|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Hàng hóa

Các tập đoàn dầu mỏ lớn làm thế nào để thu hút nhà đầu tư trở lại?

07:14 | 05/06/2020
Chia sẻ
Dịch COVID-19 đã gây ra sự sụt giảm mạnh nhất trong lịch sử về nhu cầu đối với các sản phẩm của các tập đoàn dầu mỏ khổng lồ.
Các tập đoàn dầu mỏ lớn làm thế nào để thu hút nhà đầu tư trở lại? - Ảnh 1.

Cơ sở lọc dầu của tập đoàn Exxon-Mobil (Mỹ) tại Port Jerome, Normandy, Pháp. Ảnh: AFP/TTXVN

Các cuộc họp cổ đông thường niên của ExxonMobil, Chevron và BP đều được tổ chức vào ngày 27/5, mỗi cuộc họp giống như một cuộc tổng kiểm tra hàng năm trong một tình hình cấp bách.

Tháng 4/2020, Royal Dutch Shell đã cắt cổ tức lần đầu tiên kể từ sau Chiến tranh Thế giới thứ Hai. Ngày 1/5, ExxonMobil đã báo khoản lỗ đầu tiên kể từ vụ sáp nhập lớn tạo ra tập đoàn này vào năm 1999.

Theo tạp chí Economist của Anh, từ trước dịch COVID-19, các nhà đầu tư đã tìm kiếm nơi có rủi ro thấp hơn và lợi nhuận cao hơn. Năng lượng là lĩnh vực hoạt động yếu nhất của chỉ số S&P 500 trong 4 trong số 6 năm gần đây. Tuy nhiên, các gã khổng lồ này luận rằng, dù như thế, triển vọng của họ không xấu.

Lập luận của họ đúng một nửa. Một số tập đoàn đã trở nên kiên cường hơn kể từ lần suy thoái cuối cùng vào năm 2014 khi theo đuổi các dự án có lợi nhuận cao hơn và cắt giảm các chi phí.

Giá dầu cần thiết để trang trải chi phí vốn và cổ tức đối với 7 tập đoàn lớn nhất là ExxonMobil, Shell, Chevron, Total, BP, Equinor và Eni chỉ còn bằng khoảng một nửa so với năm 2013, theo ước đoán của ngân hàng đầu tư Goldman Sachs.

Nhiều công ty dầu khí cũng đang chuẩn bị cho một tương lai khí carbon thấp. Tháng 12 năm ngoái, tập đoàn Repsol của Tây Ban Nha đã cam kết sẽ đạt được mức khí phát thải từ hoạt động và bán sản phẩm của họ bằng không vào năm 2050. BP, Shell, Eni và Total cũng đã công bố các cam kết của mình.

Hơn nữa, khi các công ty dầu nhỏ hơn chật vật vượt qua đại dịch COVID-19, đặc biệt là những công ty dầu đá phiến của Mỹ, những công ty lớn hơn có thể lấy hết tài sản của họ. Việc cắt giảm chi tiêu của các tập đoàn lớn có thể làm chậm hoạt động sản xuất dầu của họ.

Nhưng điều đó chỉ gây khó khăn nếu tăng trưởng sản xuất là có giá trị, theo chuyên gia Michele Della Vegna của Goldman Sachs. Ông nói nằng nếu tăng trưởng quá mức là vấn đề, thì cắt giảm là một phần của giải pháp.

Có hai vướng mắc. Giá hòa vốn đối với một số công ty, dù đã thấp hơn trước, nhưng vẫn còn cao. Giá hòa vốn của ExxonMobil đứng ở mức 70 USD/thùng, gấp đôi so với giá dầu giao dịch gần đây. Và không rõ liệu các tập đoàn lớn có thể rời xa dầu mỏ, nếu có thể, nhanh như thế nào.

ExxonMobil và Chevron, các công ty dầu lớn nhất của Mỹ, cho rằng là không thể. Cả hai đều chưa đặt ra mục tiêu kiềm chế khí phát thải từ việc bán các sản phẩm của họ. Ngày 27/5, các cổ đông của ExxonMobil đã bỏ phiếu chống lại việc phân chia vai trò của chủ tịch và giám đốc điều hành.

Các nhà đầu tư vì môi trường đã hy vọng một chủ tịch độc lập có thể thúc đẩy sự thay đổi.

Các tập đoàn lớn của châu Âu trông giống như những người bảo vệ môi trường Birkenstock. Tuy nhiên, những cam kết của các công ty này là lỏng lẻo. Tháng 2/2020, công ty Eni của Italy cho biết hoạt động sản xuất dầu mỏ và khí đốt của họ sẽ đạt tình trạng ổn định vào năm 2025, nhưng vẫn để lại không gian cho “giảm linh hoạt” đối với dầu mỏ sau đó.

Ngày 5/5, Total tuyên bố sẽ đạt mức 0%, nhưng chỉ đối với các sản phẩm được bán ở châu Âu. BP, dưới áp lực của các nhà hoạt động môi trường, đang làm việc để giải thích làm thế nào để có thể đáp ứng các mục tiêu về chống biến đổi khí hậu.

Các công ty có một cách để thực hiện. Công ty Equinor của Na Uy, năm ngoái, đã dành khoảng 8% đầu tư vào năng lượng tái tạo; con số này của Shell là 2%. 

Trong khi đó, một loại đối thủ mới đang nổi lên. Với giá trị thị trường 68 tỷ USD,  Iberdrola, một công ty phát triển các nhà máy điện Mặt Trời và gió của Tây Ban Nha, đã vượt qua giá trị thị trường của Eni và Equinor và đang bám sát BP.

Đinh Thư