Thế giới sắp hết kho chứa, nguy cơ giá dầu xuống dưới 0
Chính phủ khắp nơi trên thế giới đang áp đặt các lệnh phong tỏa nhằm ngăn chặn sự lây lan của dịch COVID-19, doanh nghiệp do vậy phải tạm đóng cửa, nhu cầu xăng dầu lao dốc.
Trong khi đó, các cường quốc dầu mỏ gồm thành viên OPEC và Nga lại đang đẩy mạnh khai thác để đấu đá lẫn nhau trong cuộc chiến giá dầu. Saudi Arabia đã tuyên bố sẽ đưa sản lượng lên mức cao kỉ lục trong thời gian tới.
Hệ quả tất yếu là kho chứa dầu ở khắp nơi đang dần hết chỗ.
Trao đổi với CNBC, ông Bjarne Schieldrop – Giám đốc phân tích hàng hóa tại tập đoàn tài chính SEB (Thụy Điển) nhận định: "Các nhà máy lọc dầu ở nhiều nơi đang thua lỗ trên mỗi thùng dầu mà họ chế biến, và cũng không có chỗ nào để chứa sản phẩm đầu ra".
Ông Schieldrop cho rằng khi các nhà máy lọc dầu đóng cửa, các nhà sản xuất dầu sẽ không biết chuyển dầu thô của mình đi đâu.
"Đối với các nhà sản xuất dầu ở sâu trong đất liền, giá dầu giao tại chỗ có thể nhanh chóng giảm về 0 hoặc thậm chí là dưới 0 vì có quá nhiều dầu, các nhà sản xuất phải trả tiền cho người khác chở dầu đi cho tới khi họ có thể đóng cửa hoạt động khai thác", ông Schieldrop nói thêm.
Giá dầu thô Brent tiêu chuẩn quốc tế chiều ngày 1/4 giảm hơn 3,8% xuống còn 25,33 USD/thùng trong khi giá dầu thô WTI là 20,54 USD/thùng.
Theo ghi nhận của CNBC, cả hai loại giá dầu này đều vừa ghi nhận quí thảm hại nhất trong lịch sử. Cụ thể, trong quí I/2020, giá hợp đồng tương lai dầu Brent sụt 65% còn dầu WTI cũng mất tới 66% giá trị.
Tính đến 10h30 sáng 2/4 theo giờ Việt Nam, cả thế giới đã ghi nhận 936.000 người dương tính với COVID-19 với 47.200 ca tử vong.
Các nhà phân tích của Goldman Sachs cũng cảnh báo cú sốc do COVID-19 gây ra là "cực kì tiêu cực đối với giá dầu và đẩy giá dầu thô trong đất liền xuống mức âm".
Goldman Sachs ước tính cả thế giới còn khả năng chứa tổng cộng khoảng 1 tỉ thùng dầu, tuy nhiên phần lớn năng lực dưa thừa này sẽ không bao giờ được dùng đến "do mạng lưới giao thông tê liệt vì đại dịch".
"Do chi phí để đóng một giếng dầu là rất lớn nên các nhà khai thác thà trả tiền cho người khác chở dầu đi còn hơn, tức là giá dầu ở những nơi sâu trong đất liền [không tiện cho giao thông đường thủy] sẽ xuống dưới 0", các nhà phân tích tại Goldman Sachs nhận định.
Theo ngân hàng đầu tư này, các loại dầu thô ở gần biển như Brent sẽ ít bị ảnh hưởng bởi đại dịch COVID-19 và giá dầu Brent nhiều khả năng sẽ ở quanh mức 20 USD/thùng, mặc dù sẽ có những đợt giảm sâu xuống dưới ngưỡng này.
Ngược lại, dầu West Texas Intermediate (WTI) ở sâu trong đất liền tới 800 km và do vậy sẽ bị giảm giá mạnh nhất, cùng với đó là dầu WTI Midland và Western Canada Select (WCS). Đầu tuần này, giá dầu WCS chỉ là 4,18 USD/thùng, rẻ hơn cả một cốc bia loại ngon ở Canada.
Các nhà phân tích tại công ty tư vấn Eurasia Group nhận định: "Nhu cầu lao dốc mà nguồn cung lại tăng cao sau khi OPEC và Nga không đạt được thỏa thuận cắt giảm sản lượng hồi đầu tháng 3, các kho chứa dầu trên thế giới sẽ hết chỗ trong vài tuần nữa".
"Hiện nay đã bắt đầu xảy ra tình trạng các cảng và nhà máy lọc dầu từ chối tiếp nhận các tàu chở dầu. Giá dầu do vậy sẽ còn phải chịu thêm áp lực đi xuống và sự sinh tồn của nhiều công ty năng lượng sẽ bị đe dọa", Eurasia Group nhận định.
Diễn đàn Đầu tư Việt Nam 2025 (Vietnam Investment Forum 2025) với chủ đề “Khai thông & Bứt phá” do trang TTĐT tổng hợp VietnamBiz, Việt Nam Mới tổ chức sẽ diễn ra vào ngày 8/11/2024 tại GEM CENTER, TP HCM.
Sự kiện quy tụ giới chuyên gia cao cấp trong lĩnh vực đầu tư, tài chính là các nhà làm chính sách, CEO, CFO, CIO các ngân hàng, công ty chứng khoán, quỹ đầu tư, công ty bất động sản, các hãng xếp hạng, công ty cung cấp dữ liệu và hàng trăm nhà đầu tư có kinh nghiệm lâu năm trên thị trường chứng khoán và bất động sản.
Diễn đàn hứa hẹn mang lại không gian để các chuyên gia bàn luận về các xu hướng đầu tư mới, các góc nhìn chiến lược, mở ra nhiều ý tưởng đầu tư phù hợp cho giai đoạn mới. Đồng thời tạo cơ hội gặp gỡ, kết nối giữa nhà đầu tư và các đối tác tiềm năng trên thị trường.
Thông tin chi tiết chương trình: https://event.vietnambiz.vn/