến quay trở lại thị trường
Ngay cả khi sự khủng hoảng y tế vẫn nằm trong tầm kiểm soát thì thị trường dầu mỏ vẫn có nguy cơ rơi vào khủng hoảng giá cả một lần nữa.
Trong những năm gần đây, giá dầu tăng cao đã thúc đẩy các công ty dầu mỏ, đặc biệt là các công ty của Mỹ, tăng mạnh sản lượng. Điều đó dẫn đến nguồn cung dư thừa.
"Những gì chúng tôi lo lắng là một cuộc đụng độ kép trong quá trình này", Ryan Lance-giám đốc điều hành của ConocoPhillips (COP) đề cập trong cuộc trò chuyện của CERAWeek được công bố hôm thứ Ba.
Phố Wall sẽ thuyết phục các công ty dầu đá phiến giữ sản lượng ở mức chừng mực khi họ quay trở lại thị trường.
"Thị trường dầu đá phiến không bị phá sản mà sẽ quay trở lại", Lance cho hay. "Nhưng tốc độ phục hồi sẽ chậm hơn thị trường dầu mỏ bởi vì các công ty đang phải chịu áp lực tinh chỉnh chương trình vốn của họ, có thể không tăng trưởng mạnh như trước đây."
McNally, chủ tịch Rapidan Energy, đồng ý rằng các công ty dầu đá phiến sẽ phải hết sức thận trọng.
“Mặc dù giá dầu tăng vọt 80 USD/thùng, vẫn còn quá sớm để các công ty có thể ăn mừng sự phục hồi này”, ông McNally cho hay.