Cuộc chiến giá dầu thô kết thúc với thỏa thuận giảm sản lượng 9,7 triệu thùng/ngày của OPEC+
Chốt phương án giảm 9,7 triệu thùng/ngày
Cuộc họp khẩn cấp tối ngày 12/4 diễn ra trong bối cảnh các quốc gia sản xuất dầu thô gặp khó khăn trong quá trình chốt thỏa thuận giảm sản lượng để thúc đẩy giá dầu thô tăng lên giữa lúc đại dịch COVID-19 kìm hãm nhu cầu nghiêm trọng. Đây là cuộc họp thứ hai trong 4 ngày qua.
Thỏa thuận mới cũng chấm dứt cuộc chiến giá dầu giữa Arab Saudi và Nga từ đầu tháng 3. Khi hai "ông lớn" này cố gắng giành thị phần, căng thẳng giữa họ đã gây thêm áp lực lên giá dầu.
Theo thỏa thuận mới, Mexico sẽ giảm sản lượng 100.000 thùng/ngày thay vì 400.000 thùng/ngày như ban đầu được yêu cầu, theo CNBC.
Quá trình giảm sản lượng 9,7 triệu thùng/ngày sẽ bắt đầu từ ngày 1/5 và sẽ kéo dài đến cuối tháng 6. Sau đó, OPEC+ sẽ tiếp tục giảm thêm 8 triệu thùng/ngày từ tháng 7 đến hết năm 2020 và giảm thêm 6 triệu thùng/ngày trong giai đoạn 1/2021 - 4/2022.
Ban đầu vào ngày 9/4, liên minh OPEC+ đề xuất giảm 10 triệu thùng/ngày - tương đương 10% nguồn cung dầu thô toàn cầu, nhưng Mexico đã phản đối hạn mức cắt giảm được giao, khiến thỏa thuận rơi vào bế tắc.
Cuộc đàm phán tiếp tục diễn ra vào ngày 10/4 khi các bộ trưởng năng lượng G20 nhóm họp. Mặc dù G20 đồng ý rằng các bên nên tham gia nỗ lực ổn định thị trường dầu thô, khối này cũng không thể đưa ra hạn mức giảm sản lượng cụ thể.
OPEC+ hi vọng các nước không nằm trong liên minh như Mỹ, Canada và Na Uy sẽ giảm sản lượng nhằm kéo giá dầu lên cao. Mặc dù Tổng thống Donald Trump đã từ chối lời đề nghị, ông cho biết diễn biến trên thị trường dầu mỏ sẽ khiến sản lượng khai thác của Mỹ giảm một cách tự nhiên.
Bộ trưởng Bộ Năng lượng Mỹ Dan Brouillette lặp lại quan điểm trên hôm 10/4, nói rằng sản lượng khai thác của Mỹ sẽ giảm khoảng 2 triệu thùng/ngày cho đến cuối năm nay và thậm chí có thể tăng lên 3 triệu thùng/ngày.
Áp lực của thị trường tạm thời được giải toả
"Thỏa thuận ít nhất có thể tạm thời hỗ trợ cho ngành công nghiệp năng lượng cũng như nền kinh tế thế giới", ông Per Magnus Nysveen - người đứng đầu bộ phận phân tích của Rystad Energy, chia sẻ với CNBC.
"Mặc dù mức giảm sản lượng nhỏ hơn những gì thị trường cần và chỉ tạm gỡ rối cho vấn đề kho chứa, thị trường đã có thể tránh được kịch bản tồi tệ nhất", ông Nysveen nhấn mạnh.
Sau thỏa thuận kỉ lục của OPEC+, ông Trump đã đăng tải một dòng tweet, cho biết "thỏa thuận tuyệt vời, có lợi cho tất cả các bên và sẽ bảo vệ được hàng trăm nghìn việc làm trong ngành năng lượng Mỹ".
Vào ngày 10/4, khi thỏa thuận của OPEC+ lâm nguy, ông Trump đã đề nghị rằng Mỹ có thể hỗ trợ Mexico thông qua mức giảm sản lượng 300.000 thùng/ngày.
Ông Ed Morse, đứng đầu bộ phận giao dịch hàng hóa quốc tế của Citi, nhận định: "Thỏa thuận của OPEC+ là chưa từng có trong lịch sử. Đồng thời, cũng chưa có tiền lệ trong lịch sử đàm phán giảm sản lượng của liên minh dầu mỏ, Mỹ đóng một vai trò quan trọng là 'bắt tay' Arab Saudi và Nga để thúc đẩy hai bên tiến hành thảo luận".
Mặc dù qui mô kỉ lục của thỏa thuận giảm sản lượng dầu thô, một số chuyên gia lo ngại rằng mức giảm chưa đủ lớn để kìm hãm đà lao dốc của nhu cầu. Hôm 9/4, giá dầu WTI đã giảm hơn 9%. Thị trường đóng cửa hôm 10/4.
Theo CNBC, hợp đồng dầu WTI và Brent giao sau đều nằm trong vùng thị trường gấu, giảm lần lượng 53% và 63% kể từ khi đạt đỉnh hồi tháng 1.
Ông Chris Midgely - người đứng đầu bộ phận phân tích toàn cầu của S&P Global Platts, cho hay thỏa thuận mới không đủ "để điều chỉnh khi cung vượt cầu 15 - 20 triệu thùng/ngày thời gian tới cũng như tránh kịch bản kho chứa đạt đỉnh vào tháng 5".
Theo ông Midgely, mức giảm sản lượng trên "không đủ để hỗ trợ bền vững và giúp giá dầu phục hồi, trừ khi OPEC hành động mạnh mẽ hơn".
Bà Ann-Louise Hittle, Phó Chủ tịch của công ty tư vấn Wood Mackenzie, lưu ý rằng thỏa thuận "sẽ tạo ra sự khác biệt cho thị trường dầu mỏ, ngay cả khi quá trình thực hiện không thực sự đúng hướng".
"Chúng tôi dự đoán nguồn cung dầu thô sẽ giảm trong nửa cuối năm 2020, trái với tình trạng vượt cung kỉ lục trong nửa đầu năm", bà Hittle nói.