|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Hàng hóa

IEA: Nhu cầu dầu thô 2020 sẽ thấp kỉ lục, nhưng sẽ bật tăng trong năm 2021

11:42 | 19/06/2020
Chia sẻ
Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) hôm thứ Ba (16/6) dự đoán lượng sụt giảm về nhu cầu dầu mỏ trong năm nay sẽ thấp chưa từng thấy, nhưng thị trường sẽ ổn định hơn trong những tháng còn lại của năm.

Theo trang CNBCgiá dầu thô đã biến động khoảng 40% từ đầu năm 2020 cho đến nay do các lệnh phong tỏa và hạn chế đi lại đã giáng một đòn mạnh lên thị trường năng lượng thế giới.

IEA cũng cho biết vào quí II, nhu cầu về dầu thấp hơn so với cùng kì năm 2019 tới 17,8 triệu thùng/ngày. Cho dù lượng sụt giảm này thấp hơn so với tính toán ban đầu của IEA, con số này vẫn là lớn chưa từng thấy.

Trong một báo cáo chi tiết về thị trường dầu mỏ, IEA chỉ ra vào thứ Ba (16/6) rằng nhu cầu về dầu trong năm 2020 có thể giảm 8,1 triệu thùng/ngày, trước khi tăng trở lại vào năm 2021 khoảng 5,7 triệu thùng/ngày.

Điều này đồng nghĩa với mức sụt giảm nhu cầu lớn nhất trong lịch sử. Từ đó, mức tăng trưởng cầu trong năm 2021 cũng sẽ là lớn nhất trong lịch sử do cách hoạt động kinh tế, xã hội đều sẽ trở lại bình thường.

IEA dự đoán nhu cầu dầu trong những tháng còn lại của năm 2020 là 91,7 triệu thùng/ngày, cao hơn khoảng 500.000 thúng/ngày so với dự báo của cơ quan này đưa ra hồi 5, chủ yếu là do sự phát triển của các dịch vụ vận chuyển.

IEA cho biết: “Thỏa thuận giảm sản lượng của OPEC+ và cuộc gặp của các bộ trưởng năng lượng tại G20 đã đóng vai trò quan trọng trong việc ổn định thị trường. Nếu xu hướng sản xuất như hiện nay được duy trì và nhu cầu tiếp đà hồi phục, thị trường sẽ đạt trạng thái ổn định hơn trong thời gian tiếp theo. Tuy nhiên, không thể chủ quan trước những sự thiếu chắc chắn của nền kinh tế.”

Theo Bloomberg, Arab Saudi, Nga và các thành viên khác của OPEC+ dự kiến sẽ họp trực tuyến vào thứ Năm (18/6) để đánh giá tác động của chính sách cắt giảm sản lượng được công bố vào tháng trước. Theo một nguồn tin không không khai, ước tính OPEC+ thực hiện 87% chỉ tiêu giảm sản lượng 9,7 triệu thùng/ngày trong tháng 5.

Mức cắt giảm cũng là để ước tính lượng dầu thô mà các thành viên OPEC+ cần cung cấp trong quí này, khoảng 2,17 triệu thùng/ngày. Sản lượng của Nga và Mỹ trong quí II cũng được dự báo tăng.

Báo cáo cho thấy phần lớn các nước trung đông thuộc OPEC+ đã thực hiện cam kết cắt giảm một cách khá nghiêm túc.

Mối lo còn hiện hữu

OPEC+ đã gia hạn thỏa thuận giảm sản lượng 9,7 triệu thùng/ngày tới hết tháng 7.

Qua đó, các thành viên chủ chốt yêu cầu các nước đã không tuân thủ thỏa thuận trong quá khứ phải cam kết sẽ hành động vì mục đích chung.

Iraq, một nước thường xuyên không tuân thủ nghiêm chính sách của OPEC+, cũng đang cố gắng để đáp ứng hạn ngạch mà tổ chức này đưa ra, chỉ sản xuất một nửa sản lượng được phân bổ, khoảng 4.165 triệu thùng/ngày.

Các quốc gia không tuân thủ cắt giảm sản lượng sẽ bị yêu cầu cắt giảm sản lượng thêm 3 tháng nữa.

Động thái trên đã cải thiện giá dầu, tuy rằng những mối lo ngại về đợt bùng phát dịch bệnh thứ 2 vẫn còn hiện hữu.

Ông Fatih Birol, Giám đốc điều hành IEA trả lời CNBC vào thứ Ba (16/6) rằng sự phục hồi khiêm tốn của thị trường dầu mỏ xuất phát từ 3 nguyên nhân: Trung Quốc dỡ bỏ lệnh phong tỏa; các thành viên OPEC+ tuân thủ nghiêm túc thỏa thuận; và sự giảm nguồn cung của Mỹ, Canada và các nước G20 khác.

Theo dữ liệu của đại học Johns Hopkins, tính đến ngày 16/6, toàn thế giới có hơn 8 triệu ca dương tính với COVID-19 và 436.899 ca tử vong.

Tổng giám đốc WHO (Tổ chức Y tế Thế giới), Tiến sĩ Tedros Adhanom Ghebreyesus cho biết thứ Hai (15/6) rằng: mất 2 tháng để thế giới ghi nhận ca nhiễm thứ 100.000, trong khi trong 2 tuần vừa qua, mỗi ngày đều ghi nhận hơn 100.000 ca nhiễm mới.

Số ca nhiễm vẫn đang tiếp tục tăng nhanh tại các nước châu Mỹ và Nam Á. Một mối lo ngại khác đang đến từ một chủng virus mới tại Bắc Kinh.

Nhu cầu năng lượng ngành hàng không dự báo tăng trưởng chậm

Ngành hàng không được dự báo sẽ tăng trưởng chậm trong 2021.

IEA dự báo lượng tiêu thụ dầu trong năm 2021 sẽ thấp hơn so với năm 2019 khoảng 2,4 triệu thùng/ngày do nhu cầu về máy bay và dầu hỏa còn yếu.

Việc ngành hàng không phải đối mặt với hơn khủng hoảng là nguyên nhân chính của nhu cầu yếu kém. Dữ liệu từ Hiệp hội Vận tải Hàng không Quốc tế cho thấy lưu lượng hành khách trong năm nay sẽ thấp hơn gần 55% so với năm 2019.