|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Hàng hóa

Thỏa thuận của OPEC+ chỉ như 'muối bỏ bể', không thể giải quyết cuộc khủng hoảng kho chứa

06:01 | 11/04/2020
Chia sẻ
2020 lẽ ra là một năm tương đối thuận lợi cho thị trường dầu mỏ, OPEC+ sẽ tiếp tục hạn chế nguồn cung nhằm đảm bảo giá dầu thô không giảm sâu. Tuy nhiên, một loạt sự kiện đã làm thay đổi quĩ đạo của thị trường dầu mỏ, khiến thế giới đắn đo về vấn đề kho chứa trong tương lai.

Năm 2020, Nga ngừng giảm sản lượng khai thác, đại dịch COVID-19 lan rộng ra khắp thế giới sau khi làm Trung Quốc tê liệt và điều đó đã khiến cho một năm đáng lí ra rất tốt lại trở thành cơn ác mộng.

Thị trường dầu mỏ đang quay cuồng, nhưng không may là chưa thể tỉnh giấc khỏi cơn ác mộng. Theo đưa tin từ Bloomberg, các nhà sản xuất đang vật vã tìm khách hàng, hạ giá và bán dầu thô ở mức khá thấp. Đà lao dốc của giá dầu xuất hiện ở nhiều nơi, trải dài từ Nga đến Alaska cũng như từ châu Âu đến Australia.

Đồng thời, các kho chứa trên khắp thế giới đang đầy dần, làm dấy lên lo ngại rằng công suất chứa dầu sắp đạt đỉnh. Khi kho chứa cạn kiệt, giá dầu thô sẽ còn lao dốc mạnh hơn. Ngoài ra, tàu chở dầu cũng đang dần khan hiếm khi mà thương nhân thuê các tàu chở dầu cỡ cực lớn (VLCC) để chứa dầu thô ngoài biển.

Tình hình nghiêm trọng hơn khi thỏa thuận giảm sản lượng dầu thô chưa thể được chốt một cách dứt khoát.

Theo oilprice.com, việc nhà sản xuất hạ giá dầu đang kể một câu chuyện buồn của thị trường: nguồn cung dư thừa nhưng không có mấy khách hàng. Câu chuyện này đã trở nên khá quen thuộc trong vài tuần qua.

Đại dịch COVID-19 làm tê liệt nhu cầu dầu thô, ban đầu ở châu Á, sau đó đến châu Âu, Bắc Mỹ và hiện nay là bất cứ nơi nào đang đặt trong lệnh phong tỏa nhằm ngăn chặn sự lây lan của dịch bệnh.

Vì vậy, toàn bộ lượng dầu không thể bán, dù được hạ giá hay không, đều sẽ được chuyển vào kho chứa.

Hồi đầu năm nay, công ty phân tích dữ liệu OilX ước tính có khoảng 650 triệu thùng dầu thô đang được dự trữ trên đất liền và 100 triệu thùng khác trong các tàu chở dầu ngoài khơi.

Kể từ đó, nhu cầu dầu thô đã giảm sâu do các lệnh phong tỏa, cấm bay và hạn chế di chuyển.

Dù thành công, thỏa thuận của OPEC+ chỉ như 'muối bỏ bể', không thể giải quyết cuộc khủng hoảng kho chứa - Ảnh 1.

Cuộc khủng hoảng kho chứa dầu khó mà giải quyết trong một sớm một chiều. (Nguồn: oilprice.com)

Ba kịch bản về kho chứa dầu

Signal, một công phân tích dữ liệu ước tính thị trường hiện cần khoảng 440 tàu chở dầu VLCC để làm kho chứa, đồng nghĩa rằng các tàu này không thể tham gia vận tải hàng hải như bình thường.

Số lượng tàu VLCC khổng lồ này là cần thiết trong trường hợp xảy ra sự kiện "thiên nga đen" trên thị trường dầu mỏ, theo các nhà phân tích của Signal. Một sự kiện như vậy sẽ khiến cung vượt cầu 20%, kéo theo việc các nhà sản xuất phải xoay xở với 880 triệu thùng dầu cần kho chứa.

Hai kịch bản khác mà Signal cũng tính đến là cung vượt cầu 10% và 15%. Trong kịch bản cung vượt cầu 10%, thị trường sẽ có 115 triệu thùng dầu cần kho chứa, tương đương cần 57,5 tàu VLCC. Trong kịch bản còn lại, thế giới sẽ có 497 triệu thùng dầu cần kho chứa, tức cần 279 tàu VLCC.

Theo Signal, thế giới hiện đang trong kịch bản 2. Tình hình có thể chuyển biến xấu và thị trường dầu mỏ rơi vào kịch bản 3 nếu OPEC và các đồng minh (OPEC+) không thể đạt được thỏa thuận giảm sản lượng.

Tuy nhiên, lần này tất cả các nước sản xuất dầu mỏ lớn đều sẽ phải hạ sản lượng chứ không chỉ OPEC+, điều này có thể khiến việc phân bổ hạn ngạch trở nên khó khăn hơn. Mặt khác, nước nào cũng đang chịu ảnh hưởng bởi đại dịch.

Dù vậy, ngay cả khi một thỏa thuận qui mô toàn cầu được chốt, thị trường cũng chưa thể vực dậy. Thỏa thuận có thể kéo giá dầu thô lên cao nhưng không thể hồi sinh nhu cầu. Tình hình có thể trở nên trầm trọng hơn. 

Thỏa thuận giảm sản lượng của OPEC+ có nguy cơ đổ vỡ sau khi Mexico từ chối hạn mức cắt giảm của nước này và đề nghị hạ con số từ 400.000 xuống 100.000 thùng/ngày. Sau đó, các nước khác không đồng ý thực hiện thỏa thuận nếu Mexico không tham gia cùng.

Tuy nhiên, có một tia sáng cuối đường hầm. Trung Quốc đang dần trở lại nhịp sống bình thường. Các nhà máy lọc dầu từng phải giảm mạnh công suất trong khi Trung Quốc bị phong tỏa hiện đang tăng mua dầu thô.

Theo oilprice.com, còn quá sớm để kết luận liệu Trung Quốc sẽ mất bao lâu để phục hồi hoàn toàn, tuy nhiên sức mua của doanh nghiệp đến từ thị trường tỉ dân chắc chắn sẽ gieo hi vọng rằng cơn ác mộng cuối cùng cũng sẽ qua đi.

Khả Nhân