|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Kinh doanh

Với tổng nợ hơn 70 tỉ USD, hàng trăm công ty dầu mỏ Mỹ không thể 'chết êm ái' khi giá dầu xuống mức thấp kỉ lục

15:42 | 21/04/2020
Chia sẻ
Giới doanh nghiệp khai thác và sản xuất dầu mỏ ở Mỹ đã vay quá nhiều tiền khi giá dầu còn ở mức cao, và bây giờ có thể vài trăm công ty sẽ phải xin phá sản nếu giá dầu tụt xuống mức 20 USD/thùng.

Địa chấn vừa xảy ra ở thị trường dầu thô Mỹ hôm 20/4, khi giá dầu WTI giao tháng 5 trên sàn New York trong phiên giao dịch 20/4 giảm hơn 100% và chốt ở mức -37,63 USD/thùng. Đây là lần đầu tiên trong lịch sử, giá dầu thô Mỹ giao dịch ở mức âm, nghĩa là các nhà sản xuất dầu thô phải trả tiền cho bên mua. 

May mắn thay, trong phiên giao dịch qua đêm, giá dầu WTI giao tháng 5 đã quay trở lại mức dương, dao động ở mức 1,17 USD/thùng. Đầu năm nay, giá dầu đạt hơn 60 USD/thùng.

Các công ty dầu ở Mỹ đã vay quá nhiều tiền thời hoàng kim

Đại dịch viêm phổi cấp COVID-19 khiến nhu cầu mua dầu giảm nhanh đến nỗi thế giới không còn kho để chứa các thùng dầu. Trong khi đó, nguồn cung dồi dào từ Nga và Saudi Arabia lại không giảm.

Hai yếu tố bất lợi ấy đã đẩy giá dầu tụt xuống mức mà các công ty khai thác dầu đá phiến Mỹ không thể tạo lợi nhuận. Giá dầu thô giao tháng 5 ở Mỹ giảm xuống mức âm hôm 20/4 - hiện tượng chưa từng xảy ra từ khi sàn giao dịch dầu tương lai NYMEX bắt đầu hoạt động năm 1983. Đó là ngày tệ nhất trong lịch sử ngành dầu mỏ.

Giá dầu thô giao tháng 6 ở Mỹ vẫn đạt mức trên 20 USD/thùng, song đó cũng là một điều tệ hại.

""30 USD/thùng đã là mức giá khá tệ. Và khi giá xuống mức 20 USD hay thậm chí 10 USD, đó là cơn ác mộng thật sự", Artem Abramov, giám đốc nghiên cứu dầu đá phiến của công ty Rystad Energy, bình luận.

Hàng trăm công ty dầu mỏ Mỹ có thể phá sản - Ảnh 1.

Nếu giá dầu xuống dưới mức 10 USD, hơn 1.100 công ty khai thác và sản xuất dầu mỏ ở Mỹ sẽ phá sản. Ảnh: CNN

Nhiều công ty khai thác dầu đá phiến Mỹ đã vay quá nhiều tiền khi giá dầu còn ở mức cao hơn hiện nay. Một phần trong số doanh nghiệp ấy sẽ không thể "sống sót" trong giai đoạn giá thấp kỉ lục hiện tại.

Với mức giá 20 USD/thùng dầu, 533 công ty khai thác và sản xuất dầu ở Mỹ sẽ nộp đơn xin phá sản vào cuối năm 2021, theo nghiên cứu mới nhất của Rystad Energy. Nếu giá xuống mức 10 USD, hơn 1.100 công ty sẽ phá sản.

"Ở mức giá 10 USD, hầu hết doanh nghiệp khai thác và sản xuất dầu mỏ ở Mỹ sẽ phải xin bảo hộ phá sản theo Chương 11 của Luật Phá sản, hoặc xem xét những cơ hội kinh doanh khác", Abramov giải thích.

Áp lực lớn chưa từng thấy trong ngành dầu mỏ

Dấu hiệu xấu của ngành dầu mỏ Mỹ xuất hiện khắp nơi. Chỉ số S&P 500 của ngành năng lượng giảm hơn 40% từ đầu năm tới nay, bất chấp sự hồi phục của thị trường chứng khoán trong một tháng qua, theo CNN.

Những công ty dầu như Noble Energy, Halliburton, Marathon Oil, Occidental đã mất hơn 2/3 giá trị vốn hóa thị trường. Ngay cả giá trị vốn hóa của một tập đoàn đình đám như ExxonMobil cũng giảm tới 38%.

Whiting Petroleum trở thành "ngôi sao" đầu tiên rời khỏi "bầu trời dầu mỏ" khi tập đoàn đình đám một thời xin phá sản vào ngày 2/4. Song Whiting Petroleum không phải doanh nghiệp cuối cùng lâm vào cảnh bi đát ấy.

Nghiên cứu của Rystad Energy dự đoán tổng số nợ của các công ty dầu mỏ Mỹ đạt hơn 70 tỉ USD, và con số ấy sẽ tăng thêm 177 tỉ USD vào năm 2021. Đó mới chỉ là khoản nợ của các công ty khai thác và sản xuất dầu mỏ, chứ chưa tính tới khoản nợ của ngành công nghiệp hỗ trợ dầu mỏ.

Điểm mấu chốt là giá dầu sẽ ở mức thấp kỉ lục trong bao lâu. Sự phục hồi nhanh của giá dầu sẽ cho phép nhiều công ty dầu tránh thảm cảnh phá sản.

Với tổng nợ hơn 70 tỉ USD, hàng trăm công ty dầu mỏ Mỹ không thể 'chết êm ái' khi giá dầu xuống mức thấp kỉ lục - Ảnh 2.

Hàng vạn người lao động trong ngành dầu mỏ Mỹ có thể gia nhập đội quân thất nghiệp nếu giá dầu lao xuống mức 10 USD/thùng. Ảnh: CNBC

Buddy Clark, trưởng bộ phận năng lượng của hãng luật Haynes & Boone, kể rằng công ty đang rất bận rộn với việc xử lí các hồ sơ xin bảo hộ phá sản. Công ty đã phải điều động luật sư từ các lĩnh vực khác xử lí hồ sơ của ngành năng lượng.

"Tôi chưa từng thấy cảnh tượng này trong đời. Đó là sự kiện chưa từng có tiền lệ", Clark, người hành nghề luật trong ngành năng lượng từ năm 1982, bình luận. Vị luật sư từng nghĩ rằng, bất chấp sự lao dốc của giá dầu, chỉ khoảng xấp xỉ 100 công ty xin phá sản.

"Hóa ra con số 100 vẫn thể hiện sự lạc quan. Nó nói lên tình cảnh khốn khó của ngành dầu mỏ Mỹ", ông lập luận.

Xin bảo hộ phá sản không đơn giản

Luật sư Clark nhận định các doanh nghiệp khai thác và sản xuất dầu mỏ Mỹ không thể vạch kế hoạch tái cơ cấu sớm vì họ không thể đoán giá dầu sẽ ở mức nào.

"Hài hước thay, giá dầu thấp hơn đã kìm hãm quá trình. Hàng loạt công ty sẽ phải nộp đơn xin phá sản, song trước tiên họ phải quay trở về phòng hợp và vạch kế hoạch tái cơ cấu", ông nói.

Viễn cảnh u ám của ngành dầu mỏ Mỹ sẽ khiến một bộ phận trong giới sản xuất dầu mỏ không thể vay vốn và nhận sự hỗ trợ từ bên ngoài theo yêu cầu của Luật Phá sản. Những chủ nợ thường nắm cổ phiếu của công ty muốn vay tiền, song hiện tại họ sẽ không muốn lấy cổ phiếu vì chúng quá rẻ.

Thực tế ấy có nghĩa là, khác với đợt giá dầu lao dốc trong giai đoạn năm 2014-2016, một số công ty dầu mỏ sẽ không thể tiếp tục tồn tại.

"Chương 11 của Luật Phá sản yêu cầu doanh nghiệp có các nhà tài trợ vốn. Có thể chúng ta sẽ thấy những khoản vốn theo yêu cầu của Chương 7", Reid Morrison, trưởng bộ phận dầu mỏ Mỹ của PwC, phát biểu.

Cơn ác mộng có thể tạo ra cơ hội thôn tính hấp dẫn cho nhiều doanh nghiệp lớn nhất trong ngành dầu mỏ Mỹ vì nhiều công ty khó khăn sẽ phải bán các mỏ khai thác với giá rẻ. Exxon và Chevron, hai tập đoàn lớn nhất trong ngành, có thể sẽ thực hiện một số thương vụ mua lại đối thủ.

"Những công ty có tiềm lực tài chính dồi dào sẽ tận dụng tình huống này", Morrison nói.

Mặc dù vậy, ông cũng nhấn mạnh rằng các doanh nghiệp muốn thôn tính đối thủ cũng sẽ tỏ ra thận trọng trước khi mua lại trong 6 tháng tới, bởi họ cũng phải bảo vệ khoản cổ tức mong manh của các nhà đầu tư.

Cửu Dương