Bloomberg: Thỏa thuận kỉ lục của OPEC+ cũng khó bảo vệ ngành công nghiệp dầu đá phiến yếu ớt của Tổng thống Trump
Chiến lược của Tổng thống Trump có rủi ro cao
Sau nhiều ngày đàm phán kéo dài, liên minh OPEC+ đã hoàn tất thỏa thuận giảm sản lượng dầu thô kỉ lục 9,7 triệu thùng/ngày vào tối 12/4, chấm dứt cuộc chiến giá dầu khốc liệt giữa Arab Saudi và Nga cũng như góp phần giải quyết vấn đề nhu cầu sụt giảm mạnh do đại dịch COVID-19.
Lệnh phong tỏa ban bố trên khắp thế giới nhằm kìm hãm tốc độ lây lan của COVID-19 đã khiến mức tiêu thụ dầu thô lao dốc đến 35 triệu thùng/ngày.
Thay vì tham gia giảm sản lượng chính thức cùng bất kì liên minh nào, Tổng thống Trump lại đang trông cậy vào việc sản lượng dầu thô của Mỹ giảm khoảng 2 triệu thùng/ngày vì biến động trên thị trường cho đến cuối năm.
Theo Bloomberg, từ đầu năm đến nay, các nhà sản xuất dầu thô tại Mỹ đã cắt giảm ngân sách hơn 27 tỉ USD và đang bắt đầu ngừng vận hành. Thực tế này có thể đẩy một số công ty khai thác dầu đá phiến vào cảnh nợ nần.
"Chiến lược của ông Trump dường như phụ thuộc vào việc biến động trên thị trường tự buộc sản lượng giảm xuống", ông Dan Eberhart - một nhà tài trợ cho chiến dịch tranh cử của Tổng thống Trump kiêm CEO của công ty dịch vụ khoan dầu khí Canary Drilling Services, nhận định.
"Chiến lược trên sẽ kéo một số công ty đi xuống cùng với sản lượng dầu thô", ông Eberhart nói thêm.
Theo một khảo sát của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) chi nhánh Kansas City, gần 40% nhà sản xuất dầu và khí đốt tự nhiên có thể mất khả năng thanh toán trong năm nay nếu giá dầu thô tiếp tục duy trì gần ngưỡng 30 USD/thùng.
Công ty khai thác dầu thô lớn là Whiting Petroleum và công ty cung ứng dịch vụ khoan dầu khí Hornbeck Offshore Services đã nộp hồ sơ xin phá sản vào tuần trước, theo Bloomberg.
Các công ty khai thác đã giảm 10% công suất khoan dầu tại Mỹ, trong đó hơn 50% tổn thất là ở lưu vực Permian (tại West Texas và New Mexico) - trái tim của ngành công nghiệp dầu đá phiến của Mỹ. Trong khi đó, Concho Resources hôm 10/4 cho biết công ty này cùng một số nhà sản xuất khác đã giảm sản lượng dầu ra.
Sau khi thỏa thuận giảm sản lượng của OPEC+ được chốt, các nhà phân tích của Goldman Sachs đã gọi thỏa thuận này là "quá ít và quá trễ". Đồng thời, họ dự đoán giá dầu thô tại thị trường Mỹ sẽ giảm sâu hơn trong vài tuần tới khi kho chứa đầy.
Trong tháng 3, giá dầu thô đã giảm xuống dưới 10 USD/thùng tại một số khu vực của nước Mỹ do nhu cầu sụp đổ.
Trong khi đó, các công ty lọc dầu hiện sắp hết kho chứa nhiên liệu và cũng không bán sản phẩm đi đâu. Nhóm này đang giảm sản lượng và loại bỏ phần dầu thô mà họ không cần, gia tăng thêm sức ép cho các nhà sản xuất nhỏ hơn.
Chiến lược gây sức ép buộc Arab Saudi và Nga đồng ý giảm sản lượng kỉ lục của ông Trump song hành cùng tuyên bố mà ông nhiều lần lặp lại rằng các nhà khai thác của Mỹ đang thu hẹp qui mô để đối phó với đà lao dốc của nhu cầu.
Một số thượng nghị sĩ từ các tiểu bang sản xuất dầu thô trước đây đã đề xuất phương án cắt giảm viện trợ cho Arab Saudi hoặc áp thuế quan lên dầu thô của nước này nếu họ không đồng ý giảm sản lượng.
Ông Trump từng cho biết các nhà sản xuất có thể bơm dầu về sau. Trong cuộc họp báo hôm 10/4, ông Trump nói: "Ngành công nghiệp dầu đá phiến Mỹ không tổn thất gì vì chúng tôi đã đồng ý giảm một chút sản lượng. Dầu thô đang ở dưới lòng đất. Dầu ngay dưới đó, không chạy đi đâu mất nên sau này khai thác cũng không muộn".
Theo Bloomberg, hai trong số các hiệp hội thương mại ngành dầu mỏ lớn nhất của Mỹ đã phản đối ý tưởng về thuế quan và bày tỏ sự ủng hộ đối với thỏa thuận của OPEC+.
Viện Dầu khí Mỹ hoan nghênh "thông báo về thỏa thuận giảm nguồn cung của các nước sản xuất dầu thô khác theo tiếng gọi của thị trường cũng như các hãng khai thác Mỹ nhằm điều chỉnh cho phù hợp với nhu cầu năng lượng thấp do đại dịch".
Hiệp hội các nhà sản xuất nhiên liệu và hóa dầu Mỹ hài lòng rằng thỏa thuận vừa đạt được "giúp các hãng khai thác của Mỹ và tránh gây áp chi phí khác lên các công ty lọc dầu trong nước".
Ông Kevin Book - Giám đốc điều hành tại công ty ClearView Energy Partners (Washington), nhận định rằng trong bối cảnh mức giảm sản lượng không thể bù đắp đà lao dốc của nhu cầu trong thời gian dài, thỏa thuận của OPEC+ không giúp cân bằng thị trường mà chỉ là phương án "câu giờ" nhằm ngăn chặn kịch bản kho chứa cạn kiệt trong tương lai.